Khi thực phẩm phản ánh khát vọng dấn thân

Trong tác phẩm 'Khoái khẩu và Khát vọng', nhà nghiên cứu Erica J. Peters đã đưa ra cách tiếp cận tương đối thú vị, khi coi thực phẩm là một phương tiện mang tính tham vọng cũng như quyền lực.

Từ lâu trên khắp thế giới, câu ngạn ngữ “Ta là những gì mình ăn” đã được trích dẫn và tồn tại sâu trong tâm thức nhiều người. Nó như một lời nhắc cho việc nên dùng loại thực phẩm nào tốt cho sức khỏe. Thế nhưng ngược lại, trong tác phẩm Distinction vô cùng nổi tiếng của mình, nhà xã hội học Pierre Bourdieu thì lại cho rằng mọi người không chỉ khơi khơi lựa chọn chế độ ăn uống và các thực hành thường ngày, mà thông qua đó, những hành động này ít nhiều phản ánh về con người họ và tham vọng riêng.

Kế thừa từ ý tưởng trên, Erica J. Peters đã khảo sát lại giai đoạn nghĩa quân Tây Sơn thất bại, Nguyễn Ánh lên ngôi (1802) đến thập niên 1920, lúc mà hành động ăn uống vẫn chưa bị chính trị hóa. Vì vậy Khoái khẩu và Khát vọng chính là công trình nghiên cứu liên ngành kinh tế-chính trị-văn hóa-ẩm thực, từ đó cho thấy việc chọn đồ ăn trong cuộc sống thường ngày có thể soi sáng rất nhiều chi tiết trong cuộc đấu đá giữa những cá nhân tham vọng và những nhóm lợi ích khác biệt.

Tác phẩm Khoái khẩu và Khát vọng. Ảnh: Minh Anh

Kiểm soát thực phẩm, giữ vững ngai vàng

Có phần thú vị là suốt thế kỷ 19 cho đến những năm đầu tiên của thế kỷ 20, những gì người An Nam ăn không hẳn tiết lộ bản sắc của họ, mà là phản ánh quyền lực cũng như cái đói mà họ phải chịu. Theo đó, từ khi lên ngôi, vua Gia Long đã dùng đồng lúa để gia cố cho nền móng quyền lực. Ông không chỉ thấy tiềm năng của nguyên liệu này, mà bởi thảm họa thường kỳ và việc độc quyền ngành xuất khẩu gạo, dẫn đến nạn đói hoành hành, khiến cho ưu tiên duy nhất của người dân nghèo là có cái ăn để không bị đói.

Đến thời Minh Mạng, Tự Đức, một cuộc “cải cách” về nền ẩm thực bắt đầu xuất hiện. Trong khi vua Minh Mạng truyền bá ăn đũa như một chỉ dấu cho thấy được sự phát triển của người An Nam, thì vua Tự Đức khai sinh ra ngành ẩm thực cung đình, với những món ngon vật lạ chảy vào “chỗ trũng”.

Cả hai đều có tác động khiến cho những nỗi phẫn uất dâng lên cao thêm, khi vua Minh Mạng mong muốn thống nhất một nền ăn uống mà đã gò bó cũng như ép buộc nhiều chủng tộc người phải phản tín ngưỡng (ăn bốc, kiêng thịt heo…), còn vua Tự Đức thì lại quấy nhiễu đặc sản địa phương của những dân đen vốn đã khốn khổ.

Như vậy có thể thấy rằng bản sắc của người An Nam không được thể hiện riêng bằng thực phẩm trong giai đoạn này. Hoàn toàn ngược lại, chính sách rập khuôn cũng như cố gắng tạo sự đồng dạng của vua Minh Mạng phần nào cho thấy một cách phiến diện rằng ở Việt Nam chỉ có một chế độ ăn duy nhất. Và những gì mà người phương Tây thông qua những đoàn giáo sĩ viết thư gửi về có thể biết về Việt Nam ở giai đoạn này đó là đồ ăn quá mặn, không thức gì ngon và tanh mùi cá. Vì vậy thực phẩm lần đầu trở nên có tính áp đặt xét về giai cấp, cũng như đặt dưới góc nhìn thực dân.

TS. Erica J.Peters. Nguồn ảnh: Erica J.Peters Organizing

Tại đây tác giả Erica J. Peters đã dùng thêm những tư liệu từ trong sử sách cũng như văn chương để phản bác lại chính luận điệu trên. Dù bị mô phạm vào một khuôn mẫu, thế nhưng thực phẩm bắt đầu làm được nhiều việc hơn thế.

Về mặt chính trị, từ những ghi chép của Trịnh Hoài Đức một lòng khuyến khích lưu dân vào Nam vỡ đất, nên các ghi chép của ông tràn ngập hiện thực về một miền Nam giàu có, thức ăn phong phú, ăn hoài chẳng hết…

Về mặt văn chương thì trong thơ ca của Hồ Xuân Hương, ta cũng nhìn thấy một cảm thức khác thông qua thực phẩm, là việc phơi bày sự bất bình đẳng giữa các giới. Chính những trôi nước, xôi hẩm, quả mít… đã cho thấy được vẻ đẹp của người đàn bà, từ đó dần dần mở ra những sự khác biệt.

Vì vậy thực phẩm đã bước chân vào lĩnh vực chính trị với lời kêu gọi khai hoang mở đất, cũng như đấu tranh về mặt xã hội, với tính nữ tự do và bất bình đẳng giới.

Tuy vậy có một thực tế là ngay lúc này thực phẩm cũng đã tạo ra những sự phân cấp. Từ các ghi chép trong kho sử liệu, có thể thấy rằng nếu như người giàu có thể chọn nhiều món thịt, từ thịt bò, trâu, lợn, dê, cá; thì người thấp hơn khoảng 1-2 bậc chỉ có cá, ốc, hến, đậu phụ… phục vụ cho các bữa. Những người cùng đinh hoặc là nghèo nàn thì cũng chỉ còn gạo lứt chất lượng thấp và rau tự trồng.

Trên những bàn tiệc tại bữa hương ẩm hay cách đối xử với các giáo sĩ phương Tây, thì cũng có những đối xử thật sự khác biệt. Chẳng hạn như một giáo sĩ đã từng thuật rằng “hễ có người Pháp góp mặt, người làng sẽ chuẩn bị cho họ một chiếc thìa và một bình nước nhỏ, qua đó ngụ ý rằng dân làng thường không sử dụng thìa hay nước trong những dịp này.”

Từ những điều trên có thể thấy rằng trước khi Pháp vào nước ta thì việc chọn lựa thực phẩm đã cho thấy được rất nhiều khía cạnh, trong đó bản sắc chiếm phần thứ yếu, còn về các yếu tố chính trị – xã hội – văn hóa đã được phản ánh một cách sáng rõ qua nhiều mặt trận.

Bữa ăn ở Bắc Kỳ. Ảnh: P.Dieulefils

Thông điệp từ món ăn, cách ăn

Dù cho có nhiều tương đồng giữa hai thực phẩm là lúa mì và gạo – khi cùng khơi lên 2 cuộc cách mạng (Cách mạng Pháp 1789 và thất bại của quân Tây Sơn), cùng là thực phẩm được ăn hằng ngày (bánh mì và cơm); thế nhưng nỗi sợ tạp nhiễm của những người Pháp tham chiến tại Việt Nam lại lớn hơn thế, ám ảnh hơn thế, phức tạp hơn thế.

Trong tác phẩm này, tác giả Erica J. Peters đã cho thấy rằng việc binh lính Pháp sử dụng đồ hộp không phải xuất phát từ tính tiện dụng, bởi đây không phải là thứ mà họ ưa chuộng. Từ những thiết kế đầu tiên với nắp khó mở, hương vị buồn nôn, đồ ăn nhầy nhụa, nguy cơ ngộ độc botulinum… Hóa ra họ ăn những thực phẩm này không phải bởi vì một lòng hướng về Pháp quốc, mà là bị ám ảnh với thức ăn Việt Nam. Như tác giả Erica J. Peters đã cho ta thấy, người Pháp ở đất nước này cố gắng duy trì lối sống không phải “Việt Nam”.

Trong khi thịt trâu là thứ người dân ăn thường xuyên nhất, bởi những con bệnh cũng như đã chết thường được lấy thịt nhằm gỡ gạc vốn, thì những người Pháp chủ yếu chi tiền để mua thịt cừu – loài vật còn chưa nuôi được ở thời điểm này, dẫn đến giá cả thường là rất đắt. Và cũng như đồ đóng hộp, không chỉ hướng về mẫu quốc với những thực phẩm không có ở đây, mà việc lựa chọn những thực phẩm này còn nhằm phân định một đường ranh lớn về mặt chủng tộc, giai cấp và vị thế thống trị không thể bước qua.

Vợ lính dùng bữa cơm. Ảnh: P.Dieulefils

Không dừng ở đó, họ cũng triệt để loại bỏ món cơm, và coi bánh mì như thứ bắt buộc phải có. Tuy vậy với sự hòa trộn văn hóa có phần đặc biệt, thì đường biên này không dễ phân định riêng giữa người Pháp và người An Nam. Vì tài nấu bếp và không ranh mãnh, mà chức phụ bếp cũng như người hầu thường được đảm nhận bởi những người Việt hơn là người Hoa. Trong mối quan hệ mang tính chủ - tớ, người Pháp duy trì trạng thái mang tính hoài nghi. Họ không sợ rằng mình bị đầu độc hay là bắt chẹt chỉ vài món tiền, mà thay vào đó là nỗi hoài nghi hoàn toàn vô lý, là sợ người ở cùng ăn chung món và chung thực phẩm với bản thân mình.

Như Erica J. Peters nói: “Nhiều colon [người di dân] Pháp dường như muốn có một đường phân tuyến rõ ràng phân biệt đồ ăn của họ với của người hầu, ngay cùng lúc họ sợ rằng uy quyền của họ trong gia đình hay sự tinh tế trong các nụ vị giác của họ vẫn là không đủ để tạo nổi một phân tuyến rõ ràng như vậy.”

Đối với những phụ nữ Pháp lo việc gia đình, họ thường không quá kể cả những món tiền riêng, cũng vì cho rằng nếu làm như vậy thì sẽ keo kiệt không đúng “chất Pháp”. Họ cũng không thường ra chợ để kiểm tra lại hoặc là kiểm soát các khoản tiêu dùng, vì trong tâm thức của người ngoại quốc, chợ búa là nơi không có tôn ti trật tự, dẫn đến nếu có ra đó họ sẽ thấy mình không được tôn trọng. Chính hai điều này càng làm rõ hơn nỗi sợ bị làm tạp nhiễm thông qua thực phẩm, và cũng đại diện cho một khoảng cách về mặt chính trị thông qua thức ăn.

Và với người Việt họ cũng từ đây khẳng định quyền lực của bản thân mình, khi những người nhà giàu, trung lưu, thượng lưu bắt đầu ăn đồ đóng hộp cũng như trái cây nghịch mùa được gửi từ nước Pháp sang. Trong những nấc thang leo lên xã hội, họ coi bàn tiệc đầy ắp thức ăn và sự hiểu biết trở thành “phương tiện” để bước chân vào giai tầng thượng lưu. Từng lớp từng lớp bắt đầu tiến lên, dần dần hòa vào đời sống người Pháp, trước khi những lời kêu gọi đậm tính dân tộc làm “chính trị hóa” cách chọn thực phẩm. Ngoài ra công cuộc chống lại các thuế độc quyền về rượu, muối, nước mắm… cũng cho thấy được thông qua thực phẩm, người Việt đã thể hiện được tiếng nói của mình, nuôi một tham vọng được đứng ngang hàng tiến đến tự do.

*

Từ những điều trên có thể thấy rằng thực phẩm có thể phản ánh những thứ phức tạp hơn chức năng cung cấp năng lượng. Bằng cách tiếp cận có phần độc đáo và đầy khác lạ, tác giả Erica J. Peters đã cung cấp thêm cái nhìn riêng biệt vào trong thời kỳ có nhiều biến động, từ đó cho thấy thực phẩm không chỉ “khoái khẩu” mà còn chứa đựng những niềm “khát vọng” rất rất riêng biệt.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/khi-thuc-pham-phan-anh-khat-vong-dan-than-40173.html