Khó giải ngân vốn mới cho doanh nghiệp có nợ xấu

(TBKTSG Online) - Công văn của Ngân hàng Nhà nước vừa qua (ngày 14-10) về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho tổ chức tín dụng và khách hàng liên quan đến điều kiện và thủ tục tín dụng đã cho phép ngân hàng giải ngân vốn mới đối với doanh nghiệp có nợ xấu. Tuy vậy, một số ngân hàng cho rằng không nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách này.

Thanh Thương

Ngân hàng cho rằng sẽ không giải ngân được nhiều vốn cho doanh nghiệp có nợ xấu. Ảnh: Uyên Viễn

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho rằng đây là một quy định tháo gỡ cho cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp, giúp ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, và doanh nghiệp có thêm cơ hội để thoát khỏi khó khăn hiện tại.

Tuy vậy, nếu xét “phương án khả thi, thẩm định hiệu quả hoàn vốn của dự án, đảm bảo thu hồi được nợ” thì chủ trương này sẽ không giúp ngân hàng giải ngân được vốn. Vì để có một hồ sơ đem đến ngân hàng vay vốn là cả quá trình. Như doanh nghiệp muốn đầu tư một dự án thì đã nghiên cứu trước đó nhiều tháng, sau đó thấy chín muồi thì doanh nghiệp mới nói chuyện với ngân hàng; ngân hàng cũng phải mất nhiều thời gian để thẩm định rồi mới quyết định cho vay. Trong khi chủ trương này hết hiệu lực vào cuối tháng 12 năm nay thì khả năng doanh nghiệp được vay là khó.

“Công văn này cũng đã được chúng tôi gửi đến các doanh nghiệp nằm trong đối tượng được phép vay từ khi Ngân hàng Nhà nước triển khai cho các ngân hàng, nhưng đến giờ vẫn chưa có doanh nghiệp nào đề nghị được vay”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho rằng, đối với các doanh nghiệp đang có nợ xấu thì lại ít nghĩ đến chuyện phát triển kinh doanh thêm, nên không có nhu cầu vay mới, việc họ quan tâm là tìm cách trả nợ cũ thông qua hoạt động kinh doanh hiện tại.

Trong khi đó, xét về khoản vay, ngân hàng cũng sẽ cân nhắc kỹ với từng khoản một. Cụ thể, nếu dự án được thực hiện, mức lợi nhuận mang lại có thể giúp doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn và có thể trả được nợ cũ cho ngân hàng hay không. Nếu không như kỳ vọng, ngân hàng cũng sẽ không cho vay.

Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cho rằng Sacombank cũng đang cố gắng giúp những doanh nghiệp gặp khó tạm thời và có phương án kinh doanh tốt được vay nợ mới. Tuy vậy, từ khi triển khai công văn này, số doanh nghiệp đăng ký vay không nhiều. Riêng ngân hàng khi xem xét cho vay cũng sẽ chọn lọc kỹ càng để tránh phát sinh thêm nợ xấu. Ông Khang cho rằng đây là biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, còn để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng thì đây không phải là biện pháp mang lại hiệu quả cao vì đối tượng vay rất hạn chế.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, nếu nhìn nhận ở góc độ việc nới rộng các quy định trên có thể làm gia tăng nợ xấu của ngân hàng thì cũng đúng, nhưng chưa đủ. Kỳ thực, ngân hàng sau rất nhiều những rủi ro vì dễ dãi trong thẩm định dự án, dễ dàng cấp tín dụng thì nay chắc chắn sẽ cân nhắc rất kỹ trước khi cho vay. Có thêm công văn này cũng là để giúp cho ngân hàng, trong trường hợp muốn cho vay mới với doanh nghiệp có nợ xấu thì được thực hiện đúng luật.

Đồng thời, ông Minh cho biết công văn này đã được gửi đến các ngân hàng để chuyển đến doanh nghiệp từ rất sớm, nhằm để các ngân hàng hướng dẫn cho doanh nghiệp có nhu cầu. Ông Minh cũng cho rằng trong thời điểm này, ngân hàng nên hướng dẫn tận tình cho doanh nghiệp để thực hiện các phương án trong công văn trên, nhằm giúp cho doanh nghiệp vượt khó. “Không phải đây là cách để TPHCM hoàn thành chỉ tiêu tín dụng trong năm nay, vì chắc chắn sẽ không đạt được. Đây chỉ là một trong những biện pháp giúp doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn hiện tại để tồn tại và đi lên”, ông Minh nói thêm.

Ông Minh cho biết đến thời điểm này chưa có thống kê cụ thể nên cũng chưa biết rõ có doanh nghiệp nào được vay theo chỉ thị của công văn nêu trên hay không.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/taichinh/nganhang/105569/