Khô héo theo quýt

Hàng trăm cây quýt ở xã biên giới Quang Hán, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng bị vàng lá, thối rễ và khô héo, chết dần, chết mòn. 'Cây khô, người cũng héo theo' - ông Bế Ngọc Hoàn, xóm Vững Bền buồn rầu nói với chúng tôi trong lúc đang tự tay bẻ những cành quýt chết khô của gia đình.

Vườn quýt khô héo của người dân xóm Bền Vững bị bỏ hoang. Ảnh: Thu Hằng

Xót xa chặt bỏ vườn quýt

Xã Quang Hán từng là thủ phủ trồng cây quýt Trà Lĩnh - giống quýt đã gây dựng được thương hiệu trên thị trường với hương vị thơm dịu, ngọt thanh. Cách đây gần 10 năm, chúng tôi đã từng đến Quang Hán và chứng kiến những vườn quýt xanh ngắt, sai quả. Lần trở lại này là một hình ảnh rất khác, nhiều cây quýt đang héo rũ, chết khô, bị người dân chặt bỏ.

Ông Bế Ngọc Hoàn bẻ từng cành quýt khô héo, xót xa nói với chúng tôi: “Vườn nhà tôi trồng quýt được 8 năm rồi. Tôi trồng cây ghép, 5 năm cho hái quả. Tính đến nay mới thu hoạch quả được 2 năm thì cây bị bệnh. Cứu mãi không được, tôi đành phải chặt bỏ. Bây giờ đất này, tôi tận dụng trồng ngô, được chừng nào hay chừng đó”.

Ông Hoàn hoài niệm: “Lúc được giá, mỗi cân quýt tôi bán được 60.000-70.000 đồng. Thời điểm Tết Nguyên đán, lên tới 120.000 đồng/kg. Năm nhiều nhất, nhà tôi thu được 4 tấn quả, bán được 240 triệu đồng. Ở đây, nhà nào trồng quýt cũng phấn khởi vì cây quýt mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với cây ngô và lúa. Bây giờ thì những người trồng quýt như tôi đều sắp trắng tay rồi”.

Vườn quýt 80 cây từng mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình nay phải tự tay chặt bỏ nên ông Hoàn không khỏi xót xa. “Tôi chặt bỏ gần hết rồi. Trong vườn chỉ còn vài cây chưa bị bệnh, tôi vẫn đang chăm sóc hy vọng giữ được. Tự mình chặt cây, tôi đau lòng lắm nhưng không làm thế nào khác được” - ông Hoàn cho biết.

Cùng cảnh ngộ, ông Bế Văn Lai, xóm Bản Niếng chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 2.000m2 đất trồng quýt. Nhưng từ năm 2022 đến nay, cây trong vườn đang chết dần, chết mòn vì bệnh vàng lá, thối rễ. Cây có hoa nhưng không đậu quả. Khi phát hiện cây bị bệnh, tôi phun thuốc, chữa trị cách nào cũng không khỏi, đành phải chặt bỏ”.

Theo ông Lai, bệnh vàng lá, thối rễ xuất hiện tại các vườn quýt ở Quang Hán cách đây 7-8 năm. “Lúc đó, chỉ lác đác vài cây bị bệnh thôi, số hộ trồng quýt bị ảnh hưởng không nhiều, nhưng từ năm 2022 đến nay là bị nặng nhất, không có hộ nào cứu được cây quýt” - ông Lai cho hay.

Ông Lai và nhiều hộ gia đình khác ở Quang Hán đã từng giàu lên nhờ cây quýt thì nay không khỏi lo lắng, băn khoăn vì không còn sinh kế bền vững nữa. Ông Lai kể: “Cây quýt được chúng tôi coi là cây xóa đói giảm nghèo, cho thu nhập gấp hàng chục lần trồng ngô, trồng lúa. Nếu như 1.000m2 trồng ngô chỉ cho thu khoảng 1 tấn hạt, bán được khoảng 20 triệu đồng thì với diện tích đó, trồng quýt sẽ cho thu khoảng hơn 100 triệu đồng”.

Đưa mắt nhìn vườn quýt, ông Lai bảo, khi bệnh vàng lá, thối rễ chưa hoành hành, cây quýt phát triển tốt, quả ngon. “1 cây quýt có thể cho thu 50kg quả, thậm chí có cây cho thu 1 tạ quả. Với giá bán bình quân 50.000 đồng/kg, nhà tôi mỗi năm thu được khoảng 100 triệu đồng. Từ năm 2022, cây bị bệnh nhiều, sản lượng cũng giảm sút, quả không ngọt và đẹp như trước nữa. Giá quýt cũng xuống thấp theo, loại quả to và đẹp mới bán được 30.000 đồng/kg. Có thời điểm, giá quýt giảm tới mức chỉ còn 7.000 đồng/kg. Nhiều nhà ở đây bị thất thu. Riêng gia đình tôi, năm ngoái chỉ bán được 20 triệu đồng” - ông Lai cho hay.

Trước đây, ông Lai vui mừng bỏ ngô, trồng quýt thì giờ lại đang ngậm ngùi chặt quýt, trồng lại ngô, bởi lẽ "không thể cứu vãn được vườn quýt". Ông Lai giãi bày: "Tôi đã trồng lại cây mới thay cho cây chết nhưng cây không lên. Phải trồng ngô 3-4 năm sau, cho đất hết mầm bệnh, tôi mới dám trồng lại quýt”.

Diện tích trồng quýt giảm mạnh

Năm 2020, tổng diện tích cây ăn quả, chủ yếu là quýt trên địa bàn xã Quang Hán là 93,7ha, trong đó, diện tích cho thu hoạch khoảng 70ha. Sản lượng cam, quýt bình quân hằng năm đạt khoảng trên 450 tấn/năm, tạo ra nguồn thu đáng kể giúp xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho nhân dân tại địa phương.

Ông Hoàn chặt bỏ các cây quýt chết khô vì bệnh vàng lá, thối rễ. Ảnh: Thu Hằng

Thực hiện Nghị quyết số 06-CTr/ĐU về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến giai đoạn 2020-2025, Đảng ủy xã Quang Hán xác định cây ăn quả (cây cam, quýt, lê...) là nội dung đột phá, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trồng mới được 30ha, đưa tổng diện tích cây ăn quả đạt 130ha. UBND xã Quang Hán đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo tổ chức thực hiện từ đầu nhiệm kỳ.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, xã Quang Hán trồng mới được 14,51ha cây ăn quả các loại, đạt 48,36% so với chỉ tiêu kế hoạch (trong đó có hơn 10ha quýt). Tuy nhiên, tổng diện tích cây ăn quả của địa phương liên tục giảm do già cỗi, nhiễm sâu bệnh. Đến nay, người dân đã chặt bỏ khoảng 70ha cây ăn quả, hiện chỉ còn lại khoảng 30ha vẫn đang cho quả.

Phó Chủ tịch UBND xã Quang Hán Hoàng Thị Tươi cho biết, diện tích trồng quýt của xã tập trung ở các xóm Pò Mán, Vững Bền và Bản Niếng. Toàn xã có hơn 100 hộ trồng quýt. So với các loại cây trồng truyền thống khác, cây quýt mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần và được UBND xã xác định là cây kinh tế chủ lực, nằm trong chương trình trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng bộ xã đề ra từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025. Tuy nhiên, thực trạng cây bị bệnh khiến không chỉ người dân mà chính quyền xã lo lắng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để giải quyết tình trạng cây quýt bị bệnh, chính quyền xã đã mời cán bộ của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên tới khảo sát, đánh giá nguyên nhân và hướng dẫn bà con cách chữa trị bệnh cho cây. Theo đó, cây cam, quýt ở xã Quang Hán bị bệnh vàng lá, thối rễ (bệnh Greening). Đây là loại bệnh nguy hiểm mà đến nay chưa có thuốc đặc trị. Cây trồng đã bị bệnh này, cần chặt bỏ, tiêu hủy để không lây lan ra các cây khác. Đối với những vườn cây đã nhiễm bệnh thì cần phải chuyển sang trồng cây khác, sau 3-4 năm mới nên trồng lại cam, quýt.

Bà Tươi cho biết, cùng với tập huấn kỹ thuật, cách chăm sóc cây quýt cho bà con, chính quyền xã Quang Hán đang vận động bà con chuyển sang trồng lê. Đây cũng là cây có giá trị kinh tế cao và phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/kho-heo-theo-quyt-post464634.html