Khó giải phóng mặt bằng vì giá đền bù thấp hơn giá thị trường

Chính quyền kiên trì giải thích, vận động để tạo được sự đồng thuận của người dân cùng với vận dụng cơ chế, chính sách trong khuôn khổ quy định, bảo đảm quyền lợi cho người dân có đất nằm trong khu vực có dự án triển khai trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Não (ngụ thị trấn Tân Biên) chưa thể bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công do gia đình chưa có nơi tái định cư (ảnh chụp ngày 26.5)

Đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án đầu tư công là công việc khó khăn liên quan đến đời sống nhiều người dân. Các dự án thu hồi, GPMB từ trước đến nay bị vướng mắc, không thể triển khai phần lớn do sự không đồng thuận về giá đền bù, dẫn đến có vụ khiếu kiện kéo dài. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều dự án bị chậm tiến độ.

Giá đất thấp xa so với thị trường

Dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở suối Cần Đăng được khởi công từ đầu năm 2022 là dự án trọng điểm của huyện Tân Biên, nhằm xây dựng hệ thống bờ kè chống sạt lở hai bên bờ suối Cần Đăng, đoạn chảy qua thị trấn Tân Biên. Sau khi dự án hoàn thành, sẽ biến khu vực này thành khu công viên phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí và hoạt động thể dục thể thao ngoài trời cho người dân.

Để phục vụ cho việc thi công dự án, từ cuối năm 2021, UBND huyện Tân Biên đã chỉ đạo các ngành chức năng huyện phối hợp với địa phương triển khai tuyên truyền vận động, tạo sự đồng thuận cho các hộ dân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều hộ dân thuộc phạm vi ảnh hưởng của dự án này chưa đồng ý bàn giao mặt bằng.

Nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng do đất và nhà ở bị thu hồi thực hiện dự án nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Não, ngụ thị trấn Tân Biên vẫn chưa thể bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Ông Não cho biết, sau khi nhận đủ tiền bồi thường đất bị thu hồi, gia đình ông tìm mua một mảnh đất nhỏ tại xã Thạnh Tây để xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, chính quyền xã Thạnh Tây đã lập biên bản xử phạt vi phạm ông với lý do xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ).

Theo ông Não, từ đầu tháng 3, gia đình ông đã nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy CNQSDĐ tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả (bộ phận Một cửa) của UBND huyện Tân Biên và được cấp cho giấy hẹn trả kết quả vào ngày 1.4. Đến thời hạn ghi trong giấy hẹn, ông Não đến nhận kết quả thì được cán bộ tại đây trả lời là chưa giải quyết xong, tiếp tục hẹn thêm một tuần sau.

Thế nhưng, sau gần 2 tháng, với nhiều lần lên xuống bộ phận Một cửa của UBND huyện, ông Não vẫn chưa nhận được kết quả như giấy hẹn. Mong muốn sớm bàn giao mặt bằng thực hiện dự án, ổn định cuộc sống nên gia đình ông thuê người xây nhà thì lại bị UBND xã Thạnh Tây lập biên bản, khiến gia đình rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, đi không xong mà ở cũng chẳng được.

Ông Lê Minh Tâm, ngụ khu phố 4, thị trấn Tân Biên cho biết, số tiền đền bù mà gia đình ông nhận được khi bàn giao mặt bằng để thi công dự án là không nhiều nếu so với giá đất thị trường. Theo ông Tâm, khi thu hồi nhà và đất của người dân, các cơ quan chức năng nên tính đến mức chênh lệch với giá đất thị trường.

Thực tế, giá đất ở phù hợp để người dân xây dựng nhà ở khu vực này đều tăng gấp hai, ba lần so với mức giá được bồi thường. Để vừa đủ tiền mua đất vừa xây được căn nhà thì người dân phải mua đất nông nghiệp ở những nơi rất xa, giao thông khó khăn, điều kiện phát triển kinh tế chưa có, khó ổn định cuộc sống.

Tạo sự đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng

Xác định công tác giải phóng mặt bằng là việc khó nên thời gian qua, cả hệ thống chính trị của huyện Dương Minh Châu đã vào cuộc quyết liệt, vừa đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc triển khai dự án, vừa tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân về chủ trương, cơ chế, chính sách bồi thường.

Chính quyền kiên trì giải thích, vận động để tạo được sự đồng thuận của người dân cùng với vận dụng cơ chế, chính sách trong khuôn khổ quy định, bảo đảm quyền lợi cho người dân có đất nằm trong khu vực có dự án triển khai trên địa bàn.

Ông Nguyễn Thành Lợi, ngụ ấp Khởi Trung, xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu cho biết, việc nâng cấp và mở rộng tuyến đường 782 - 784 là chủ trương đúng đắn của các cấp chính quyền nhằm bảo đảm an toàn giao thông, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mặc dù giá đất bồi thường khi bị thu hồi của gia đình là khá thấp so với giá thị trường, nhưng vì lợi ích chung ông vẫn đồng ý.

Người dân bàn giao mặt bằng thực hiện Dự án nâng cấp và mở rộng đường 782-784 (ảnh chụp ngày 26.5)

Ông Đặng Thủ Thừa- Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu cho biết, có nhiều trường hợp hiểu sai thông tin trong giấy CNQSDĐ được cấp và thực tế sử dụng đất. Khi thu hồi đất thì cơ quan chức năng chỉ căn cứ vào giấy CNQSDĐ để bồi thường, dẫn đến việc nhiều hộ dân xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp không đồng thuận.

Bên cạnh đó, sự chênh lệch giữa giá đất do UBND tỉnh quy định và giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất là quá lớn, dẫn đến việc người dân không chấp nhận bàn giao mặt bằng và yêu cầu mức giá bồi thường cao hơn.

Trong hơn 2 năm qua, trên địa bàn huyện Dương Minh Châu triển khai nhiều dự án trọng điểm của tỉnh, nhưng lực lượng chuyên trách làm công tác GPMB của huyện khá mỏng, khối lượng công việc rất lớn, làm ảnh hưởng đến tiến độ GPMB thực hiện các dự án.

Ngoài ra, tình hình dịch bệnh Covid-19 thời gian qua gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu hồi, GPMB trên địa bàn huyện. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện đã tạo sự đồng thuận của người dân, phần lớn các hộ có đất bị thu hồi đều đồng thuận với chủ trương của Nhà nước.

UBND huyện đã xin chủ trương của tỉnh xem xét cho tái định cư ở những khu vực đất công trên địa bàn huyện. Đối với dự án nâng cấp và mở rộng đường 782-784 còn 2 hộ chưa bàn giao, các ngành chức năng huyện đang tích cực vận động sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Biên trong buổi làm việc với đoàn khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh về công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công trên địa bàn giai đoạn 2018-2021, huyện có 17 dự án đầu tư công có thu hồi đất với diện tích thu hồi đất khoảng 6.936.157m2, trong đó: dự án cấp tỉnh đầu tư trên địa bàn huyện là 6.782.262m2; dự án cấp huyện đầu tư là 153.894m2.

Địa phương đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao cho đơn vị thi công 8/17 dự án, đang triển khai thực hiện 9/17 dự án. Nhìn chung, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý đất đã thu hồi trở thành đất “sạch”, bàn giao cho đơn vị thi công thực hiện dự án theo tiến độ đề ra.

Do thời gian thực hiện dự án và áp lực về nhu cầu nhà ở trong quá trình phát triển xã hội và nhận thức của người dân còn hạn chế dẫn đến phát sinh nhiều trường hợp chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà, công trình không phép.

Bên cạnh đó, diễn biến quá trình sử dụng đất phức tạp, đất lộn chủ, lộn thửa, lấn chiếm đất công còn nhiều; hồ sơ dữ liệu về quản lý đất đai, cập nhật chỉnh lý biến động trong sử dụng đất chưa đầy đủ, kịp thời; huyện chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu đất đai nên gặp khó khăn trong công tác quản lý và bồi thường, GPMB.

Minh Dương-Giang Hà

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/kho-giai-phong-mat-bang-vi-gia-den-bu-thap-hon-gia-thi-truong-a145697.html