Khó khăn ảnh hưởng đến kết quả đổi mới giáo dục

Bên cạnh những thành tựu đạt được, báo cáo tổng kết Nghị quyết 29-NQ/TW của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới công bố gần đây cũng chỉ rõ những khó khăn, trở ngại khiến công tác đổi mới giáo dục còn hạn chế, chưa đạt kỳ vọng mong muốn.

Nhận thức về đổi mới giáo dục còn chậm

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Tỉnh ủy Lâm Đồng đánh giá: Sau 10 năm triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh được nâng lên theo hướng toàn diện, bảo đảm thực chất. Bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh Lâm Đồng cũng nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW. Cụ thể, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng Phạm Thị Hồng Hải cho biết, công tác quán triệt Nghị quyết chưa đạt yêu cầu nên chuyển biến về nhận thức trong đội ngũ cán bộ, giáo viên còn chậm, chưa sâu sắc làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chung của ngành.

Dịch bệnh Covid-19, việc quá tải trường lớp tại các thành phố lớn khiến đổi mới giáo dục gặp nhiều khó khăn

Một số cán bộ quản lý, giáo viên chưa nhận thức đầy đủ về đổi mới phương pháp quản lý và dạy học; cơ cấu đội ngũ giáo viên ở một số địa phương chưa hợp lý, chất lượng giảng dạy chưa cao. Cơ sở vật chất vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, công tác xã hội hóa, hỗ trợ chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều khó khăn...

Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai Vũ Xuân Cường thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế tại địa phương này. Đó là, chưa chú ý đến đánh giá, dự báo tình hình để chủ động, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc. Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên chưa được giải quyết hiệu quả, vẫn thiếu giáo viên ở các cấp học, nhất là giáo viên dạy các môn chuyên biệt, có thời điểm giáo viên xin nghỉ việc nhiều. Chất lượng giáo dục đại trà có mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Chưa có nhiều sáng tạo, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện…

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế được tỉnh Lào Cai nhấn mạnh, đó là một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đúng mức đến công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xem đổi mới giáo dục là nhiệm vụ chuyên môn của ngành giáo dục. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong một số việc, ở một số giai đoạn chưa thật đồng bộ nên hiệu quả chưa cao.

Ở góc độ giáo dục đại học, PGS.TS. Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho biết, các cơ sở giáo dục đại học đã chú trọng phát triển chất lượng đào tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số và chủ động hội nhập quốc tế… Tuy nhiên, liên quan đến tự chủ đại học, PGS.TS. Bùi Anh Tuấn cho rằng, nhận thức của các bên liên quan về tự chủ đại học còn khác nhau. Nhiều quy định hiện hành chưa phù hợp với tự chủ đại học. Việc triển khai tự chủ đại học thiếu lộ trình rõ ràng; một số trường e ngại thực hiện tự chủ, có trường hiểu sai về tự chủ và lúng túng, làm chưa đúng quy định của pháp luật.

Thiếu cơ sở vật chất, lương giáo viên còn thấp

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất nước với địa hình phức tạp. Vì vậy, khó khăn nhất là thiếu cơ sở vật chất. Dù sau 10 năm đổi mới giáo dục, trường, lớp được Nhà nước quan tâm đầu tư khang trang, hiện đại, nhưng giáo dục miền núi vẫn còn nhiều khó khăn. Đổi mới ở cấp THPT chưa đáp ứng được yêu cầu.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Thái Văn Thành, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, Covid-19 xuất hiện đã là khó khăn, hạn chế việc đầu tư từ nguồn lực cho công cuộc đổi mới giáo dục.

Là một trong những thành phố lớn của cả nước với số học sinh đông, mặc dù 10 năm qua, Hà Nội đã tập trung thực hiện các giải pháp mở rộng trường lớp và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, số lượng học sinh tăng hàng năm khiến trường lớp quá tải, để bảo đảm đủ trường, lớp học cho học sinh đang là bài toán “đau đầu” với chính quyền địa phương.

Theo thống kê đến năm học 2022 - 2023 toàn TP. Hà Nội có 2.845 trường gồm 1.147 trường mầm non, 788 trường tiểu học, 673 trường THCS và 237 trường THPT. Mặc dù số lượng trường, lớp tăng lên đáng kể nhưng lãnh đạo ngành giáo dục Thủ đô cũng nhìn nhận thực tế phát triển mạng lưới trường học theo quy hoạch không bắt kịp so với tốc độ gia tăng dân số.

Bên cạnh thiếu trường lớp, nhiều giáo viên do lương thấp phải nghỉ việc, chuyển việc, làm thêm việc khác nên chưa tròn vai và tâm huyết với nghề cũng khiến ngành giáo dục và đào tạo gặp trở ngại trong quá trình đổi mới giáo dục. Ghi nhận thực trạng trên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng, hiện nay chưa thực hiện được chính sách về lương cho nhà giáo theo chủ trương tại Nghị quyết số 29-NQ/TW, cụ thể là: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. Vì vậy, Bộ Nội vụ cần nghiên cứu, xem xét tham mưu Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện để thực hiện được chính sách về lương cho nhà giáo theo chủ trương tại Nghị quyết số 29-NQ/TW để nhà giáo yên tâm công tác - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương kiến nghị.

Minh Vân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/kho-khan-anh-huong-den-ket-qua-doi-moi-giao-duc-i354495/