Khoai tây Quế Võ - 'điểm sáng' của thị trường nông sản Bắc Ninh

nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất khoai tây Quế Võ nói riêng, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt khoai tây Quế Võ nằm trong 27 sản phẩm chủ lực theo Chương trình OCOP.

Giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh kinh tế của Bắc Ninh năm vừa qua, ta vẫn thấy những mảng sáng tích cực, đó là ở ngành Nông nghiệp.

Trước khó khăn, ngành Nông nghiệp Bắc Ninh đã thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch.

Khoai tây Quế Võ nằm trong 27 sản phẩm chủ lực theo Chương trình OCOP (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh).

Huyện Quế Võ sở hữu lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi, tiếp giáp với thành phố Bắc Ninh, có Quốc lộ 18, tuyến đường tỉnh 279, hệ thống giao thông đường thủy trên các tuyến sông Cầu và sông Đuống, cùng với đó là các dịch vụ vận tải đường dài, logistic, ICD tại cảng Bắc Ninh I và cảng Đức Long,…

Ngoài ra, cũng có các khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh đóng trên địa bàn như: Khu công nghiệp trọng điểm Quế Võ I, Quế Võ II và Quế Võ III…Với việc phát triển các vùng nông nghiệp, huyện đã ưu tiên phát triển sản xuất hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp sạch, nền nông nghiệp thông minh áp dụng công nghệ cao. Với diện tích gieo trồng bình quân hàng năm đạt trên 17.800 ha, trong đó 13.500 ha lúa, huyện Quế Võ đã lựa chọn cây khoai tây, cây lúa là cây trồng chủ lực.

Từ đó huyện chủ động quy hoạch, ban hành nghị quyết và tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Nhờ vậy, đến nay, huyện Quế Võ đã trồng được 2.138ha cây rau màu vụ đông các loại. Trong đó riêng diện tích khoai tây đạt 1.793ha. Diện tích khoai tây tập trung tại xã Việt Thống, Nhân Hòa, Phù Lương, Quế Tân, Bằng An, Phương Liễu, Việt Hùng..., vượt so với kế hoạch hơn 40ha.

Huyện đã chỉ đạo triển khai 1 mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết sản xuất đến tiêu thụ và thí điểm tổ chức sản xuất khoai tây theo tiêu chuẩn VIETGAP gắn với truy xuất nguồn gốc là 50ha tại các xã Ngọc Xá, Đào Viên, Yên Giả.

Ngoài ra, toàn huyện đã trồng được 60ha cà rốt, 45ha ngô, 40ha bí, 10ha cà chua, 10ha khoai lang và 180ha cây rau mầu khác. Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đã đẩy mạnh việc tích tụ ruộng đất để hình thành những vùng chuyên canh khoai tây quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cách làm mới trên những cánh đồng cũ đã bước đầu mang lại "trái ngọt" và tạo ra "điểm sáng" trong bức tranh chung của ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh.

Mô hình trồng khoai tây vụ Đông của các hộ gia đình xã Bồng Lai, huyện Quế Võ đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế và là niềm mơ ước của những người trồng khoai tây, với lợi nhuận hàng tỷ đồng/vụ, từ việc trồng hàng chục hecta khoai tây.

Thành công đó là nhờ sự tìm tòi, học hỏi, dám nghĩ dám làm, biết ứng dụng các kỹ thuật khoa học công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Nhận thấy hiệu quả từ việc trồng khoai tây mang lại, những năm sau đó, các hộ gia đình đã mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, nhận thấy nhiều diện tích đất sản xuất vụ Đông trên địa bàn huyện Quế Võ bị bỏ hoang, sản xuất manh mún nên hiệu quả kinh tế không cao, trong khi đó, nhu cầu sử dụng khoai tây của người dân, cũng như tiêu thụ ngày càng lớn.

Từ thực tế đó, các hộ dân nơi đây đã thành lập ra Hợp tác xã nông nghiệp xanh, để xây dựng những vùng sản xuất khoai tây quy mô lớn. Mô hình này, bước đầu mang lại hiệu quả mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh. Qua đó, tạo công ăn việc làm thời vụ cho hàng trăm lao động, với mức thu nhập 200.000 đồng/ngày, từ việc trồng, thu hoạch khoai tây.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Võ, vụ Đông năm nay, toàn huyện trồng khoảng 2.300 ha; trong đó, cây khoai tây là gần 1.800 ha, tập trung chủ yếu tại các xã Bằng An, Nhân Hòa, Việt Hùng, Quế Tân, Đào Viên, Phù Lương, Bồng Lai, chủ yếu là giống khoai Marabel (nhập từ Đức). Năng suất bình quân đạt từ 18-20 tấn/ha.

Ông Nguyễn Thanh Bình- Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Võ cho biết mặc dù, huyện đã có chủ trương dồn điền đổi thửa để sản xuất, tuy nhiên, diện tích vẫn còn tình trạng manh mún, dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao. Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, UBND Bắc Ninh và huyện Quế Võ đã có chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa quy mô lớn, thay đổi phương thức sản xuất. Đây là giải pháp quan trọng nhằm tái cơ cấu nông nghiệp của huyện. Năm 2019, toàn huyện Quế Võ đã tích tụ ruộng đất khoảng 4.000 ha, để xây dựng những cánh đồng mẫu lớn; trong đó, chủ lực là cây khoai tây, với khoảng 1.000 ha.

"So với sản xuất nông nghiệp truyền thống, việc tích tụ ruộng đất để sản xuất tập trung đã cho hiệu quả kinh tế rõ rệt. Hiệu quả nhất là việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, từ khâu làm đất đến thu hoạch, giúp giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nhất là đem lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích"- ông Bình nói.

Bên cạnh đó, hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật, bổ sung kiến thức quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản khoai tây; từ đó, khuyến khích nông dân áp dụng các quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ, bảo quản nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng vùng sản xuất giống chất lượng…

Để nâng tầm thương hiệu khoai tây Quế Võ, thời gian tới, huyện Quế Võ tiếp tục mở rộng, phát triển sản xuất an toàn, sản xuất VietGap, gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là trong việc cơ giới hóa sản xuất và bảo quản sản phẩm. Đồng thời, thực hiện việc xúc tiến thương mại thông qua việc xây dựng những điểm bán hàng, cũng như quảng bá phát triển thương hiệu khoai tây Quế Võ đến với các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản và người tiêu dùng.

Hiện, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt 27 sản phẩm chủ lực theo Chương trình Mỗi xã sản phẩm giai đoạn 2019 - 2020 (Chương trình OCOP); trong đó, có khoai tây Quế Võ. Theo đó, sản phẩm khoai tây Quế Võ được hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá, xây dựng bộ nhận diện nhãn hiệu OCOP Bắc Ninh; xúc tiến thương mại và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Minh Hằng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khoai-tay-que-vo--diem-sang-cua-thi-truong-nong-san-bac-ninh-post171303.html