Khi văn sĩ Việt 'Tây du ký'…

Đoàn nhà văn chúng tôi gồm năm người, nhà thơ Hà Văn Thể, nhà văn Thế Đức, nhà văn Dili, nhà văn Linh Nga Niê kdam và nhà thơ Vũ Thị Minh Nguyệt đã lên đường đi Ấn Độ vào ngày mồng năm Tết Canh Tý (2020) để dự buổi lễ khai mạc Hội chợ sách quốc tế do quốc gia này tổ chức tại thành phố Kolkata, theo lời mời của Ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam bang Tây Bengal.

Hôm ấy, một ngày nắng nhẹ và rất đẹp trời… Thật cảm động khi những người bạn Ấn Độ đã dành cho chúng tôi sự đón tiếp thật nồng hậu, ấm áp và hết sức thân tình.

Nhà văn Thế Đức rắc hoa tươi xung quanh tượng đài Bác Hồ ở công viên Chiến thắng, thành phố Kolkata, bang Tây Bengal, Ấn Độ. (Ảnh: TGCC)

Những người bạn nồng hậu

Khoảng hơn bảy giờ tối, máy bay hạ cánh xuống sân bay Kolkata. Đón chúng tôi là những thành viên của Ủy ban đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam bang Tây Bengal. Mặc dù chưa hề một lần gặp mặt, nhưng tình cảm luôn hướng về nhau nên cũng không khó khăn là mấy để chúng tôi nhận ra nhau.

Những người bạn Ấn Độ hết sức vui mừng, đeo lên cổ chúng tôi mỗi người một vòng hoa huệ trắng muốt. Ở đất nước sông Hằng, phong tục đeo hoa lên cổ như vậy là biểu hiện cho việc gieo trồng công đức, phước báu, trí huệ tốt đẹp trong cuộc sống đối với những người khách quý.

Các bạn mời chúng tôi lên xe ô tô rồi đưa về một khách sạn nằm trên đại lộ Hồ Chí Minh. Ở trung tâm thành phố Kolkata có một con đường mang tên lãnh tụ thiên tài của Việt Nam - Hồ Chí Minh. Suốt dọc con đường từ sân bay về khách sạn, chúng tôi bắt gặp rất nhiều cảnh tượng phản ánh thực trạng về đời sống của người dân ở đất nước này.

Đường đi ngoắt ngoéo, quanh co, giao thông lộn xộn, có những dãy phố dài tới vài km, dân cư sống chen chúc trong những túp lều dựng tạm, khiến chúng tôi đều liên tưởng tới câu chuyện “Triệu phú khu ổ chuột”. Mất cả tiếng đồng hồ chúng tôi mới tới được nơi tạm trú.

Ngay từ buổi tối đầu tiên ấy, chúng tôi đã được ông Geetesh Sharma (1932-2021) khi đó là Chủ tịch Ủy ban tiếp đón rất chu đáo. Ông Geetesh Sharma nhỏ bé, đầu hói cao, râu tóc bạc phơ, bước đi chậm rãi, có phần hơi lập cập, chỉ khi nghe ông nói thì mới nhận thấy ông vẫn rất minh mẫn.

Trong những ngày sau đó, chúng tôi đã nhiều lần được nghe ông Geetesh Sharma diễn thuyết trên các diễn đàn. Ấn tượng về một ông già lập cập lúc ban đầu và những câu tự hỏi, làm sao ông có thể lãnh đạo được một tổ chức như vậy lập tức biến mất. Thay vào đó bằng sự cảm phục về trí tuệ của ông. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến ông Sharma diễn thuyết hàng giờ không cần sách vở, không cần giấy tờ mà cả hội trường hàng trăm người ngồi nghe, cứ im phăng phắc…

Sau vài phút đầu tiên tâm sự, xã giao, chúng tôi được đưa về từng phòng để ổn định chỗ ăn ở, tắm rửa, sau đó được đưa tới phòng ăn của khách sạn dùng bữa tối…

Sớm hôm sau, khi chúng tôi vừa ăn sáng xong, ông Sharma cùng một số thành viên trong tổ chức của Ủy ban đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam bang Tây Bengal đã có mặt. Sau khi mời chúng tôi dùng cà phê, việc đầu tiên, ông Sharma và các thành viên trong đoàn đưa chúng tôi tới thăm tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại công viên Chiến thắng nằm trên đại lộ Hồ Chí Minh.

Các bạn đã chuẩn bị sẵn cho chúng tôi một khay lớn đựng hoa tươi để rắc xung quanh tượng Bác. Việc rắc hoa tươi quanh tượng đài là để tỏ lòng tôn kính đối với các bậc vĩ nhân đã quá cố. Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn là người bạn lớn của nhân dân Ấn Độ, được các bạn hết sức tôn kính, không khác gì đối với lãnh tụ thiên tài của chính nhân dân và đất nước Ấn Độ: Jawaharlal Nehru.

Sau khi viếng thăm tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi được các bạn đưa đi thăm rất nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử, đời sống tâm linh của người Ấn Độ. Chúng tôi vô cùng ấn tượng và xúc động khi nhìn thấy trong bảo tàng lịch sử có trưng bày một số hiện vật của Bác Hồ khi Người đi qua và đến thăm Ấn Độ trong các năm 1946 và 1958.

Từ chiếc điện thoại cổ rất độc đáo, chiếc ghế ngồi và bàn làm việc của Người trong phòng nghỉ đều gây cho chúng tôi một cảm xúc vô cùng mạnh mẽ. Anh Arwind Kori, một thành viên trong tổ chức Hội Hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam, bang Tây Bengal nói với chúng tôi: “Hồ Chí Minh là lãnh tụ kính yêu của các bạn, nhưng cũng là lãnh tụ vô cùng kính yêu, luôn sống mãi trong trái tim của chúng tôi…”.

Đoàn nhà văn Việt Nam là đoàn đại biểu duy nhất được mời ngồi trên khán đài trong buổi lễ khai mạc Hội chợ triển lãm sách quốc tế tại thành phố Kolkata, bang Tây Bengal, Ấn Độ. (Ảnh: TGCC)

Những đại biểu “đặc biệt”

Bước sang ngày thứ ba, và cũng là ngày chính thức hoạt động đúng với mục đích của chuyến đi. Đó là tham dự lễ khai mạc Hội chợ sách quốc tế được các bạn tổ chức rất trọng thể.

Đoàn nhà văn Việt Nam là phái đoàn duy nhất được mời ngồi trên khán đài. Sau này, chúng tôi tìm hiểu thì được biết ông Geetesh Sharma là người có tình cảm đặc biệt với nhân dân Việt Nam. Ông rất thần tượng người Việt Nam trong những cuộc chiến vệ quốc vĩ đại trước đây, và ngày nay là công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Chính ông đã ba lần sang thăm và dự các sự kiện quan trọng về văn hóa tổ chức tại Hà Nội.

Sau lễ khai mạc, chúng tôi được các thành viên trong Ủy ban đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam bang Tây Bengal đưa đi giới thiệu từng gian hàng. Có một điều đã làm chúng tôi vô cùng sượng sùng với bạn, bởi trong hơn một trăm gian hàng của hơn một trăm nước trên thế giới tham dự, từ Mỹ, Anh, Pháp, Nga đến các nước rất xa xôi với Ấn Độ tận Nam Mỹ như Brazil, Chile… đều không một nước nào được mời làm đại biểu ngồi trên khán đài tham dự lễ khai mạc Hội chợ. Duy nhất Việt Nam là nước được các bạn Ấn Độ mời thì lại không hề có gian hàng sách nào tham gia Hội chợ để giới thiệu với bạn bè và du khách quốc tế…

Chúng tôi nói với ông Geetesh Sharma về nỗi lòng băn khoăn, phiền muộn ấy. Thế nhưng ông Geetesh Sharma vẫn vui vẻ cười, và nói: “Không sao, tôi hiểu các bạn mà. Các bạn bận cả trăm công ngàn việc mà vẫn thu xếp thời gian đến với chúng tôi đã là quý hóa lắm rồi!”.

Kết thúc buổi lễ khai mạc hội chợ, ông Geetesh Sharma và các thành viên của Ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam bang Tây Bengal đã chiêu đãi chúng tôi một bữa tiệc rất thịnh soạn. Đây cũng là bữa tiệc kết hợp cho việc chia tay với đoàn khách quý Việt Nam, vì chỉ còn một ngày nữa chúng tôi lưu trú trên đất nước của các bạn.

Buổi sáng hôm chia tay, ông Geetesh Sharma và các thành viên trong Ủy ban đoàn kết Ấn Độ-Việt Nam bang Tây Bengal đã có mặt từ rất sớm. Nhìn ai cũng thấy lộ rõ nét buồn trên khuôn mặt thay vì sự hân hoan vui mừng như những ngày chào đón gặp gỡ vừa qua. Mọi người lần lượt ôm chặt chúng tôi.

Những cái ôm hôn đầy lưu luyến khiến cả năm nhà văn chúng tôi đều hết sức nghẹn ngào, xúc động. Nước mắt chúng tôi cứ rưng rưng, chỉ muốn vỡ òa. Nhà văn Dili đã thay mặt đoàn nhà văn Việt Nam nói với ông Geetesh Sharma và các thành viên trong đoàn: Các bạn mãi mãi là những người bạn vô cùng yêu quý của chúng tôi nói riêng và của tất cả nhân dân Việt Nam nói chung…

“Hãy trở lại và thường xuyên liên lạc với chúng tôi nhé! Các bạn Việt Nam! Chúng tôi yêu các bạn! Tạm biệt nhé!”. Đó là những lời nói của các bạn Ấn Độ khi chúng tôi chuẩn bị bước qua cửa kiểm tra an ninh vào nhà chờ để lên máy bay.

Sau khi làm xong nghĩa vụ của hành khách, không ai bảo ai, tất cả chúng tôi đều quay lại nhìn. Đáp lại cái nhìn của chúng tôi là những cánh tay giơ lên vẫy chào, và các bạn cứ vẫy theo, vẫy mãi, cho đến lúc cả đoàn chúng tôi khuất hẳn.

Hôm nay, ngồi viết lại những dòng chữ này, tôi vô cùng bồi hồi thương tiếc nhớ tới ông Geetesh Sharma. Ông đã vĩnh viễn ra đi vì đại dịch Covid-19 năm 2021 (30/8/2021) tại thành phố Kolkata ở bang Tây Bengal quê hương mình…

Thế Đức

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khi-van-si-viet-tay-du-ky-238724.html