Khổ như sao Việt bị "ném đá" tại LHP Cannes!

Trong khi nhiệt tình nhặt nhạnh trên báo chí quốc tế những hình ảnh sao ngoại trên thảm đỏ, cả đẹp lẫn xấu, cả kín đáo lẫn lộ hàng, cả giới diễn viên lẫn người chẳng liên quan tới điện ảnh… thì báo Việt lại mỉa mai sao nội với cơ hội đến Cannes. Với những hình ảnh khá nghiêm túc trên thảm đỏ, “sao Việt” sao phải ngại?!

Đi Liên hoan phim Cannes kiểu... Hoa hậu

Sao Việt đi Cannes: Gió tự dưng đổi chiều

Năm ngoái, khi đoàn nghệ sỹ Việt tới LHP Cannes gửi về những hình ảnh trên thảm đỏ, dấy lên một luồng dư luận phản biện trái chiều.
Trước đó, báo chí trong nước vẫn đăng tải những hình ảnh sao Việt với những câu chữ hào hứng như “nghệ sỹ Việt rạng rỡ trên thảm đỏ”, “sao Việt khoe sắc tại Cannes”… Không chỉ năm này, mà 2 năm trước đó, những hình ảnh sao Việt trong chuyến du ngoạn châu Âu do hãng rượu Chivas tài trợ, cũng được cập nhật rộn ràng với cái nhìn một chiều khá tích cực.

Sau 1 bài báo phản biện khách quan năm ngoái, dư luận về chuyện đi Cannes đã đảo chiều

Cho đến khi xuất hiện một bài báo nhận định, đưa ra thêm góc nhìn đa chiều về sự kiện này, gió tự dưng đổi chiều. Bài viết với tít nhẹ nhàng “Lợi như sao Việt đi LHP Cannes”, dù có cái nhìn hơi phiến diện do chưa thực sự bao quát, đầy đủ thông tin, nhưng thái độ tương đối khách quan và trung tính – trong phạm vi hiểu biết của người viết đó. Bài viết sau đó đã được một tờ báo điện tử lớn khai thác lại, thêm thắt câu chữ với tinh thần mỉa mai, miệt thị không giấu diếm.
Với tít “Mất giá như sao Việt đi LHP Cannes”, bài báo khai thác lại khiến cái nhìn mở rộng vấn đề, phản biện khách quan trong bài viết gốc trở thành một cái nhìn tự ti, yếm thế, sai lệch bản chất, và hạ thấp nghệ sỹ Việt.
Từ những câu nhận xét, những câu hỏi mở ban đầu như “Chiêu PR của nhà tài trợ”, “Đi nhiều học được bao nhiêu” biến thành những đánh giá đầy công kích như “Phận của PG, PB”, “Thôi đừng huyễn hoặc mình”. Chưa kể những đoạn, những câu viết thêm nhưng thông tin thì thiếu chuẩn mà quan điểm thì nặng nề. Vậy là từ đây, báo chí và độc giả, hay rộng hơn là công chúng Việt sinh ra một luồng dư luận “xét lại” đối với sự kiện sao Việt đi Cannes, với hướng nhìn gần như ngược lại. Đến nỗi những “sao” Việt được mời đi Cannes dịp đó phải lên tiếng phân trần.
Lối suy nghĩ này tưởng đã được đả thông nhưng vẫn rơi rớt tồn tại ở năm nay. Trước và trong chuyến đi của đoàn nghệ sỹ Việt sang Cannes 2013, một tờ báo lại tiếp tục chuỗi bài với cái nhìn hạn chế này – "Sao Việt ưỡn ẹo sang Cannes làm gì?". Trong đó lồng thêm một phần viết đường dây gái gọi ở Cannes (vốn chẳng liên quan) một cách chủ quan và ác ý. Nhiều tờ báo khác sau đó làm nóng lại vấn đề với những đánh giá, nhận xét thiếu tích cực khác về sự đi Cannes của sao Việt.
Huyễn hoặc mình: Sao Việt hay báo Việt?
“Mất giá như sao Việt đi LHP Cannes”, “Thôi đừng tự huyễn hoặc mình”, “Sao Việt ưỡn ẹo đi LHP Cannes làm gì”, “Sao Việt tự hào tham gia Cannes để quảng cáo rượu”, “Nghệ sỹ Việt làm gì ở Cannes”, “Buồn cho điện ảnh Việt”… rất nhiều bài báo đã dành những bình luận khắt khe cho sự xuất hiện tại LHP danh giá nhất thế giới này của đoàn nghệ sỹ Việt.

Nếu mỉa mai sao Việt là PG, là chẳng có phim tranh giải, khoe váy áo trên thảm đỏ... thì Phạm Băng Băng, và vô số gương mặt nổi bật khác ở Cannes cũng vậy

Vấn đề là, trong khi mỉa mai sao nội với cơ hội tới Cannes thì chính những báo Việt này vẫn nhiệt tình nhặt nhạnh trên báo chí quốc tế những hình ảnh sao ngoại trên thảm đỏ, cả đẹp lẫn xấu, cả nổi tiếng lẫn vô danh, cả kín đáo lẫn lộ hàng, cả giới diễn viên lẫn người chẳng liên quan tý nào tới điện ảnh… Với những hình ảnh khá nghiêm túc trên thảm đỏ, “sao Việt” sao phải ngượng?!
“Người ta băn khoăn không biết sao Việt lấy tư cách gì để sải những bước chân trên chiếc thảm đỏ đầy hấp lực với thế giới của LHP Cannes. Đơn giản thôi, họ đang làm PG, PB cho một nhãn hàng đồ uống có cồn. Chứ cũng chẳng sang trọng, lộng lẫy gì”.
“Đoàn Việt Nam không có nổi một thước phim để tranh giải, không có một diễn viên được báo chí quốc tế quan tâm. Vậy thì đoàn “chân dài” ấy đến Cannes để làm gì?”.
“Được một hãng rượu tài trợ cho liên hoan mời tới Cannes thăm quan và vui chơi, vài diễn viên, người đẹp không quên tranh thủ trò “PR” bằng cách khoe áo váy để diện trên “thảm đỏ”, như thể họ là ngôi sao được mời chính thức”.
“Họ đi chỉ là để có cái tiếng là từng đặt chân lên thảm đỏ LHP danh giá nhất nhì hành tinh, thế nhưng họ mang gì đến với Cannes ngoài sự háo hức con trẻ ấy?”.
“Thế thì, các mỹ nhân Việt đi Cannes để làm gì, để học hỏi nền điện ảnh của nước bạn? Thực chất, họ có hiểu về điện ảnh đâu, xuất thân nào là người mẫu, ca sĩ, thậm chí doanh nhân, vậy họ sải bước trên thảm đỏ cốt chỉ nhằm giải quyết khâu “oách” cho chính mình hay còn có nguyên cớ nào khác?”.
… là rất nhiều những đoạn viết bình luận quanh sự việc này.
Trong khi những hình ảnh các sao Hollywood hay các sao Hoa ngữ nhộn nhịp váy áo cũng chỉ mang tính chất dạo phố, khoe dáng… ngập tràn trên các báo tiếng Anh, tiếng Trung… và được các báo tiếng Việt cần mẫn copy, đăng tải, thì cớ gì lại không tiếc lời xỉ vả sao Việt với hành động có tính chất tương tự.
Nặng nề nỗi mặc cảm nhược tiểu dân tộc
Trong dòng chảy cảm hứng về sự “lép vế” của sao Việt tại Cannes, báo Việt mang theo những mặc cảm đầy tự ti về sao Việt và đầy yếm thế về điện ảnh Việt, trong sự vái vọng mặc định sẵn với “thế giới” mà đáng tiếc là phần lớn đều phiến diện và thiếu chuẩn.
“Thảm đỏ Cannes, ai cũng biết là nơi hội tụ các diễn viên điện ảnh lừng danh của các quốc gia. Nghe đến tên tuổi của họ như “sấm nổ bên tai”, bởi vì những cái tên đó vượt ranh giới của quốc gia họ, đến với công chúng toàn thế giới…

Trước khi gây chú ý tại Cannes nhờ bộ váy quá nổi bật, Trương Vũ Kỳ không hề là cái tên nổi tiếng với châu Á, chưa nói đến thế giới

Có thể kể ra vài gương mặt “hàng xóm” như Chương Tử Di, Phạm Băng Băng, Châu Tấn, Dương Tử Quỳnh. Ngoài những diễn viên điện ảnh thượng hạng, còn có những đạo diễn trứ danh, tên tuổi của họ chính là gương mặt của các nền điện ảnh của các quốc gia, của thời đại”.
“Chuyện các nghệ sĩ Việt được vinh dự đặt chân lên tấm thảm đỏ LHP Cannes, mà có lẽ (nói hơi quá chút) cả đời họ, bằng tài năng diễn xuất, đạo diễn hay khả năng trình diễn thời trang của mình cũng không thể đặt chân lên được”.
“Cho nên, với những gương mặt của đoàn Việt Nam, chẳng biết họ đi dự liên hoan phim để làm gì. Với họ, ngay cả trong nước, ngoài một số người thích loại phim ảnh rẻ tiền, nội dung nhạt nhẽo, vô vị thì chẳng mấy ai biết đến họ”.
Mặc cảm nhược tiểu dân tộc này, với những xì xụp vọng ngoại “lừng danh”, “sấm nổ”, “thượng hạng” và miệt thị của nội “cả đời không thể”, “rẻ tiền, nhạt nhẽo”… tiếc thay rất sai lệch và phiến diện. Những Di, những Băng, những Tấn, những Quỳnh chưa bao giờ là bộ mặt đại diện của Cannes (ở khía cạnh chuyên môn). Cũng như không thiếu những cái tên khác loanh quanh Hollywood, Hoa ngữ vốn đang đầy rẫy trong dòng thời sự Cannes trên báo Việt.
Những đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, Hồ Quang Minh, Ngô Quang Hải, Lưu Trọng Ninh, Nguyễn Thanh Vân rất rất xứng đáng để đại diện cho điện ảnh Việt trong hơn 2 thập niên qua. Những quay phim kiêm đạo diễn Phạm Việt Thanh, Nguyễn Đức Việt, những diễn viên kiêm đạo diễn Trần Lực, Dustin Nguyễn… cũng là những lựa chọn hợp lý so với mặt bằng chung.
Những diễn viên Hồng Ánh, Trương Ngọc Ánh, Lý Nhã Kỳ, Mỹ Duyên, Lan Ngọc, Vân Trang… là những đại diện tiêu biểu ở thế hệ họ. Những Khương Ngọc, Trần Bảo Sơn, Huy Khánh, Kathy Uyên, Đinh Ngọc Diệp, Maya… cũng là những cái tên đóng góp cho điện ảnh Việt hiện tại và tương lai.
Những đạo diễn Việt này trên tầm tư duy của những Brad Pitt, Leo DiCaprio, Thành Long, Lưu Đức Hoa, Jang Dong Gun, Trần Khôn… Những diễn viên Việt kia cũng chẳng phải e ngại Angelina Jolie, Sharon Stone, Phạm Băng Băng, Chương Tử Di, nếu không muốn là có tư cách (về mặt chuyên môn) hơn hàng loạt sao hot tại Cannes kiểu Cindy Crawford, Irina Shayk, Dita Von Tesse, Rosario Dawson, Cara Delevingne, hay thậm chí là những Bạch Linh, mà những ngày qua đang hot tại Cannes.

Lan Anh

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/vn/van-hoa/tin-tuc/58_1184304/kho_nhu_sao_viet_bi_quot_nem_da_quot_tai_lhp_cannes.html