Khó như đấu giá tài sản thi hành án dân sự

Theo báo cáo của Chính phủ, riêng năm 2016 có đến 11.080 vụ việc đã kê biên và bán đấu giá với số tiền 32 nghìn tỷ đồng nhưng vẫn chưa bán được.

Năm 2016 có đến 11.080 vụ việc đã kê biên và bán đấu giá nhưng vẫn chưa bán được. Ảnh: Huỳnh Mạnh

Trong đó, có đến 260 vụ việc bán đấu giá thành công nhưng vẫn chưa bàn giao được. Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, cần có những cơ chế riêng để xử lý những tài sản thi hành án, tài sản nợ xấu và tài sản bảo đảm nợ xấu… để việc thực thi đấu giá tài sản đi được đến đích cuối cùng và thỏa thuận dân sự được thực hiện.

Hệ lụy của tài sản thi hành án

Đại biểu quốc hội Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang) cho biết, trong thực tiễn bán đấu giá tài sản thi hành án dân sự, có rất nhiều trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản nhưng sau đó có kháng nghị của viện kiểm sát hoặc tòa án hay vì lý do khác mà cơ quan thi hành án dân sự đã không thể cưỡng chế bàn giao tài sản cho người mua.

Trong trường hợp này, người mua được tài sản bán đấu giá đã đề nghị hủy kết quả bán đấu giá để nhận lại số tiền đã nộp. Tuy nhiên, người phải thi hành án đã không đồng ý thỏa thuận hủy kết quả bán đấu giá. Do không hủy được kết quả bán đấu giá, không nhận lại được tiền, không được bàn giao tài sản nên người trúng đấu giá đã khiếu nại khắp nơi.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (đoàn Nghệ An) thông tin thêm, khác với việc bán đấu giá tài sản thông thường, việc bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự có những đặc thù riêng như người yêu cầu bán đấu giá tài sản không phải là chủ sở hữu, chủ sử dụng, mà là cơ quan thi hành án, trong khi tài sản lại do người phải thi hành án nắm giữ, quản lý. Việc bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự mang tính cưỡng bức, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người có tài sản, có sự tham gia, có vai trò rất quan trọng của cơ quan nhà nước ở đây là thông qua cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên. Việc bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự gặp vô vàn khó khăn, vướng mắc. Trừ lý do thị trường và tình hình tài chính, có lẽ khó khăn lớn nhất ở đây chính là do tài sản khi đưa ra bán đấu giá vẫn do người phải thi hành án nắm giữ, nên tâm lý của khách hàng ngại mua loại tài sản này.

Cần những cơ chế đặc thù

Để xử lý triệt để được việc bán đấu giá tài sản thi hành án mà không bàn giao được tài sản thì phải nghiên cứu thêm Luật Thi hành án dân sự, những khó khăn, vướng mắc mà các cơ quan thi hành án gặp phải trong quá trình xử lý hồ sơ.

Từ thực tiễn đấu giá tài sản, ông Lê Anh Linh, Giám đốc Công ty CP Đấu giá Bắc Trung Nam cho rằng, cần có những quy định bảo đảm quyền lợi cho người trúng đấu giá. Ông Linh đề xuất, đối với tài sản thi hành án, sau khi ký hợp đồng trúng đấu giá trong vòng 1 tháng mà cơ quan thi hành án chưa bàn giao tài sản thì phải trả lại tiền cho người trúng đấu giá. Nếu người trúng đấu giá vẫn còn có nhu cầu mua tài sản thì chỉ giữ lại tiền đặt cọc, sau khi bàn giao được tài sản thì người trúng đấu giá sẽ nộp trực tiếp khoản tiền còn lại. Như vậy sẽ bảo đảm quyền lợi tối đa cho người trúng đấu giá và sẽ thu hút được nhiều người tham gia hơn.

LS. Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico thì cho rằng, việc thực hiện bán đấu giá tài sản thi hành án thì dễ, vấn đề là việc thu giữ, bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá mới khó. Do đó, bên cạnh việc phải xây dựng quy trình, thủ tục cho hoạt động bán đấu giá tài sản thì pháp luật cũng cần giải quyết nhiều cái vướng khác ở những văn bản pháp lý có liên quan.

Theo LS. Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty CP Đấu giá Minh Pháp, đa số tài sản bán đấu giá thành công nhưng không bàn giao được là những tài sản thi hành án. Những vướng mắc trong việc bán loại tài sản này có rất nhiều như: tài sản được định giá quá cao nên đưa ra bán không có người tham gia; đương sự trong vụ án không hợp tác; vướng mắc các thủ tục pháp lý, hành chính khác mà cơ quan thi hành án chưa xử lý được…

Do đó, để xử lý triệt để được việc bán đấu giá tài sản thi hành án mà không bàn giao được tài sản thì phải nghiên cứu thêm Luật Thi hành án dân sự, những khó khăn, vướng mắc mà các cơ quan thi hành án gặp phải trong quá trình xử lý hồ sơ.

“Theo tôi, việc này đặt ra yêu cầu để Luật Đấu giá tài sản giải quyết là không thể được, bởi Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định trình tự, thủ tục tổ chức bán đấu giá tài sản, còn giải quyết nội dung, bản chất của việc bán là Luật Thi hành án dân sự quy định về quyền lợi, nghĩa vụ của các bên liên quan, quy định về kê biên, thẩm quyền xử lý tài sản. Thậm chí còn liên quan đến một số quy định pháp luật khác về tài sản bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm. Quyền và trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc thẩm định, cho vay tài sản” - LS. Hùng nêu quan điểm.

Hải Bình

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/dau-gia/kho-nhu-dau-gia-tai-san-thi-hanh-an-dan-su-28493.html