Khó nhọc giành thị phần fastfood

Sự kiện McDonald’s khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP.Hồ Chí Minh vào những ngày đầu năm Giáp Ngọ khiến sức cạnh tranh trên thị trường thức ăn nhanh (fastfood) trở nên “nóng rẫy”. Nhiều người tỏ ý nghi ngờ: Phải chăng doanh nghiệp (DN) Việt đã hết cơ hội ở thị trường này?

Thị trường thức ăn nhanh đang chứng kiến cuộc chơi thiếu bóng dáng thương hiệu Việt

CôngThương - Tắc “đường chính”

Người Sài Gòn hẳn đều biết bên cạnh rạp hát Minh Châu cũ trên đường Lê Văn Sỹ có một quán phở cũng tên Minh Châu nổi tiếng một thời. Giờ thì rạp hát đã bị đập bỏ để xây cao ốc, còn quán phở cũng được dời sang đối diện. Thay vào đó là một nhà hàng hai tầng màu đỏ, bảng hiệu đính logo ông già với cặp kính lão và hàm râu bạc phơ mà ngày ngày giới trẻ vẫn nườm nượp ra vào. Phở Minh Châu vẫn đông khách, nhưng hầu hết là giới trung niên.

Hành trình chinh phục khách hàng của bún cá miền Tây với thương hiệu Buncamita, bún bò Huế 3A3 giờ đã lặng. Phở 24 một thời với hệ thống nhượng quyền ra cả nước ngoài thì đã được Jollibee (Philippines) mua lại. Chủ hãng cháo C. một thời đình đám, sau sự cố về sản phẩm đã nhượng lại thương hiệu này, rồi mở cơm tấm Bụi Sài Gòn, nhưng chỉ lèo tèo vài cửa hàng.

Hệ thống quán cà phê mà Trung Nguyên công bố là chuỗi nhượng quyền đã thật sự lép vế trước Highlands Coffee. Sau một thời gian bị xuống cấp và Trung Nguyên chủ động loại bỏ dần hàng trăm quán, dạo gần đây đã được cải thiện hệ thống nhận diện. Quán cà phê Trung Nguyên ở vòng xoay Điện Biên Phủ - Nguyễn Bỉnh Khiêm giờ đã là cửa hàng gà rán Popeyes.

Thị trường fastfood đang chứng kiến cuộc chơi không có nhiều hình bóng DN Việt, kể cả trong lĩnh vực cung cấp nguyên liệu bởi nhà cung cấp buộc phải đáp ứng được các tiêu chí rất khắt khe về chất lượng, quy cách, số lượng, kích thước sản phẩm… theo tiêu chuẩn toàn cầu.

Qua “cửa hẹp”

Một khảo sát của hãng tư vấn bất động sản CBRE cho thấy, đến hết năm 2013, Lotteria và KFC là hai thương hiệu dẫn đầu thị trường fastfood, cả về số lượng tiêu thụ và số cửa hàng đang hoạt động. Thị trường đang chứng kiến cuộc chơi vắng bóng DN Việt, kể cả trong lĩnh vực cung cấp nguyên liệu, bởi nhà cung cấp buộc phải đáp ứng được các tiêu chí rất khắt khe về chất lượng, quy cách, số lượng, kích thước sản phẩm… theo tiêu chuẩn toàn cầu. Hầu hết nguyên liệu cho ngành này phải nhập khẩu: KFC nhập khoảng 70%, Lotteria nhập 100% khoai tây và nước sốt…

Đại diện KFC cho biết, dù đã nâng tỷ lệ sản phẩm nội địa lên đến 30% so với trước đây, nhưng có muốn nâng lên nữa cũng không dễ bởi gặp nhiều rào cản trong việc tìm kiếm và thiết lập mạng lưới cung cấp hàng hóa đầu vào theo tiêu chuẩn chung của hãng. Ngay như khi lựa chọn nhà cung cấp thịt gà trong nước, KFC phải cử một nhóm chuyên gia từ Mỹ sang Việt Nam huấn luyện để đảm bảo chất lượng thịt gà được ổn định.

Tỷ lệ tiêu thụ bánh làm từ bột mì của Việt Nam còn rất thấp, chỉ khoảng 2-3 kg/người/năm. Cách đây hơn 10 năm, doanh số từ việc cung cấp bánh burger so với tổng doanh số bán hàng của ABC Bakery - thương hiệu bánh khá nổi tiếng của Việt Nam, hiện là nhà cung cấp độc quyền bánh burger cho Burger King, KFC, Lotteria - chỉ 2% thì nay đã chiếm khoảng 25%.

Ông Kao Siêu Lực - chủ hãng bánh này thừa nhận, các thương hiệu fastfood đã dần đẩy mạnh tỷ lệ tiêu thụ bánh làm từ bột mì. Mức tăng trưởng này sẽ không dừng lại bởi ABC Bakery đã được McDonald’s chọn là nhà cung cấp bánh burger ở thị trường Việt Nam, dù ABC Bakery buộc phải tổ chức dây chuyền sản xuất độc lập cho các thương hiệu thức ăn nhanh khác nhau khi công thức mỗi hãng đều bí mật.

Như vậy DN Việt Nam vẫn có thể chen chân vào thị trường fastfood qua “cửa hẹp” là làm nhà cung cấp nguyên liệu cho các thương hiệu toàn cầu ngay tại Việt Nam.

Lê Khôi

Thị trường thức ăn nhanh đang chứng kiến cuộc chơi thiếu bóng dáng thương hiệu Việt

PHẢN HỒI

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/thi-truong-trong-nuoc/49608/kho-nhoc-gianh-thi-phan-fastfood.htm