Khó lan tỏa các dịch vụ công trực tuyến

Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin về quy trình, thủ tục hồ sơ của gói dịch vụ, cho phép tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu, đồng thời gửi trực tuyến văn bản đến các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ và thực hiện thanh toán các khoản phí, lệ phí trực tuyến. Tại tỉnh ta, dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai đến mức độ 4 là mức độ cho phép thanh toán phí và lệ phí các dịch vụ hoàn toàn qua môi trường mạng. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ phát sinh qua dịch vụ này còn rất khiêm tốn và chưa lan tỏa đến người dân.

Cơ sở hạ tầng CNTT là một trong những nguyên nhân khó lan tỏa dịch vụ công trực tuyến.

Cơ sở hạ tầng CNTT là một trong những nguyên nhân khó lan tỏa dịch vụ công trực tuyến.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận 1.227.695 hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Cấp tỉnh là 122.181 hồ sơ, cấp huyện là 81.192 hồ sơ, cấp xã là 1.013.312 hồ sơ. Trong đó, hồ sơ mới nhận trực tuyến là 3.812 hồ sơ. UBND tỉnh đã công bố 469 TTHC tiếp nhận và giải quyết trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4. Trong đó, cấp tỉnh thực hiện 313 TTHC mức độ 3, 102 TTHC mức độ 4; đối với cấp huyện thực hiện 45 TTHC cấp độ 3, 4 TTHC cấp độ 4; cấp xã thực hiện 6 TTHC cấp độ 3.

Tuy nhiên, thực tế số hồ sơ phát sinh dịch vụ công trực tuyến hiện nay chưa nhiều, nhất là các thủ tục công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và 4. Tại huyện Lạc Thủy, một trong những địa phương dẫn đầu trong tỉnh về công tác cải cách TTHC nhưng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 phát sinh cũng chỉ đạt 3 hồ sơ. Đồng chí Nguyễn Xuân Hòa, Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Lạc Thủy cho biết: Thực tế tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện, dịch vụ công trực tuyến được triển khai, đội ngũ cán bộ đã được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ. Khi có hồ sơ phát sinh, hầu hết do cán bộ trực tiếp làm giúp người dân khi đến nộp hồ sơ, còn người dân chưa tự thực hiện được.

Tại nhiều huyện, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đến nay chưa phát sinh hồ sơ. Nguyên nhân khiến dịch vụ công trực tuyến chưa được đông đảo người dân thực hiện là do khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, chưa biết cách sử dụng, truy cập để giao dịch TTHC trên môi trường mạng. Mặt khác, do tâm lý và thói quen của người dân còn e ngại, muốn đến thực hiện TTHC trực tiếp tại cơ quan Nhà nước để được yên tâm hơn.

Thêm một nguyên nhân nữa là sự chưa đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật phần mềm trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Điều này tạo sự bất cập trong triển khai cung cấp dịch vụ công mức độ 3 và 4 tại địa phương; việc gắn kết giữa ứng dụng công nghệ thông tin với công tác cải cách hành chính của từng cơ quan, đơn vị chưa thực sự đồng bộ, hiệu quả thấp. Mặt khác, bộ TTHC ở một số cơ quan, đơn vị chậm công bố, hay thay đổi, còn ràng buộc nhiều về giấy tờ, thủ tục; nếu người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu sự quyết tâm thì khó thực hiện theo cơ chế điện tử liên thông, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao...

Theo đồng chí Phạm Thị Tuyết, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, dịch vụ công trực tuyến là một trong những tiêu chí chấm điểm cải cách TTHC hàng năm của tỉnh. Năm 2018, tỉnh đứng thứ 46/63 tỉnh, thành phố về cải cách TTHC, trong đó, nội dung dịch vụ công trực tuyến là một trong những nội dung được đánh giá thấp. Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết TTHC nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp, góp phần gia tăng mức độ tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, thường xuyên bồi dưỡng, trang bị kiến thức về công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết TTHC cho tổ chức và công dân, góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công trực tuyến.

Đinh Hòa

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/132867/kho-lan-toa-cac-dich-vu-cong-truc-tuyen.htm