Khóa cửa nhà người dân là không cần thiết trong bối cảnh chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn

'Khóa cửa' là biện pháp cưỡng chế, vi phạm quyền tự do đi lại của công dân, trừ trường hợp người dân đồng tình ủng hộ viết bản cam kết. Tuy nhiên, ở thời điểm này, làm như vậy là không thực sự cần thiết' - Tiến sĩ luật Nguyễn Thị Thủy nhận định.

Chỉ còn 2 tuần nữa sẽ bước vào Tết Nhâm Dần 2022. Tết Nguyên đán đối với mỗi người dân Việt Nam là bản sắc, nét văn hóa không thể thiếu, không thể thay thế hay tách rời. Tuy nhiên, lo ngại trước tình hình người dân từ vùng dịch trở về quê đón Tết, nhiều địa phương đồng loạt vận động, hay viết thư ngỏ kêu gọi người dân không về quê khi không cần thiết.

Đặc biệt, những ngày qua, dư luận rất quan tâm đến việc gần 30 hộ dân ở xã Thiệu Phú, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa về từ vùng dịch cấp độ 3 và 4 được vận động và đồng ý cho chính quyền địa phương khóa cổng nhà.

Hay như trường hợp gia đình bà P.T.S, trú tại thôn Cao Bạt Lụ, xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, có 2 cháu nhỏ (7 và 10 tuổi) về từ TP. Hải Phòng vào ngày mùng 9/1. Thời điểm này, Hải Phòng vẫn là vùng đỏ (cấp độ dịch 4). Trong thời gian 2 cháu nhỏ cách ly tại nhà, lực lượng chống dịch tại thôn Cao Bạt Lụ đã khóa trái cửa nhà bà S. suốt 7 ngày.

Người dân trở về quê đón Tết bị khóa trái cửa nhà trong thời gian cách ly (ảnh: Zingnews)

Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, Việt Nam đã chấp nhận chuyển từ "Zero Covid" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả", nghĩa là chuyển sang kiểm soát rủi ro thay vì khắt khe "ngăn sông cấm chợ", đặc biệt khi Bộ Y tế đã có quy định cụ thể về việc cách ly và xét nghiệm người về từ các địa phương khác, vì vậy, các địa phương nên tạo điều kiện đón người dân về quê đón Tết an toàn, thực hiện thống nhất, tránh mỗi nơi một kiểu gây ra tình trạng "cát cứ" như trước đây.

Ông Phu cho biết, việc yêu cầu toàn bộ người dân vào địa bàn phải xét nghiệm vừa không cần thiết, gây tốn kém, bất tiện và tâm lý chủ quan phòng dịch khi đã có kết quả xét nghiệm âm tính.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, chính quyền và người dân cần kiểm soát tốt và phản ứng với rủi ro, nghiêm túc tuân thủ quy tắc 5K, han chế tiếp xúc đám đông, giảm đi lại khi không thực sự cần thiết, ông Phu khuyến cáo.

Trước thực trạng nhiều địa phương khắt khe, khóa trái cửa nhà người dân trong quá trình cách ly, dưới góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, Tiến sĩ Luật Nguyễn Thị Thủy, Phó trưởng khoa Pháp luật Hành chính Nhà nước, Đại học Luật Hà Nội cho biết, ở thời điểm này, việc sử dụng biện pháp khóa cửa là biện pháp cưỡng chế, vi phạm quyền tự do đi lại của công dân, trừ trường hợp người dân đồng tình ủng hộ, viết bản cam kết. Tuy nhiên, ở thời điểm này, thực hiện biện pháp như vậy là không thực sự cần thiết trong bối cảnh đất nước đã chuyển sang giai đoạn "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả".

An Mai

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khoa-cua-nha-nguoi-dan-la-khong-can-thiet-trong-boi-canh-chuyen-sang-giai-doan-thich-ung-an-toan-post177817.html