' Kho báu' trên núi Nậm Ngấn

Nậm Cang, Nậm Sài nay là xã Liên Minh (thị xã Sa Pa) nằm ở vùng thấp của thị xã Sa Pa, dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Ở vùng đất ấy, đồng bào Dao đỏ vẫn truyền tai nhau những huyền thoại kỳ bí về một mỏ bạc quý trên núi Nậm Ngấn…

Thực hư huyền thoại về mỏ bạc quý
Trung tâm xã Nậm Sài cũ nằm lọt thỏm trong một thung lũng rộng, còn thôn Nậm Ngấn xa xôi nhất mà đồng bào Dao đỏ sinh sống lại nằm trên sườn núi cao quanh năm mây phủ. Nậm Ngấn theo tiếng địa phương nghĩa là suối bạc. Truyền thuyết của người Dao đỏ nơi đây kể lại rằng trên đỉnh núi phía trước thôn có kho bạc khổng lồ, ở đó có vị “thần Bạc” ngự trị. Qua nhiều đời, thần Bạc vẫn phù hộ cho bản người Dao luôn bình yên, ấm no, sung túc. Tuy nhiên, mỏ bạc quý cũng thu hút nhiều người có lòng tham đến vùng đất này tìm kiếm sự đổi đời. Người ta kéo nhau lên núi đào bới đất tìm bạc, làm cho con trâu bạc trong lòng đất kinh động quay lưng lại, khiến các hầm bạc bị sập, bao nhiêu người thương vong. Từ đó, mỏ bạc trở nên hoang vắng, không ai dám lên núi đào bạc nữa.

Ông Chảo Vần Pú chỉ khu vực có những hố sâu trên núi Nậm Ngấn.

Ông Chảo Vần Pú chỉ khu vực có những hố sâu trên núi Nậm Ngấn.

Ông Chảo Vần Pú, người cao tuổi ở Nậm Ngấn thì bảo, có nghe ông bà kể lại rằng trước đây thực dân Pháp đô hộ vùng đất này, biết nơi đây có mỏ bạc quý nên đã thuê người đào hầm, khai thác bạc rồi dùng đoàn 9 con ngựa thồ chở bạc mang đi. Một lần đoàn ngựa thồ bạc bị cướp, bạc đổ đầy khe núi, 9 con ngựa cũng chạy mất vào núi xa. Nhiều năm sau, có người vẫn nhìn thấy bóng con ngựa trắng khổng lồ đi dạo trên thung lũng dưới chân núi bạc…
Đến Nậm Ngấn lần này, tôi theo chân anh Chảo Duần Mình, một người dân trong thôn, men theo sườn núi cheo leo, vượt qua con suối sâu rồi tụt xuống thung lũng mới đến được khu ruộng bậc thang tương truyền là có mỏ bạc. Thật bất ngờ, ở đây có những hố sâu vào lòng đất, miệng hố cỏ cây mọc um tùm rậm rạp. Nhiều người bảo hang này có từ lâu lắm, không biết sâu vào lòng núi bao nhiêu mét, nhưng soi đèn pin không thấy đáy, không ai dám vào. Mấy năm trước, có người lạ còn đến đây thuê dân đào bới khu ruộng bậc thang để tìm bạc trắng, để lại đất, đá ngổn ngang rồi bỏ đi khi nào không ai rõ.
Những nghệ nhân “thổi hồn” cho bạc
Càng gần tết Nguyên đán, những bản làng người Dao đỏ ở xã Liên Minh càng thêm rộn ràng. Hôm nay, chị Tẩn Mẩy Pú và mấy bà, mấy chị trong thôn mặc bộ quần áo thổ cẩm đẹp nhất để đi mừng đám cưới người em. Bộ trang phục thổ cẩm đẹp quá, đặc biệt trên khăn, áo đính chuông bạc, cúc bạc và nhiều đồ trang sức bằng bạc có hoa văn tinh xảo. Khi chị Mẩy Pú bước đi, các trang sức bạc chạm vào nhau, phát ra âm thanh ring reng. Chị Mẩy Pú cười: Phụ nữ Dao đỏ ai cũng có một bộ trang phục thổ cẩm để đi chơi tết, đi đám cưới, lễ hội. Những trang sức bạc này đều do hai già làng trong thôn Nậm Cang 1 là Phàn Phủ Guyện và Phàn Dào Phẩu làm. Đó là những thợ bạc nổi tiếng nhất vùng.

Ông Phàn Dào Phẩu tuổi đã cao nhưng vẫn giữ nghề chạm khắc bạc truyền thống của người Dao.

Ông Phàn Dào Phẩu tuổi đã cao nhưng vẫn giữ nghề chạm khắc bạc truyền thống của người Dao.

Chúng tôi không khó khăn khi tìm nhà ông Phàn Dào Phẩu. Ngôi nhà gỗ pơ mu rộng rãi ở cuối thôn, nhìn lên là rừng cây xanh ngắt. Nghe tôi hỏi chuyện về nghề chạm khắc bạc, ông Phẩu cởi mở: Người Dao quan niệm bạc trắng tượng trưng cho sự may mắn, giàu sang, no ấm. Từ xưa tới nay, trong lễ ăn hỏi, lễ cưới bao giờ cũng phải có bạc trắng làm lý, sính lễ của nhà trai cho nhà gái cũng không thể thiếu trang sức bằng bạc.
Ông Phẩu bảo, từ khi còn là đứa trẻ 13 tuổi tôi đã được bố dạy cách phân biệt bạc thật, bạc giả, dạy cách đốt lò than nấu chảy những đồng bạc trắng để làm trang sức. Người thợ giỏi thì chạm khắc hoa văn đẹp, có hồn. Trong một bộ cúc vuông 10 chiếc thì mỗi chiếc lại có hoa văn, họa tiết khác nhau.

Du khách nước ngoài đến nhà ông Phẩu tìm hiểu nghề chạm khắc trang sức bạc.

Du khách nước ngoài đến nhà ông Phẩu tìm hiểu nghề chạm khắc trang sức bạc.

Nói rồi ông Phẩu bày ra mặt bàn những trang sức bạc mới làm do bà con đặt. Ấn tượng nhất là bộ xà tích bạc có giá gần chục triệu đồng, với hàng chục chi tiết nhỏ chạm trổ hoa văn tinh xảo hình núi non, hoa lá, hình con chim, con cá, quả cầu bạc và các vật dụng sinh hoạt gần gũi trong cuộc sống như con dao, cây lao, cái cuốc…
“Phải mất gần một tuần mới làm xong bộ xà tích bạc này. Làm bạc vất vả lắm, khi hàn các chi tiết nhỏ phải thổi lửa bằng miệng, nhưng đây là nghề tổ tiên truyền lại, mình phải trân trọng, giữ gìn, truyền lại cho con cháu” - ông Phẩu nói.
Không để mai một nghề truyền thống
Rời nhà ông Phàn Dào Phẩu, chúng tôi sang nhà ông Phàn Phủ Guyện, cũng là một bậc thầy trong nghệ thuật chạm khắc bạc ở thôn Nậm Cang. Sinh ra trong dòng họ có 3 đời làm bạc, từ nhỏ ông đã được học những bí quyết gia truyền để tạo ra những đồ trang sức bạc đẹp. Trong câu chuyện, ông Guyện bảo, với người thợ chạm khắc bạc, ngoài sự cẩn thận, kiên trì thì phải giữ được chữ tâm, chữ tín. Làm bạc mà gian dối thì có lỗi với tổ tiên, cuộc sống sẽ không gặp may mắn.

Ông Phàn Phủ Guyện trăn trở giữ nghề chạm khắc bạc cho thế hệ sau.

Ông Phàn Phủ Guyện trăn trở giữ nghề chạm khắc bạc cho thế hệ sau.

Đến mảnh đất dưới chân núi Hoàng Liên khi mùa xuân tới, tuy không thể nhìn thấy mỏ bạc như trong truyền thuyết, nhưng tôi may mắn được “mục sở thị” những “kho báu” khác của người Dao. Khi vào gia đình một già làng, biết tôi là nhà báo muốn tìm hiểu về bản sắc dân tộc nơi này, ông không ngần ngại lấy trong hòm ra cho tôi xem hàng chục đồng bạc trắng hoa xòe có hình Nữ thần tự do mà ông sưu tầm được, có những đồng bạc trắng sản xuất từ trước năm 1900.
Đặc biệt, trong “kho báu” ấy có những thỏi bạc hình chữ nhật, hình thang với những dòng chữ cổ in nổi mà ông Guyện bảo rất hiếm gặp. Ngoài ra, có một đồng bạc in hình nữ chiến binh mặc áo bào, đầu đội mũ sắt, tay phải cầm ngọn mác 3 cạnh, tay trái cầm chiếc khiên, tư thế rất hiên ngang. Phía dưới hình nữ chiến binh in nổi năm 1902. Một đồng bạc khác có hình con đại bàng dang rộng đôi cánh, mỏ và chân đại bàng quắp chặt 1 con rắn, phía sau in năm 1896. Theo già làng này, đây là những đồng bạc cổ rất quý, hiếm, nhiều người đến trả giá cao nhưng ông không bán.

Cần bảo tồn nghề chạm khắc bạc, biến di sản thành sản phẩm du lịch.

Cần bảo tồn nghề chạm khắc bạc, biến di sản thành sản phẩm du lịch.

Nghệ nhân Phàn Dào Phẩu bảo, kho báu thực sự của người Dao đỏ nơi đây không phải là mỏ bạc trên núi Nậm Ngấn, cũng không phải những đồng bạc cổ, mà chính là nghề chạm khắc bạc truyền thống do tổ tiên truyền lại. Vì thế, cần giữ gìn bản sắc dân tộc, biến di sản này thành sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến với bản làng.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/364007-kho-bau-tren-nui-nam-ngan