Khi thượng thư lập ngôn

Lập ngôn cũng chỉ là cái cách nói vui khi được tiếp cận với hồi ký của một Bộ trưởng.

Trải ba khóa TƯ ủy viên (VIII, IX, X). Hai khóa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư và 2 nhiệm kỳ Quốc hội. Có lẽ hơi bị hiếm trong mặt bằng đọc hiện thời, ló dạng tập hồi ký của một quan chức cao cấp như ông Võ Hồng Phúc?

Chuyện của chúng tôi - Bản tiếng Việt và Nhật

Tự dưng thấy giật mình khi hậu thế nước Việt nghĩ về nhiệm kỳ của các quan chức cỡ Thượng thư (hàm Bộ trưởng) dưới chế độ mới! Bởi nó có khác chi lối viết sử cũ từ thời cụ Lê Quý Đôn. Đơn thuần là thứ lý lịch cán bộ dạng trích ngang. Quê quán chức vụ và thống kê chức vụ. Những vụ việc đảm nhận. Khen thưởng và kỷ luật! Chấm hết!

Chao ôi, thường thì một. Vị nào khá thì kéo liền hai nhiệm kỳ. Bốn hoặc gần mười năm của một đời quan chức? Vô khối chuyện để nói chứ nhỉ?

Năm xa ấy ngồi với nhà phê bình Vương Trí Nhàn. Nhân bàn đến cái gọi là hồi ký - văn học tư liệu, nhà phê bình họ Vương thở dài đại ý thế này.

…Ở các nước trên thế giới, chung quanh các nhân vật quan trọng – các VIP - các chính khách, các nghệ sĩ lớn, các cầu thủ bóng đá, luôn luôn có những người đi kèm để viết tiểu sử của họ.

…Nhưng ở ta, tình hình có khác? Các VIP càng ngày càng sống trong bí mật không muốn ai biết về cuộc sống riêng của mình?

…Mà cánh nhà báo nhà văn (nếu có) được phân công đưa tin về các vị ấy thì không hiểu sao toàn chỉ sản xuất ra những bài báo, tầm thường, vô cảm.

Thiếu vắng hẳn lao động và kinh lịch của một nhà báo nhà văn có nghề? Những kinh lịch đó phải được đưa, phải nhuyễn trong tác phẩm. Phải quán triệt một định đề rằng, giới nhà văn nhà báo phải coi việc viết về các VIP là nghĩa vụ trước lịch sử vậy!

(Hết trích)

Ngó qua một lượt cuốn hồi ký nặng chịch khổ to (16x24 cm) với hơn ba trăm rưỡi trang in có cái tên Chuyện của chúng tôi - tác giả Võ Hồng Phúc do NXB Hội nhà văn mới phát hành. Những muốn thốt thầm lên với cụ Vương Trí Nhàn rằng hình như đã tạm khép cái thời mà như ông than thở “các VIP càng ngày càng sống trong bí mật không muốn ai biết về cuộc sống riêng của mình?”.

Có vẻ vị cựu thượng thư ở tuổi sắp bát thập ấy không sắp sẵn cái ý đồ viết hồi ký? Bảy chương làm nên Chuyện của chúng tôi là từ những mẩu chuyện rải rác, rời rạc tuổi hưu rảnh rỗi na ná chuyện mất ngủ của người già.

Buổi ra mắt sách của ông Võ Hồng Phúc tại Đông Kinh Hội quán (Nhật Bản)

Ông lẩn mẩn hồi tưởng lại tuổi thơ dữ dội của mình thời gian CCRĐ. Rồi thời gian năm 1972. Suốt nửa năm trời cùng chuyên gia Nhật Bản khảo sát chuẩn bị cho chương trình khai thác dầu khí nhưng đã bị phía Trung Quốc ngăn trở ra sao. Ông nhớ lại chuyến đi Nhật đầu tiên năm 1989 với ông Sáu Khải về lịch trình khôi phục và phát triển quan hệ Nhật - Việt. Rồi chuyện thời thiếu thốn xập xệ ở sân bay quốc tế Nội Bài năm 1990, ông đưa một VIP Nhật lên Nội Bài chứng kiến cảnh 5 vệ sĩ Nhật cởi áo khoác che cho sếp mình khi trời bất thần đổ cơn mưa lớn. Chuyện người bạn giữa đêm đánh thức ông vỏn vẹn mấy từ trong điện thoại Trung tá rồi. Trung tá rồi. Mãi sáng hôm ông mới biết mình trúng Trung ủy ta trúng rồi!

Không chỉ những chuyện tưng tửng. Mà cả việc cộm cán, chuyện khó nói. Như chuyện thay vì đọc tham luận (bằng văn bản) ở Đại hội Đảng toàn quốc thì ông lại nói vo. Vụ việc ông Nguyễn Đức Chi ở Khánh Hòa. Sự kiện ông không vô quê nhà Hà Tĩnh mần Bí thư mà làm Bộ trưởng Bộ KHĐT. Rồi tại sao có tiếng đồn Bộ KHĐT là Bộ của các Bộ. Cả chuyện bà vợ vốn kín tiếng cẩn thận chu đáo nhưng luôn đứng xa mà ngó công việc lẫn sự nghiệp của ông ra sao vv… và vv…

Thoạt đầu, ông đã tãi ra những chuyện ấy bằng cách mổ cò trên cái Ipad của mình. Khi ấy bạn bè khuyến khích ông chơi phây (Fb). Ông nhiệt tình “nuôi” Fb đều đặn. Người ta đọc Fb của Võ Hồng Phúc thấy lạ, khoái quá động viên tơi tới. Những người gần ông, biết ông còn bổ sung này nọ.

Cơn lốc CCRĐ thốc ào ạt vô quê nhà Hà Tĩnh. Cậu bé Võ Hồng Phúc khi ấy mới 9 tuổi, không phải con địa chủ nhưng có người thân là địa chủ. Cậu bị giam cùng con cái địa chủ một thời gian dài. Bọn trẻ gần như bị bỏ quên, đói rài đói rạc. Chúng phải bươn bả tìm kiếm các loại rau dại quanh những mảnh vườn hoang. Cảnh người thân bị đấu tố, bị chết đói, bị bắn rồi bị làm nhục, bị xa lánh hằn đậm ám ảnh tâm trí tuổi hoa niên Võ Hồng Phúc. Khi được bạn bè khuyến khích chuyển thành sách, ông đã sửa sang lại những mẩu hồi ức về CCRĐ ở quê nhà Hà Tĩnh trên Fb thành dung lượng đáng kể và là một điểm nhấn, một sức nặng trong Chuyện của chúng tôi. Hấp dẫn cuốn hút người đọc, đã đành! Nhưng tôi nghĩ, thời điểm khốn khó ấy, chú bé Võ Hồng Phúc không phải nuôi mối hận “trong lồng xương ống máu” mà đã hình thành nên phẩm chất, tính cách những cảm thông, vị tha cùng lòng nhân song hành trong con người ông đến suốt cuộc đời. Cái câu không thể, không dám và không muốn tham nhũng có thể tạm để vận vào ông được chăng? Người đọc hồi hộp và cả nghi ngờ dõi theo những chuyện ông phải ứng xử, phải đối diện, phải dứt khoát ngoảnh mặt đi như thế nào. Vị thế hai nhiệm kỳ đứng đầu cái “Bộ của các Bộ”. Quanh mình là ràn ràn là các thứ lợi ích chào mời. Thế mà ông này vượt thoát được, chưa vướng phải điều tiếng chi thì cũng là một sự lạ? Thứ bất biến mà ông có được để mà ứng phó là phẩm chất thành thực, thẳng thắn chăng?

Như chuyện này chẳng hạn.

Gần 20 năm trước, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đã có một chuyến thăm và làm việc ở Hoa Kỳ. Kết thúc chương trình làm việc với các Bộ trưởng Giao thông vận tải, Ngoại giao, Thương mại, Tài chính, Chủ tịch USAID, EXIMBANK, các tổ chức của doanh nghiệp Hoa Kỳ, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, Giám đốc điều hành IMF… BTC đã có bữa working lunch (ăn trưa kiêm làm việc). Khách mời chính, Bộ trưởng Bộ KHĐT Võ Hồng Phúc đã gây một ấn tượng bất ngờ khi được mời phát biểu.

Trong không khí thông cảm, gần gũi, một câu hỏi đã được thẳng thắn nêu ra.

- Chính phủ các ông đối xử với những người Việt đã ra đi sau sự kiện 1975 nay họ muốn trở lại quê hương như thế nào?

Ông Phúc tươi cười, ánh nhìn bao quát khắp khán phòng rộng thênh chật người.

Thay cho một câu trả lời trực tiếp, ông xin kể lại câu chuyện gia đình bên bà ngoại của mình.

… “Tháng 12/1946, khi người Pháp trở lại Việt Nam, gia đình bên bà ngoại tôi có sự phân ly. Người về chiến khu chống Pháp. Người ở lại Hà Nội làm ăn buôn bán. Người về quê. Cuối năm 1954, mọi người gặp nhau tại Hà Nội khi những người theo kháng chiến trở về tiếp quản. Đầu năm 1955, nhân ngày Tết, mọi người tổ chức một buổi họp mặt tại nhà một người em họ của bà ngoại tôi. Ông là bộ trưởng của Chính phủ VNDCCH. Bố tôi có tham dự. Cuối buổi họp mặt, những người em ruột của bà ngoại tôi thông báo sẽ đi Nam, vào Sài Gòn, theo chính phủ Quốc gia Việt Nam. Người ông là Bộ trưởng của Chính phủ VNDCCH và bố tôi khuyên mọi người nên ở lại. Mọi người trả lời là không thể ở lại được. Nếu ở lại không có cách gì mà sống

Buổi họp mặt đầu năm thành buổi họp mặt để chia ly! Những người em ruột của bà ngoại tôi đã ra đi! Tất cả già trẻ lớn bé đã xuống Hải Phòng, lên tàu thủy vào Nam. Ngay sau ngày Tết 1955.

5/1975 vị Bộ trưởng là em họ của bà ngoại tôi và tôi vào Sài Gòn. Chúng tôi đã gặp lại họ, những người đã ra đi vào mùa xuân năm 1955, sau 20 năm. Trong buổi gặp mặt, người em ruột của bà ngoại tôi vừa cười vừa nói: “Chúng tôi đang ở Hà Nội thì ông cháu bố con các vị về Hà Nội, chúng tôi phải vào Sài Gòn. Chúng tôi vào Sài Gòn rồi, nay ông cháu các vị lại vào đây. Chúng tôi còn biết đi đâu nữa?”.

Vị bộ trưởng em họ bà ngoại tôi đã nói: “Bây giờ đất nước thống nhất rồi, mọi việc không như trước, ở lại làm ăn, còn đi đâu nữa! Bà con họ hàng lại đoàn tụ!”.

Nhưng rồi đến sau năm 1976, mọi việc khó khăn. Họ lại phải ra đi! Người đi chính thức, người là thuyền nhân!

Năm 2000, có vài người trong số họ đã trở về. Bà ngoại tôi và lớp người già đã mất. Chỉ còn lại lớp sau, lớp ngang vai với mẹ tôi. Mẹ tôi nói với tôi và các em tôi: “Những người họ hàng bên bà ngoại chỉ có mấy dì, cậu đó về lại quê nhà. Các con phải đón tiếp chu đáo”. Theo lời mẹ dặn, chúng tôi đã đón tiếp họ như là những người em của mẹ, là những người cậu người dì, những người ruột thịt. Một số người đã trở về, có người về và đã ở lại Việt Nam. Chúng tôi chào đón họ, dù họ về hẳn hay về rồi lại đi. Bởi vì: “CHÚNG TÔI CÓ CÙNG DÒNG MÁU”.

Cả phòng ăn hôm ấy vỗ tay vang dội!

Trở lại với những mẩu trên Fb. Đọc không chỉ có bạn bè và người đọc Việt. Những mảng ghi chép sinh động thú vị về quá trình làm việc với những người bạn Nhật Bản, từ những ngày đầu tiên khi Võ Hồng Phúc làm việc tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước rồi Bộ KH-ĐT. Những năm tháng đặc biệt sôi động với các hoạt động hợp tác với Nhật Bản từ sau Đổi mới (1986). Độc giả Nhật, đầu tiên là các ngài Đại sứ, nhiều nhà đầu tư, doanh nhân Nhật vốn quen biết đã tìm đọc Fb ông Phúc… Họ thích thú dõi theo câu chuyện của gia đình, của dòng họ, của làng quê; từ ngày đi học cho đến ngày tốt nghiệp đại học rồi bước vào cuộc đời công chức, trở thành chính khách. Chuyện ở trong nước và cả ở ngoài nước.

Rồi họ thẳng thắn lẫn thân tình đề nghị với ông nên tập hợp chế tác thành một cuốn sách. Nếu sách được dịch sang tiếng Nhật thì quý quá.

Cũng chính những người bạn Nhật nhiệt thành chân tình ấy đã âm thầm tích cực hoàn thành bản dịch tiếng Nhật và xúc tiến xuất bản cuốn sách.

Ngày 16/5/2023, bản dịch tiếng Nhật cuốn sách Chuyện của chúng tôi của nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc chính thức ra mắt tại Đông Kinh thư quán Tokyo Nhật Bản.

Sự kiện đó diễn ra sau thời điểm NXB Hội nhà văn phát hành Chuyện của chúng tôi một thời gian ngắn.

Ông Phúc được mời sang Tokyo để có mặt tại buổi ra mắt sách. Ông cảm động khi các yếu nhân Nhật, những ngài Fujimoto Masayoshi, Chủ tịch Tập đoàn Sojitz; Ba vị nguyên là Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam (ngài Hattori Norio, Ngài Umeda Kunio, ngài Fukada Hiroshi); ông Hayama Kenji, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Taisei; ông Hirai Ryutaro, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sojitz; Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, ông Phạm Quang Hiệu đã có mặt trong buổi ra mắt sách.

Chuyện của chúng tôi đã trở thành Chuyện của chúng ta nhân dịp 50 năm quan hệ Nhật - Việt.

Xuân Ba

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khi-thuong-thu-lap-ngon-post1539919.tpo