Khi phụ huynh mang 'nắm đấm' gặp thầy cô

Giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực, lại là giữa phụ huynh và giáo viên, chuyện tưởng hiếm, nhưng hóa ra càng ngày càng phổ biến. Hành xử vượt quá giới hạn để đến mức nguy hại đến tính mạng của người dạy dỗ con mình, là điều đáng phải suy nghĩ.

Nghề giáo đang ngày càng áp lực?

Một cô giáo ở Hải Dương cách đây không lâu đã bị phụ huynh hành hung đến đứt tai, phải nhập viện điều trị.

Trong số những vụ phụ huynh hành hung giáo viên, phải kể đến vụ đánh tập thể thầy hiệu trưởng mới đây tại huyện miền núi Anh Sơn (Nghệ An) khiến thầy phải nhập viện vì thương tích nặng. Nguyên nhân khiến phụ huynh này giải quyết bằng chân tay với người đứng đầu trường, chỉ vì nghi ngờ con mình bị bạo hành do có dấu hiệu bầm má.

Cũng là một giáo viên ở Nghệ An, khi đọc được trường hợp trên qua báo chí, cô giáo tiểu học Lê Thị Hiền (TP.Vinh) đã phải rùng mình vì… sợ. Nữ giáo viên cho rằng, làm nghề này càng lúc càng áp lực hơn khi phụ huynh đang ngày càng trở nên lộng hành.

Có gần 20 năm trong nghề “gõ đầu trẻ”, bản thân nữ giáo viên gặp vô số phụ huynh với tính cách khác nhau. Có những phụ huynh dễ tính và hiểu cho mình nhưng ngược lại có không ít phụ huynh “chuyện bé xé ra to”, đưa con ra làm cái cớ để lên mặt, thậm chí dọa dẫm giáo viên.

“Tôi may mắn chưa gặp trường hợp nào quá căng thẳng đến mức dẫn đến xô xát, đánh đấm… nhưng việc phụ huynh lớn tiếng với mình là chuyện xảy ra quá nhiều, thậm chí mức độ ngày càng dày đặc. Họ tự cho mình cái quyền được bắt bẻ giáo viên mà không hề biết rằng, công việc của chúng tôi cũng căng thẳng, nhiều khi mệt mỏi. Hơn nữa, con của vị nào ngoan ngoãn thì không nói làm gì, nhưng với những cháu nghịch ngợm thì nhiều khi chính cha mẹ cháu lại không hiểu!”.

Cô Hiền cho rằng, dù chưa biết sự việc đúng sai như thế nào nhưng cách giải quyết bằng nắm đấm là điều tối kỵ trong môi trường giáo dục. Nếu học sinh thấy được hành vi côn đồ của bố mẹ, chính các em sẽ có suy nghĩ lệch lạc về đạo đức và hành xử của người lớn.

“Đã đến lúc nghĩ đến hành lang pháp lý có thể bảo vệ tính mạng của giáo viên khi môi trường làm việc ngày càng áp lực, thậm chí nguy hiểm! Làm nghề giáo đôi khi nghĩ thật khổ, đã áp lực, lương thấp giờ còn phải lo cho tính mạng của mình, nghĩ sao mà thấy chua xót!”- nữ giáo viên chia sẻ.

Trường tiểu học Đỉnh Sơn (Anh Sơn, Nghệ An), nơi xảy ra vụ phụ huynh đánh hiệu trưởng nhập viện ngày 19/10.

Còn theo chị Trần Thu Hà (ngụ ở Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội), bất cứ lý do nào thì phụ huynh đánh giáo viên là điều khó chấp nhận. “Cách giải quyết mâu thuẫn tốt nhất là nên trao đổi, tránh sự có mặt của con trẻ, trên tinh thần thẳng thắn. Phụ huynh thấy không phù hợp thì có thể kiến nghị lên nhà trường, và nếu giả sử giáo viên có sai thì phạt họ bằng vũ lực, bản thân vị phụ huynh đó cũng đã mất nhân cách rồi, khó lòng bênh vực được họ!”- chị Thu Hà chia sẻ quan điểm.

Đánh người dạy con mình là sự tệ hại!

TS Vũ Thu Hương- giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khi nói về những câu chuyện đau lòng khi phụ huynh đánh giáo viên, đã cảm thán rằng bà thấy sốc và buồn khi ngày càng có nhiều chuyện “động trời” phụ huynh hành hung người dạy dỗ con mình.

Mới đây, một cô giáo ở Hải Phòng bị phụ huynh đánh phải nhập viện điều trị

“Đánh người đã tệ hại, đánh người giáo dục, dạy dỗ con mình còn tệ hại hơn nhiều. Thầy cô giáo là người hỗ trợ chúng ta trong quá trình giáo dục con cái. Hợp tác với thầy cô giáo, đồng hành cùng họ để tìm ra phương thức giáo dục trẻ phù hợp là việc bắt buộc phải làm nếu như chúng ta muốn hoàn tất trách nhiệm dạy con”- bà phân tích.

Theo TS Vũ Thu Hương, cư xử với nhau bằng vũ lực không những không có bất cứ lợi lộc gì, mà còn mang lại nhiều tai hại cho chính con trẻ. Cha mẹ tham gia bạo lực là tấm gương xấu cho con, thậm chí sẽ có lối suy nghĩ thầy cô giáo là kẻ thù.

Bên cạnh đó, một số vụ việc tiêu cực của ngành giáo hiện nay đã khiến cho niềm tin của xã hội vào ngành nghề đặc biệt này bị suy giảm đến mức nghiêm trọng. Các cha mẹ ngày nay đưa con đi học luôn trong trạng thái cảnh giác cao độ. Tâm lý tiêu cực này cũng là một trong những lý do dẫn đến những hành vi vượt giới hạn.

"Trước hết phụ huynh nên nhìn nhận lại môi trường giáo dục khi coi giáo dục là một dịch vụ và họ không có quyền đòi hỏi quá đáng ở dịch vụ mà họ chi trả cho con. Chính cư xử theo hướng mua - bán, đặc biệt là ở trường tư, khiến họ thấy khó chịu đựng được việc con họ bị phạt ở trường. Họ dễ dàng làm những hành vi tồi tệ, xúc phạm đến danh dự và thân thể các nhà giáo"- TS Vũ Thu Hương.

Nữ tiến sĩ cho biết, đã nhiều lần kiến nghị cần phải tổ chức các buổi tư vấn cách giáo dục trẻ trong gia đình cho cha mẹ. Đồng thời, quyết liệt giải quyết những bất cập còn tồn tại trong ngành giáo dục. Đây là cách để có thể giải quyết những điểm đen trong môi trường giáo dục, để trên hết mang lại môi trường học tập trong sạch, lành mạnh cho chính học sinh.

* Trong vòng 1 năm qua, có thể điểm danh có đến trên 10 vụ giáo viên bị phụ huynh hành hung, ở mọi cấp độ, nhẹ thì xước má, chảy máu mũi, nặng thì bị… đứt tai, thậm chí bị đánh hội đồng đến mức phải nhập viện. Mức độ xô xát cũng nhiều kiểu, từ việc hung hãn đánh cô giáo đến mức đứt cả tai, đến việc gọi cả… hội đồng quây vào đánh kiểu tập thể.

Dương Hà

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/camera-phu-huynh/khi-phu-huynh-mang-nam-dam-gap-thay-co-post34295.html