'Kho báu' từ phế phẩm cây nha đam

Nhắc đến kho báu, nhiều người thường liên tưởng đến câu thần chú của Alibaba là 'vừng ơi mở cửa ra'. Tuy nhiên, với một 'kho báu' khác là phế phẩm từ cây nha đam, có lẽ không cần phải chờ đến câu thần chú vẫn có thể được mở ra từ bàn tay, khối óc, sự cần cù của những người tâm huyết với mô hình nông nghiệp tuần hoàn.

Giữa đỉnh chiều nắng ấm, ở trang trại có tên gọi độc đáo là “Nắng và Gió” thuộc thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận), một người đàn ông ở độ tuổi ngoài 30, với làn da ngăm đen, mặc chiếc áo thun xanh, đội nón tai bèo, vẫn đang cặm cụi với “cỗ máy” tạo phân hữu cơ vi sinh tự nhiên.

Kỹ sư Lê Minh Vương cặm cụi với “cỗ máy” tạo phân hữu cơ vi sinh tự nhiêntừ phế phẩm nha đam.

Biến phế phẩm thành sản phẩm

Đó là kỹ sư Lê Minh Vương, người đang phụ trách mảng phân bón hữu cơ vi sinh trùn quế và nông nghiệp tuần hoàn cho một doanh nghiệp có tiếng tăm trong lĩnh vực chế biến cây nha đam.

Bên trong khu nhà ủ phân trùn quế với diện tích hàng trăm mét vuông của trang trại, anh Vương tỉ mỉ chỉ cho chúng tôi xem chi chít những con trùn nằm len lỏi dưới lớp phân.

Như chia sẻ của người kỹ sư này, sau mỗi tháng trang trại có thể cho thu hoạch khoảng 15 – 20 tấn phân trùn quế (một loại phân hữu cơ đặc biệt có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, là một loại phân tự nhiên tốt giúp cây tăng trưởng cao).

Những con trùn quế này được nuôi như thế nào, chúng ăn gì để sinh sôi? Trả lời cho câu hỏi trên, anh Vương không làm cho chúng tôi phải chờ đợi lâu khi chỉ ra phía xa xa với vùng nguyên liệu trồng cây nha đam rộng hàng chục héc ta ở vùng đất Ninh Sơn, và nói rằng một trong những nguồn nguyên liệu chính để nuôi trùn quế là nhờ nguồn phế phẩm từ loại cây có nhiều giá trị này.

Các phế phẩm của cây nha đam được kỹ sư Vương xử lý để chiết xuất thành các chế phẩm enzyme.

Theo anh Vương, nguồn phế phẩm từ vùng nguyên liệu cây nha đam sau thu hoạch được tận dụng để nuôi trùn quế, ủ phân rồi cung cấp trở lại cho vùng nguyên liệu và các vườn cây trái khác theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng “vườn - ao - chuồng - phân bón hữu cơ vi sinh trùn quế”.

Anh nói rằng những phế phẩm bỏ đi của cây nha đam và một số loại cây trái khác sau thu hoạch để cung cấp cho bộ phận sản xuất chế biến, sẽ được làm ra những loại phân vi sinh, chế phẩm sinh học.

“Chẳng hạn như với những lá nha đam bị hư hỏng trong quá trình thu hoạch, mặc dù không chế biến được, nhưng bản chất của nó chứa nhiều loại vitamin và cần được tận dụng để chiết xuất thành các chế phẩm enzyme (một chất xúc tác sinh học) và vi sinh vật có lợi để bón lại cho cây”, anh Vương bộc bạch.

Chàng kỹ sư sinh học này cho biết thêm, quỹ đất rộng khoảng 150 héc ta của trang trại được tận dụng để trồng cỏ bắp làm thức ăn xanh cho bò. Và lượng phân bò được kết hợp với vỏ lá cây nha đam (được tận dụng từ nguồn thải ra ở nhà máy chế biến nha đam) để tạo ra loại phân đặc thù riêng biệt của trang trại là “phân bò nha đam” nhằm cung cấp cho vùng nguyên liệu nha đam theo một chuỗi tuần hoàn.

Theo giới chuyên gia, việc xử lý phế phẩm trong cây nha đam để biến thành những sản phẩm có giá trị trong nông nghiệp, chẳng hạn như phân trùn quế là rất cần thiết để cung cấp ngược trở lại cho mô hình nông nghiệp tuần hoàn, giảm thiểu tối đa tác động đối với môi trường, và nâng cao giá trị nông sản.

Như ở trang trại “Nắng và Gió”, mỗi năm thải ra gần 1.800m3 lá nha đam không đạt chất lượng. Số phế phẩm này, với một người tâm huyết như kỹ Vương, đã tổ chức thu gom để làm men vi sinh, và phối trộn với phân chuồng để quay vòng, bón lại cho 200ha cây trồng khác, trong đó có việc trồng cỏ để nuôi 500 con bò và 200 con cừu.

Hiệu quả của nông nghiệp tuần hoàn

Cấp trên của kỹ sư Vương là doanh nhân Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch một công ty hàng đầu về chế biến nha đam xuất khẩu, nói rằng việc tận dụng nguồn phế phẩm từ cây nha đam để làm phân vi sinh là một minh chứng sống động cho tính hiệu quả của nông nghiệp tuần hoàn.

Các phế phụ phẩm thải ra từ nhà máy chế biến nha đam đều được tận dụng triệt để theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn.

Theo ông Thứ, thời gian qua, giá phân bón vô cơ tăng chóng mặt nhưng bản thân công ty không bị ảnh hưởng nhiều vì nhờ có phụ phẩm cây nha đam được xử lý bằng phương pháp thân thiện môi trường, tạo ra phân vi sinh quay lại phục vụ canh tác ở các trang trại, giúp giảm thiểu chi phí đầu vào đến 30%. Điều này giúp cho công ty tiết kiệm hàng tỷ đồng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm chế biến.

Và không chỉ có sự tâm huyết của kỹ sư Vương, thời gian gần đây đã có thêm những nông dân cùng tham gia trồng nha đam kết hợp nuôi trùn quế theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Như ở Lâm Đồng có anh Vĩnh Thanh Long (tại xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng) đang thực hiện hiệu quả mô hình này.

Trong quá trình trồng cây nha đam, thấy phụ phẩm từ thân, lá nha đam khá nhiều, nên anh Long quyết định nuôi thử nghiệm trùn quế, vừa tiêu thụ lá nha đam dư thừa, vừa có thêm phân trùn quế sử dụng trong canh tác.

Chính vì vậy, anh đã xây những ô nuôi hình vuông với diện tích khoảng 10m2, cao 30 cm. Bên trong, anh thả nuôi trùn quế và sử dụng nha đam thừa làm thức ăn cho trùn quế.

Với bàn tay, khối óc và sự cần cù, những nông dân trồng cây nha đam theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn sẽ tìm được “kho báu” cho mình.

Như chia sẻ của anh Long, cứ rải 2 lớp nha đam đến 1 lớp phân bò lên trên mặt ô nuôi, để trùn quế ăn hết và sau 5 ngày lại cho ăn một lần. Kết quả khá khả quan, trùn quế sinh trưởng tốt, cho ra phân đều với tốc độ 2 tuần/lần thu.

Mỗi ô nuôi 10 m2 có thể sản xuất 2 - 3 khối phân/lần. Phân trùn quế sử dụng bón cho cây trồng rất tốt. Anh còn pha loãng phân trùn, bón trực tiếp trở lại cho vườn nha đam, cây rất khỏe, lá xanh, bẹ cứng, lớn nhanh, không sâu bệnh.

Hiệu quả cao nên anh Long đang dự tính mở rộng thêm ô nuôi, nuôi thêm bò và trồng thêm nha đam để vừa cung cấp lá cho đơn vị chế biến, vừa lấy phế phẩm nuôi trùn quế, mục tiêu đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng phân bón trên diện tích hơn 5 ha cây trồng các loại của gia đình, giúp tiết giảm chi phí phân bón.

Anh Long cũng đang hỗ trợ một số nông hộ khác nhân rộng mô hình trồng nha đam cũng như nuôi trùn quế, vừa có thu nhập từ nha đam, vừa có phân trùn sử dụng cho đồng ruộng, giảm chi phí rất nhiều cho người nông dân.

Có thể nói việc tận dụng triệt để nguồn phế phụ phẩm từ cây nha đam để nuôi trùn quế, làm phân hữu cơ là một minh chứng rõ nét cho kinh tế tuần hoàn. Điều này cũng sẽ giúp cho sản xuất hữu cơ, nông nghiệp hữu cơ của nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển tốt hơn nữa. Và “kho báu” không ở đâu xa, không cần phải đợi đến câu thần chú của Alibaba là “vừng ơi mở cửa ra”, vẫn có thể được mở ra từ bàn tay, khối óc, sự cần cù của những người tâm huyết với mô hình nông nghiệp tuần hoàn.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/kho-bau-tu-phe-pham-cay-nha-dam-1097816.html