Khó khăn trong quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa

Thời gian qua, nhiều thiết chế văn hóa, thể thao (gọi tắt là TCVH) trên địa bàn Đồng Nai được quan tâm, đầu tư xây dựng.

Ban Chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa huyện Định Quán cuối năm 2023. Ảnh: L.Na

Ban Chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa huyện Định Quán cuối năm 2023. Ảnh: L.Na

Tuy nhiên, việc quản lý và sử dụng hệ thống TCVH ở nhiều địa phương vẫn còn khó khăn, bất cập…

Thiếu kinh phí hoạt động

Mặc dù đã bố trí kinh phí và vận động xã hội hóa để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân và công nhân lao động, song tại các TCVH trên địa bàn xã Long Đức (huyện Long Thành) vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Phó chủ tịch UBND xã Long Đức Hà Lê Khánh cho biết, hiện một số trang thiết bị tại Trung tâm Văn hóa thể thao - học tập cộng đồng xã bị hư, cần thay mới như: loa, am-pli, ti vi… Các dụng cụ thể dục - thể thao bố trí tại nhà văn hóa ít, trong khi nhiều người cùng sử dụng nên hư hỏng rất nhanh.

“Do kinh phí hoạt động hạn hẹp nên các trung tâm, nhà văn hóa không đủ tiền để đầu tư, trang bị thiết bị. Chủ nhiệm các nhà văn hóa ấp chỉ hưởng mức phụ cấp theo công việc, hiện mức phụ cấp rất thấp so với công việc đang đảm nhận” - ông Khánh chia sẻ.

Đối với các khu, cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, hiện quỹ đất không còn để xây dựng TCVH dành cho công nhân lao động. Do đó, các TCVH như: nhà văn hóa ấp, khu phố, trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng, công viên… là những nơi tổ chức các hoạt động dành cho công nhân lao động đến tham gia hoạt động cùng với cộng đồng dân cư ở địa phương.

Theo Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Trảng Bom Phạm Thị Lệ Thủy, hoạt động TCVH trên địa bàn huyện bên cạnh những thuận lợi vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, diện tích của một số nhà văn hóa chưa đảm bảo nên việc tổ chức các hoạt động chưa đạt kết quả cao. Kinh phí do ngân sách cấp 15 triệu đồng/năm cho nhà văn hóa ấp, chủ yếu chi phụ cấp cho ban chủ nhiệm và tổ chức các hoạt động nên chưa đáp ứng được nhu cầu nâng cao hiệu quả.

“Hiện nhà văn hóa khu phố trên địa bàn thị trấn chưa được cấp kinh phí như nhà văn hóa ấp, do đó chưa chủ động tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa, thể thao. Việc huy động xã hội hóa đối với một số nhà văn hóa còn gặp khó khăn vì cách xa khu vực tập trung dân cư, dân số trên địa bàn ít. Chủ nhiệm nhà văn hóa đa phần lớn tuổi nên việc tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao còn hạn chế” - bà Thủy nói.

Riêng với TCVH cho công nhân lao động, theo Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện Đồng Nai chưa có TCVH trong các khu công nghiệp. Chỉ có Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa có trụ sở tại đường 19 Khu công nghiệp Biên Hòa 2 là địa điểm thường xuyên tổ chức các hoạt động cho công nhân lao động khu vực thành phố Biên Hòa. Trong các doanh nghiệp hiện nay, chỉ một số có đầu tư các hạng mục văn hóa, thể thao nhưng quy mô nhỏ và không đồng nhất.

Liên đoàn Lao động tỉnh thời gian qua đã phối hợp với Sở Văn hóa, thể thao và du lịch xây dựng kế hoạch khảo sát và tăng cường hoạt động các TCVH tại các địa phương nhằm xây dựng những điểm hỗ trợ công nhân. Theo đó, đoàn đã khảo sát tại 8 thiết chế cấp xã, phường và 47 thiết chế của khu phố, ấp. Hiện đã có 3 điểm thiết chế khu phố được chọn làm điểm hỗ trợ công nhân. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, do lực lượng công nhân nòng cốt biến động nên hoạt động tại các điểm hỗ trợ đã tạm ngưng.

Cần kiểm tra, đánh giá lại

Theo Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, với 120/120 xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, hiện còn một xã chưa có trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng là Đông Hòa, huyện Trảng Bom (đang liên kết với thiết chế tư nhân); một số trung tâm, trang thiết bị đã lỗi thời, hư hỏng và thiếu các phòng chức năng; có 2 trung tâm chưa đạt chuẩn về diện tích khu hội trường văn hóa đa năng; 13 trung tâm chưa đạt chuẩn về diện tích khu thể thao do thiếu quỹ đất...

Với những khó khăn trên, các địa phương trong tỉnh đều có chung kiến nghị tăng thêm kinh phí hoạt động cho trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng cấp xã lên 150 triệu đồng/năm; nhà văn hóa - khu thể thao ấp tăng lên 30 triệu đồng/năm. Đồng thời, có thêm hỗ trợ cho các TCVH dụng cụ tập luyện thể dục - thể thao ngoài trời, do nhu cầu của người dân là rất lớn, nhất là đối với các xã tập trung đông công nhân lao đang sinh sống. Ngoài ra, xem xét tăng kinh phí hỗ trợ cho chủ nhiệm nhà văn hóa các ấp từ 0,3 mức lương cơ sở lên 0,5 mức lương cơ sở...

Để khắc phục vấn đề khó khăn về nguồn nhân lực hoạt động tại các TCVH, Phó chủ tịch UBND thành phố Long Khánh Tăng Quốc Lập cho hay, trong thời gian tới thành phố chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cho đội ngũ làm công tác văn hóa ở cơ sở. Bên cạnh đó, thành phố mở rộng đối tượng cộng tác viên để hỗ trợ cho việc tổ chức các hoạt động, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.

Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Lê Thị Ngọc Loan cho biết, qua khảo sát, đánh giá thực trạng, các TCVH thời gian qua, về cơ bản các thiết chế từ tỉnh đến cơ sở đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân. Các địa phương đã cố gắng phối hợp với các đơn vị, mạnh thường quân, phát huy vai trò của các lực lượng nòng cốt, tham gia vào tổ chức hoạt động, nâng cao đời sống văn hóa cơ sở. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động tại các TCVH vẫn còn nhiều khó khăn.

Trong thời gian tới, ngành văn hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong việc tổ chức và tham gia các hoạt động tại TCVH thể thao; tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ các TCVH. Đồng thời, ngành xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá tổ chức hoạt động tại TCVH cơ sở. Qua đó, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc…

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202405/kho-khan-trong-quan-ly-su-dung-thiet-che-van-hoa-9574cf9/