Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang: Nơi hồi sinh sự sống

Tháng 6/2023, Khoa Sơ sinh (Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang) tròn 5 năm thành lập. Đáp ứng niềm mong mỏi của nhân dân, Khoa có những bước tiến vượt bậc trong y thuật, mang lại sự sống cho hàng nghìn trẻ mới chào đời mắc các bệnh lý sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non tháng.

Nỗ lực giành lại sự sống

Hơn 2 tháng qua, câu chuyện về các y, bác sĩ Khoa Sơ sinh nỗ lực cấp cứu giành lại sự sống cho bé Vi Bảo Khang, ở huyện Sơn Động mới chào đời được 6 tiếng bị sốc phản vệ sau tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm gan B vẫn được nhiều người trong ngành y nhắc đến.

Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Lê Công Tước trao Giấy khen của Giám đốc Sở Y tế cho tập thể Khoa Sơ sinh.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Lệ, Trưởng Khoa cho hay, nhận được thông tin cần hỗ trợ chuyên môn từ Trung tâm Y tế huyện Sơn Động, Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang đã nhanh chóng điều xe cấp cứu với bác sĩ, 2 điều dưỡng mang theo trang thiết bị hỗ trợ lập tức lên đường đón bệnh nhi về tuyến tỉnh điều trị. Khi đưa bệnh nhân nhập viện, bé đã rất nguy kịch. Các bác sĩ đã chỉ định can thiệp thở máy, mở màng phổi tối thiểu dẫn lưu dịch, đặt Catheter động mạch theo dõi huyết áp, nuôi dưỡng tĩnh mạch, duy trì thuốc vận mạch, truyền máu.

Hôm đó đúng vào ca trực của bác sĩ Lệ. Vậy là suốt đêm, chị và nhiều điều dưỡng thức trắng túc trực tại phòng chăm sóc đặc biệt, dõi theo từng nhịp thở, từng chỉ số hiển thị trên máy… Đây là một ca bệnh cực khó và hiếm gặp, đặt ra thử thách lớn đối với các bác sĩ của khoa. Những nỗ lực của các y, bác sĩ cuối cùng đã được đền đáp khi sức khỏe của bệnh nhân chuyển biến từng ngày. Sau gần nửa tháng điều trị, bệnh nhân bình phục trở về với gia đình.

Bình quân mỗi ngày, tại Khoa Sơ sinh có hơn 60 trẻ điều trị (có thời điểm lên đến 80 bệnh nhi). Khi chúng tôi đến, các bác sĩ đang chăm sóc cho bé D.D.A, quê ở thị trấn Phồn Xương (Yên Thế) mới vào viện ngày 2/6. Bé D chỉ nặng 0,6 kg, sinh non ở tuần thứ 26 của thai kỳ. Bé đang được thở máy, nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn, các chỉ số sinh tồn trong tầm kiểm soát. Vừa kiểm tra sức khỏe bé D.D.A, các bác sĩ nhận được tin báo từ Khoa Đẻ có một bé trai vừa chào đời trong tình trạng suy hô hấp.

Ngay lập tức, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Ngọc cùng kíp trực nhanh chóng đón bệnh nhi đưa vào buồng cấp cứu, chỉ định tiêm kháng sinh, cho thở máy, đặt ống xông bơm sữa nuôi dưỡng đồng thời phân công điều dưỡng trực theo dõi. Nhiệm vụ nào cũng cần kíp nên mỗi cán bộ, nhân viên trong tua trực đều làm việc hết công suất, tập trung cao cho từng ca bệnh.

Khoa Sơ sinh có 30 cán bộ gồm 8 bác sĩ, 21 điều dưỡng và một hộ lý. Mỗi năm, khoa tiếp nhận, điều trị hơn 3 nghìn ca bệnh, trong đó tỷ lệ trẻ sơ sinh non tháng chiếm khoảng 30%, còn lại là các bệnh lý khác. Việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời, tranh thủ được "thời gian vàng" trong cấp cứu có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần hồi sinh sự sống cho bệnh nhi sơ sinh, giảm tỷ lệ tử vong và giảm số ca bệnh phải chuyển lên tuyến trên.

Làm chủ nhiều kỹ thuật cao

Các bác sĩ Khoa Sơ sinh chăm sóc sức khỏe trẻ sinh non tại phòng chăm sóc đặc biệt.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Lệ - Trưởng khoa cho hay, môi trường làm việc tại phòng chăm sóc đặc biệt rất nhiều áp lực bởi diễn biến bệnh lý ở trẻ sơ sinh rất nhanh hoặc không rõ rệt, chỉ sơ suất nhỏ của người thầy thuốc cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Mỗi cán bộ, nhân viên làm việc tại Khoa phải có năng lực trình độ, trách nhiệm cao và tình thương yêu với những em bé sơ sinh còn non nớt bởi thời gian trẻ nằm tại đây, ngoài việc điều trị, các bác sĩ, điều dưỡng là người thay cha mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.

5 năm qua, số lượng cán bộ, nhân viên y tế làm việc tại đây gần như không thay đổi song năng lực, tay nghề phát triển rõ rệt. Hằng năm, Khoa thường xuyên cử cán bộ, nhân viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, đổi mới tác phong phục vụ.

Đến nay, Khoa Sơ sinh đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật cao như: Đặt catheter tĩnh mạch rốn để nuôi dưỡng các bé, qua đó hạn chế lấy ven, tránh được nguy cơ nhiễm trùng cơ thể; kỹ thuật thở máy, thở máy cao tần, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, đặt catheter động mạch để đo huyết áp động mạch, dẫn lưu dịch màng phổi, dẫn lưu khí màng phổi trong trường hợp trẻ bị tràn dịch, tràn khí màng phổi gây khó thở, đặt longline truyền dịch nuôi dưỡng trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng (dưới 28 tuần); kỹ thuật “LISA” (kỹ thuật bơm Surfactant ít xâm lấn) để điều trị hội chứng suy hô hấp ở trẻ đẻ non; kỹ thuật thay máu toàn phần điều trị vàng da nhân não ở trẻ sơ sinh.

Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang cho biết: "Cấp cứu thành công một trẻ sơ sinh là giành lại sự sống, hồi sinh một cuộc đời, mang lại hạnh phúc cho mỗi gia đình. Thời gian qua, Ban Giám đốc Bệnh viện luôn ưu tiên dành kinh phí đầu tư, bổ sung trang thiết bị hiện đại nhất để hỗ trợ cấp cứu; cử đội ngũ y, bác sĩ tham gia các khóa đào tạo nâng cao tay nghề. Hiện nay, các thầy thuốc đã làm chủ được nhiều kỹ thuật cao trong chăm sóc, điều trị các bệnh ở trẻ sơ sinh tương đương với bệnh viện trung ương".

Trước đây, nhiều phụ huynh còn chủ quan trong công tác chăm sóc sức khỏe trẻ nhỏ, có trường hợp đưa trẻ đến muộn khi bệnh tình đã nặng, gây khó khăn cho công tác chẩn đoán, điều trị. Khoa Sơ sinh đã quan tâm công tác truyền thông giáo dục phổ biến kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho cha mẹ và người chăm sóc.

Mỗi bệnh nhân đến khám đều được bác sĩ điều trị đưa vào hồ sơ theo dõi sức khỏe, cung cấp số điện thoại sẵn sàng tư vấn trực tuyến, từ xa, giảm bớt thời gian, chi phí đi lại cho gia đình. Nhờ vậy, hầu hết trẻ sơ sinh khi có vấn đề về sức khỏe đều được gia đình đưa đến khám, điều trị kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, giảm tình trạng bệnh chuyển nặng, giảm bệnh nhân tử vong và chuyển tuyến trung ương.

Kim Hiếu - Mai Toan

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/suc-khoe/406606/khoa-so-sinh-benh-vien-san-nhi-bac-giang-noi-hoi-sinh-su-song.html