Khóa bổ túc ChatGPT giá 10 triệu đồng 'như lùa gà'

Nhiều nhân sự trẻ sẵn sàng chi tiền để tham gia các khóa dạy sử dụng công cụ AI vì sợ bị đào thải khỏi thị trường lao động. Song kết quả khiến không ít người thất vọng.

DALL-E, Claude AI, Midjourney hay Hubspot đều mơ hồ đối với Huy Hoàng (28 tuổi, quận 3, TP.HCM). Thứ duy nhất anh từng nghe qua là ChatGPT, nhưng cũng chưa sử dụng bao giờ.

Thế nhưng, gần đây, công ty anh bắt đầu yêu cầu nhân sự tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào quá trình làm việc để cải thiện hiệu suất, khiến Huy Hoàng không khỏi lo lắng.

Làm trong ngành logistics, anh là nhân sự phụ trách các công việc như làm báo cáo, xử lý hóa đơn, bảng giá, chăm sóc khách hàng. Trước đây, những công việc này đều được anh hoàn thành bằng các tác vụ, kỹ năng tin học thông thường.

Hiện anh phải tìm đến các lớp học về công cụ AI nếu không muốn bị tụt hậu. Nhưng quá trình học hỏi của anh không mấy suôn sẻ.

Chia sẻ với Tri thức - Znews, nhân sự ngành logistics cho biết anh bị "lùa" đăng ký lớp AI tổng hợp, thay vì chỉ học những công cụ thực sự hỗ trợ cho công việc cá nhân.

Chẳng hạn, Huy Hoàng thấy mình không cần dùng đến Midjourney, một chương trình trí tuệ nhân tạo có khả năng tạo ra những bức tranh dựa trên các mô tả văn bản mà người dùng cung cấp.

"Học phí 12 triệu đồng, giảm nhanh 2 triệu đồng. Tưởng đây là giá hời nên tôi vội đồng ý”, anh kể lại.

Nhiều nhân sự đang phải loay hoay với các lớp học AI. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Rầm rộ những lớp học AI

Trong khi đó, Khánh An (27 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM), nhà sáng tạo nội dung, cũng tò mò nên tìm đến các khóa học AI được rao bán trên mạng.

An cho biết cô đang chuyển đổi nội dung làm video để có thể gắn sản phẩm vào giỏ hàng, nhanh chóng livestream kiếm thêm thu nhập. Trước sự bùng nổ của AI, Khánh An hy vọng rằng các công nghệ mới có thể hỗ trợ cô làm những nội dung mới lạ.

Những cụm từ như “tuyệt đỉnh AI, kiếm tiền bùng nổ", “AI đỉnh cao trong tiếp thị, x10 doanh số bán hàng"... khiến An hào hứng.

Khánh An chi 1 triệu đồng cho khóa học ChatGPT cơ bản trong 2 buổi.

Cô liên hệ đến một “trung tâm" trên mạng xã hội, nơi có những khóa học hứa hẹn đáp ứng mọi nhu cầu của cô. Khánh An trả 1 triệu đồng cho 2 buổi học sử dụng ChatGPT cơ bản.

“Tôi học vỏn vẹn 2 buổi qua online, mỗi buổi 2,5 giờ. Tôi cũng không rõ người dạy là ai, có trình độ thế nào, mọi thứ rất qua loa và mơ hồ", An kể.

Bảo Ngọc (26 tuổi, quận 10, TP.HCM), chuyên viên hành chính nhân sự, từng nghĩ rằng công việc mình sẽ không bao giờ bị ảnh hưởng bởi AI.

Tuy nhiên, cô nhận được kỳ vọng từ cấp trên về việc làm sao để tiếp cận được AI, đưa công cụ này vào sàng lọc CV, đánh giá tự động, quản lý hồ sơ và cơ sở dữ liệu về bảo hiểm, lương, ngày phép… của nhân viên.

“Tôi là nhân sự trẻ trong công ty nên phải học để phát triển bản thân, sau đó hướng dẫn lại cho một số đồng nghiệp lớn tuổi hơn", cô nói.

Bảo Ngọc được công ty tài trợ khóa học, song cô cũng loay hoay không biết bắt đầu từ đầu, nên học những gì.

“Có hàng chục group trên mạng xã hội, mang danh hỗ trợ phát triển AI, ai ai cũng bán khóa học", Ngọc nói.

Chất lượng không như kỳ vọng

Sau khi kết thúc 2 buổi học ChatGPT online, với tổng thời lượng 5 tiếng, do một "giáo viên" không rõ trình độ đứng lớp, thứ duy nhất Khánh An nhận lại là giao diện cơ bản của công cụ này và một vài câu lệnh cơ bản.

“Khóa học đông học viên, người dạy rất nhanh, chủ yếu là hướng dẫn thao tác, chỉ ra được tầm quan trọng, khả năng của ChatGPT, nhưng không đi sâu vào cách khai thác công cụ này", An nói.

Theo cô, do lĩnh vực trí tuệ nhân tạo còn khá xa lạ, học viên dù không hiểu cũng ngại thắc mắc. Lớp học hầu như không ai tương tác, đến đoạn thực hành cô cũng ngại lên tiếng dù không làm kịp.

“Người dạy luôn hối thúc, bảo cứ ghi nhớ rồi thực hành sau, tránh làm mất thời gian của người khác. Sau đó tôi quên sạch", An kể.

Mất 1 triệu đồng, giờ đây Khánh An chỉ sử dụng các câu lệnh cơ bản để ChatGPT gợi ý câu trả lời, đồng thời biết thêm cách sử dụng Gemini tương tự.

Tuy nhiên, các công cụ cũng không thể cho Khánh An được những sáng kiến đặc sắc để làm video như cô từng kỳ vọng.

Nhiều người học cho biết các lớp học AI hiện nay tại Việt Nam thiếu hiệu quả, chỉ mang tính bề nổi. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Trong khi đó, Huy Hoàng cũng choáng ngợp với lượng kiến thức “đồ sộ" mà mình bỏ 10 triệu đồng để học.

“Tôi phải học nhiều công cụ không cần thiết, phí phạm thời gian và tiền bạc. Tôi cảm thấy bị 'lùa gà' vì nhân viên tư vấn là người không trung thực, rõ ràng", Hoàng nói thêm.

Thông qua lớp học, thứ mà Hoàng nắm chắc nhất hiện giờ là định nghĩa và phân loại các công cụ nào ứng dụng cho công việc nào. Tuy nhiên, việc sử dụng thành thạo các công cụ đó nằm ngoài khả năng của anh.

“Chúng tôi có tất cả 12 buổi học, mỗi buổi giảng viên đều hướng dẫn rất sơ sài, hoặc quá nhanh, tôi không thể theo kịp, chỉ hiểu sơ sơ", anh nói.

Học AI thế nào mới đúng?

Theo bà Thủy Nguyễn, Giám đốc điều hành Việt Nam TalentView, khi nhu cầu trang bị thông tin về trí tuệ nhân tạo tăng cao, nhiều khóa học AI cho dân công sở được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, sau khi tham gia một số chương trình đào tạo, nhân sự phản ánh về chất lượng không như kỳ vọng.

Bà Thủy Nguyễn, Giám đốc điều hành Việt Nam TalentView, cho rằng người học cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định chi tiền cho các lớp học AI.

Bà Thủy Nguyễn liệt kê một số dấu hiệu nhận viết khóa học AI tạo sinh có dấu hiệu lừa đảo, phóng đại kết quả đầu ra.

Hứa hẹn kết quả cao trong thời gian ngắn.
Thiếu thông tin cụ thể về nội dung khóa học.
Thiếu phản hồi từ học viên trước đó hoặc dùng tài khoản “ảo”.
Giảng viên không có kinh nghiệm hoặc danh tiếng trong lĩnh vực.
Yêu cầu thanh toán trước khi xem nội dung.
Thiếu thông tin về chứng chỉ hoặc chứng nhận.
Quảng cáo rầm rộ và tiếp thị áp đảo trên những kênh không chính thống.

Trong thời buổi thông tin được chia sẻ đa kênh và thiếu kiểm chứng như hiện tại, người học cần tỉnh táo, khảo sát kỹ càng trước khi “xuống tiền” cho một chương trình học.

Thực tế, khóa học nào cũng mang lại một khối lượng kiến thức nhất định. Tuy nhiên, một bộ phận nhân sự không biết bản thân cần gì, khó tìm thấy chương trình đào tạo phù hợp, dễ “sa đà” vào các khóa học được thiết kế sẵn.

AI lại là một chủ đề mới với thị trường Việt Nam. “Biết” và “dùng” trí tuệ nhân tạo là 2 phạm trù khác nhau. Những kiến thức thu nhận từ các chương trình đào tạo có thể lý thú, song việc áp dụng thông tin này vào công việc lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Để nhận biết, đánh giá, dự đoán chất lượng các khóa học AI, nhân sự cần thực hiện những việc sau:

Đánh giá nội dung chương trình: Trước khi đăng ký, nhân viên nên xem xét nội dung chương trình cẩn thận. Học viên chỉ nên tham gia khóa học cung cấp kiến thức đa dạng và phù hợp với mục tiêu học tập của mình.

Phản hồi từ người học trước đó: Tìm hiểu ý kiến và phản hồi từ những người đã tham gia khóa học trước đó để hiểu rõ hơn về chất lượng và giá trị của chương trình.

Xem xét kinh nghiệm của giảng viên: Kiểm tra thông tin về giảng viên, xem xét kinh nghiệm và chuyên môn của họ trong lĩnh vực AI.

Kiểm tra các tài liệu bổ sung: Nhân viên cũng nên kiểm tra các tài liệu bổ sung như sách, bài viết hoặc tài liệu hướng dẫn mà khóa học sử dụng.

Tìm khóa học có yếu tố thực hành: Chọn các khóa học cung cấp bài tập thực hành và ví dụ cụ thể về cách áp dụng AI trong môi trường văn phòng để củng cố kiến thức.

Ngoài ra, việc tự cập nhật thông tin về trí tuệ nhân tạo cũng là một phương án cho nhân sự muốn nâng tầm kỹ năng. Các nguồn như sách báo, website, blog, video hướng dẫn đặc biệt hữu ích cho hành trình tự trang bị kiến thức.

Dân công sở cũng có thể xem xét tham gia các cộng đồng trực tuyến, diễn đàn thảo luận về AI để trao đổi, học hỏi từ những người đi trước.

Mỹ Trinh - Linh Vũ

Nguồn Znews: https://znews.vn/khoa-bo-tuc-ai-gia-10-trieu-dong-nhu-lua-ga-post1463551.html