Khổ vì khói nướng

Để thu hút thực khách, các chủ quán ăn thường đem lò nướng đặt trên vỉa hè, không trang bị hệ thống xử lý khói

Hình ảnh các lò nướng thịt đặt trên vỉa hè rực lửa, nghi ngút khói đã trở nên quen thuộc với người dân TP HCM. Thế nhưng, khi thời tiết nắng nóng, nhiệt độ 39 độ C vào giữa trưa, đi ngang những nơi này, người đi đường như bị nung trong chảo lửa.

Khói mịt mù từ bếp nướng thịt của quán cơm tấm trên đường D2 (quận Bình Thạnh, TP HCM)

Nơi đâu cũng có thể thành gian bếp

Ngay cột đèn giao thông ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh giao với đường Phan Văn Hân (quận Bình Thạnh), cứ khoảng từ 17 giờ đến khuya, người dân dừng đèn đỏ ở đây đều khó chịu khi chủ quán cơm tấm ở chân cầu đem bếp ra sát lề đường để nướng thịt.

Với thiết bị hút khói thô sơ, kết hợp cả việc quạt bếp bằng tay, khói từ bếp thổi thốc ra, người đi đường chỉ cần đi ngang qua sẽ lãnh đủ mùi thịt nướng, thậm chí nếu đứng dừng đèn đỏ gần đó còn có thể bị dầu mỡ bắn lên quần áo.

Cách đó không xa, một quán cơm tấm trên đường Phan Văn Hân (quận Bình Thạnh) cũng trong tình trạng tương tự. Khói từ bếp nướng thịt bằng than tỏa ra cộng thêm thời tiết nắng nóng khiến người đi đường cay mắt, khó chịu.

Quán cơm trưa ở hẻm trên đường Nguyễn Văn Lạc (quận Bình Thạnh) dù trang bị đường ống dẫn khói lên cao gần 1,5 m, khói vẫn lan khắp khu vực. Mỗi khi đứng gió, làn khói là đà bao lấy người đi đường.

Còn tại đường Nguyễn Trung Ngạn (quận 1) ngay chân cầu Ba Son, nhân viên của một quán cơm trưa vô tư đẩy bếp nướng rực lửa ra sát lề đường. Vào buổi chiều, nơi đây còn bán bò nướng mỡ chài khiến cho cả khu vực luôn trong tình trạng mù mịt khói. Người đi bộ ngang qua đều phải tránh bằng cách đi xuống lòng đường.

Dọc tuyến đường Tôn Đản (quận 4), nhiều bếp nướng được đưa ra sát vỉa hè. Có quán nướng thịt bằng bếp than, dầu mỡ chảy xuống càng làm khói bốc lên nhiều hơn. Một số quán trang bị ống dẫn khói nhưng khói vẫn tỏa trực tiếp vào bầu không khí, đi từ xa nhìn thấy như một làn sương mỏng.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại các tuyến đường trên địa bàn quận 10 như đường Bà Hạt, Vĩnh Viễn, Nguyễn Tri Phương…; An Dương Vương, Lê Hồng Phong (quận 5)…

Bếp nướng chiếm vỉa hè, người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Ảnh: THÙY AN

Phải hành động vì cộng đồng

Bà Châu Yến (ngụ đường An Dương Vương) bức xúc cho biết để thu hút thực khách, vỉa hè các tuyến đường An Dương Vương, Lê Hồng Phong (quận 5) trở thành nơi trưng bày các lò nướng với đủ món luôn trong tình trạng mờ mịt vì khói.

"Mỗi ngày tôi phải chịu đựng mùi khói nướng thịt từ quán cơm tấm cạnh nhà phả qua. Mùi khét của thịt cháy xộc vào mũi rất khó thở. Những lúc như vậy tôi chỉ biết đóng chặt cửa để chặn khói nhưng vẫn không ngăn được mùi. Tôi cũng đã phàn nàn với chủ quán nhiều lần rồi nhưng không khá hơn. Nghĩ cũng lạ, tiền thì vào túi họ còn mình thì phải khổ. Sợ nhất lâu ngày khói thịt nướng ảnh hưởng đến sức khỏe" - bà Yến thở dài.

Vốn dị ứng mùi khói nướng thịt, mỗi ngày đi làm phải qua đường Nguyễn Tri Phương (quận 10), với anh Trần Nguyên Vũ (ngụ quận 8) là một cực hình.

"Chưa hết, đến nơi làm việc, người tôi ám mùi đồ nướng, rất khó chịu. Các hàng quán này thường đặt lò nướng ngay trên vỉa hè, khói cứ thế xả ra đường theo hướng gió gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông và dễ gây tai nạn. Đây là vấn đề cơ quan chức năng cần lưu tâm chấn chỉnh vì về lâu dài không tốt cho sức khỏe người dân mà cũng tạo nên cảnh nhếch nhác cho bộ mặt đô thị. Nơi công cộng mà người bán xem như căn bếp riêng của họ, vừa bày bếp nướng vừa bày dụng cụ nấu nướng, thực phẩm vừa xả thải ra đường" - anh Vũ nêu ý kiến.

Cũng khổ vì khói thịt nướng, anh Lê Văn Phú (ngụ quận 5) kể mỗi ngày đưa đón con đi học ngang qua những con đường có lò nướng bày trên lề đường, cha con anh phải nín thở để chạy qua. "Sợ nhất là kẹt xe không may đứng gần lò nướng, con tôi ho sặc sụa, chảy nước mắt nước mũi tèm lem" - anh Phú bức xúc.

Nói thêm về giải pháp cho vấn đề này, anh Phú nêu: "Quan trọng nhất vẫn là ý thức. Nói dễ hiểu là không có người mua thì sẽ không có người bán. Đa số những quán ăn như vậy thường không bảo đảm vệ sinh; đồng thời thể hiện rõ hành vi không tuân thủ pháp luật, thái độ không tôn trọng cộng đồng. Người mua có quyền tẩy chay. Lúc đó, đương nhiên người bán phải thay đổi tư duy kinh doanh và có cách hành xử phù hợp" - anh Phú đúc kết.

Đốt rác bừa bãi

Không chỉ khổ sở vì khói nướng thịt từ các quán ăn, quán nhậu, người dân huyện ngoại thành còn khổ vì tình trạng đốt rác bừa bãi.

Tại huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận 12..., nhiều khu vực còn ruộng đồng, khu đất trống nên tình trạng đốt rác xảy ra hầu như mỗi ngày.

Chị Trần Thị Thu (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) ngán ngẩm cho biết hầu như ngày nào, từ sáng đến trưa chị đều hít phải mùi khói đốt rác.

"Gần nhà tôi có khu đất trống, nhiều tháng qua trở thành bãi rác tự phát. Để xử lý nhanh, người dân gần đó bèn đốt rác, khói đen bốc lên, bay xa cả 500 m khiến nhiều người khổ sở" - chị Thu kể.

Điều đáng nói, sau khi đốt sạch lại xuất hiện đống rác mới, người dân tiếp tục đốt và những nhà xung quanh lại hít khói đốt túi ni-lông, tấm nhựa... độc hại.

Gần rạch Cầu Suối (xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh), một số người thiếu ý thức đem ghế nệm, rác công nghiệp đến rạch đổ. Mỗi lần như vậy, người dân gần đó lại đốt rác. Đi qua khu vực này, không khó thấy những dấu vết cháy đen nham nhở từ những vụ đốt rác để lại.

Chị Nguyễn Thị Thu (ngụ xã Vĩnh Lộc A) e ngại: "Có khi trong rác có lẫn bóng đèn, sức nóng làm bóng đèn nổ, rất sợ. Nhiều người nghĩ đốt rác nhằm giảm ô nhiễm nhưng không biết lại tạo ra ô nhiễm nhiều hơn; đồng thời có nguy cơ gây hại cho sức khỏe của nhiều người" - chị Thu nói.

THU HỒNG - THÙY AN - ÁI MY

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kho-vi-khoi-nuong-196240416215521917.htm