Khó duy trì, phát triển làng nghề truyền thống

Làng nghề đan bóng mò o ở thôn Hòa Thạnh, xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu) đang dần mai một do nguồn nguyên liệu tại địa phương dần cạn kiệt. Ảnh: NGỌC HÂN

Những năm qua, các làng nghề đã giúp người dân, nhất là ở vùng nông thôn có thêm thu nhập, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa và bản sắc địa phương, cũng như thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, hiện việc giữ gìn và phát triển làng nghề truyền thống đang gặp không ít khó khăn.

Sở NN&PTNT đã và đang chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát và đánh giá thực tế các tiêu chí đối với những làng nghề được UBND tỉnh công nhận trước năm 2018. Qua đó, sở sẽ đề xuất các giải pháp trình UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, giải quyết một số vấn đề liên quan đến phát triển làng nghề.

Nguy cơ mai một

Trước đây, làng nghề bánh tráng Long Bình, thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) luôn nhộn nhịp vì sản phẩm bánh tráng dẻo ngon và được người tiêu dùng ưa chuộng. Thế nhưng vài năm gần đây, với sự cạnh tranh gay gắt của những lò tráng bánh công nghiệp nên những lò bánh thủ công sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đang dần bị mai một. Hiện cả làng nghề 378 hộ chỉ còn 27 gia đình còn hoạt động sản xuất.

Bà Huỳnh Thị Lê, một hộ làm bánh lâu năm ở làng nghề bánh tráng Long Bình cho biết: “Hiện nay lao động làng nghề toàn là người lớn tuổi. Số lao động trẻ bỏ đi xa, có việc làm và thu nhập ổn định hơn nên không thích những việc ngày đêm cặm cụi bên lò bánh, chịu nắng ngoài trời để phơi bánh mà thu nhập lại không đủ ngày công…”.

Tại thôn Hòa Thạnh, xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu), ngoài nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, người dân còn có thêm nghề đan bóng cá bằng cây mò o. Nghề truyền thống này tuy mang lại thu nhập không cao, nhưng cũng giúp người dân nơi đây cải thiện cuộc sống. Theo bà Võ Thị Phương, một hộ đan mò o ở thôn Hòa Thạnh, trước đây cả làng nhà nào cũng làm nghề này nên từ khâu vót nan, đan đát đến thả bóng bắt cá, người dân nơi đây đều biết. Thế nhưng vài năm gần đây, làng nghề gặp khó khăn vì nguồn cây mò o ở Hòa Thạnh đã cạn kiệt dần.

“Để có đủ nguyên liệu, chúng tôi phải mua mò o từ nơi khác với giá thành cao. Hiện trong thôn chỉ còn vài chục hộ bám trụ với nghề”, bà Phương cho biết thêm.

Nỗ lực bảo tồn và phát triển

Trực tiếp tham gia đoàn kiểm tra, bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay: Qua kiểm tra thực tế, chúng tôi nhận thấy rằng việc phát triển làng nghề tại các địa phương gặp nhiều khó khăn. Các cơ sở sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ chỉ ở quy mô hộ gia đình, chưa có sự liên kết giữa các cơ sở trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm chưa được đẩy mạnh... Điều này dẫn đến việc người làm nghề đa phần chỉ vì muốn giữ lại nghề truyền thống của cha ông chứ không tính đến chuyện mở rộng quy mô hay cải tiến mặt hàng truyền thống để bắt kịp nhu cầu của người tiêu dùng. Mặt khác, việc giảm sút về quy mô hoạt động của các làng nghề là do thu nhập từ nghề không cao, không còn là sự lựa chọn của phần lớn người dân nông thôn trong độ tuổi lao động.

Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, hiện địa phương có 2 làng nghề truyền thống được công nhận là làng nghề bánh tráng Hòa Đa, xã An Mỹ và làng nghề chiếu cói Phú Tân 1, xã An Cư. Để tiếp tục bảo tồn và phát triển 2 làng nghề này, huyện đang tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề theo quy định tại Nghị định 52 của Chính phủ.

“Đối với làng nghề bánh tráng Hòa Đa, huyện đã xây dựng kế hoạch và giao Hội Nông dân xã An Mỹ thành lập tổ làng nghề để dễ quản lý; tiếp tục vận động các hộ sản xuất thực hiện đúng quy trình về an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo môi trường. Còn đối với làng nghề chiếu cói, huyện đã khảo sát quy hoạch vùng sản xuất lúa kém hiệu quả để trồng cói với diện tích 50ha; đồng thời bảo tồn số diện tích 20ha cói có sẵn để duy trì nguồn nguyên liệu của địa phương. Sắp tới, UBND huyện sẽ đầu tư xây dựng các điểm trưng bày sản phẩm làng nghề gắn với phát triển du lịch cộng đồng…”, ông Hoàng cho biết.

TX Sông Cầu hiện có 5 làng nghề truyền thống được công nhận gồm: làng nghề chế biến nước mắm Gành Đỏ, làng nghề rượu Quán Đế, làng nghề đan bóng mò o, làng nghề nước mắm và chế biến cá cơm, làng nghề sản xuất muối Tuyết Diêm. Qua kiểm tra thực tế, nhìn chung các làng nghề đều có hướng phát triển, công tác sản xuất được đầu tư máy móc, thiết bị nên sản phẩm khá đồng nhất, chất lượng được nâng lên và đa dạng mẫu mã theo nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nguồn vật liệu sản xuất tại các làng nghề ngày càng cạn kiệt, các cơ sở sản xuất phải nhập từ địa phương khác, nên chi phí sản xuất cao, khó cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp cùng loại.

“Để tạo động lực cho các làng nghề từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, địa phương đã và đang hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất, phát triển làng nghề thông qua các hoạt động như hỗ trợ xây dựng hạ tầng, mặt bằng sản xuất, chuyển giao công nghệ và xúc tiến thương mại...”, ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu nói.

Bảo tồn làng nghề truyền thống góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho lao động nông thôn là công việc vô cùng cần thiết trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Điều này không chỉ giúp người dân tăng thu nhập, mà còn góp phần phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/297760/kho-duy-tri-phat-trien-lang-nghe-truyen-thong.html