Khi phong trào đi vào cuộc sống

20 năm qua (2000 - 2020), phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) được triển khai sâu rộng, thu nhiều kết quả thiết thực. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, khơi dậy ý thức đoàn kết cộng đồng, tinh thần tự quản trong từng khu dân cư.

Your browser does not support the audio element.

Phong trào văn hóa văn nghệ thôn Sỏi, xã Phú Thành (Lạc Thủy) phát triển, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân.

Phong trào văn hóa văn nghệ thôn Sỏi, xã Phú Thành (Lạc Thủy) phát triển, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân.

Phong trào gồm 5 nội dung là đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường sạch - đẹp - an toàn; xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao (TDTT); xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh. Song song với đó là 7 phong trào, gồm: TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư; xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH); làng, bản, tổ dân phố văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại; học tập, lao động, sáng tạo; người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến.

Phong trào xây dựng GĐVH trong những năm qua được xác định là một nội dung quan trọng, mang yếu tố quyết định đến phong trào TDĐKXDĐSVH. Nhằm mục đích xây dựng gia đình hòa thuận, ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế, giữ vững ANCT-TTATXH, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và duy trì nòi giống. Thực hiện phong trào đã có nhiều gia đình điển hình tiêu biểu như hộ các ông, bà: Nguyễn Quang Cảnh, thôn Tam Tòa, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy); Đinh Đức Bân, xóm Ong 1, xã Nam Phong (Cao Phong); Lý Sinh Toàn, xóm Hạ Sơn, xã Tú Sơn (Kim Bôi)... trên 10 năm liền giữ vững danh hiệu GĐVH.

Xuyên suốt 20 năm thực hiện phong trào, với những nội dung thiết thực, hiệu quả, đã giúp thay đổi tư duy, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Năm 2000, toàn tỉnh có 78.505/152.835 hộ đạt GĐVH, bằng 51,36%; năm 2010, có 149.847/186.465 hộ đạt danh hiệu, bằng 80,36%; năm 2019, toàn tỉnh có 179.922/214.465 hộ đạt GĐVH, bằng 83,8%. Chất lượng phong trào xây dựng GĐVH ngày càng được nâng cao theo các tiêu chí, tiêu chuẩn của T.Ư và của tỉnh. Tỷ lệ GĐVH 3 năm, 5 năm liền tiêu biểu, xuất sắc ngày càng tăng. Toàn tỉnh hiện có 89.679 hộ GĐVH 3 năm liền tiêu biểu xuất sắc; 55.081 hộ GĐVH 5 năm liên tục trở lên được biểu dương, khen thưởng.

Trong phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, năm 2000, toàn tỉnh có 227/459 đơn vị đạt danh hiệu, bằng 49,45%; năm 2010 có 1.069/1.269 đơn vị, bằng 84,2%; năm 2019 có 1.443/1.570 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, bằng 91,9%. Đến năm 2019, toàn tỉnh có 32,2% dân số tập luyện TDTT thường xuyên; 24,5% số hộ gia đình luyện tập TDTT; 805 câu lạc bộ TDTT và 2 liên đoàn thể thao.

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được các cấp, ngành quan tâm đầu tư xây dựng. Toàn tỉnh hiện có 1.443/1.482 nhà văn hóa (NVH) thôn, xóm, tổ dân phố, đạt 97,3%, trong đó có 607 NVH xóm, tổ dân phố đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH-TT&DL; 109/131 xã có NVH, đạt 83%, có 88 NVH xã đạt chuẩn; 103 khu thể thao xã, phường, thị trấn; 10/10 huyện, thành phố có NVH, đạt 100%; 131 tủ sách xã, phường, thị trấn và 131 điểm Bưu điện - văn hóa xã. Có 10 đội thông tin lưu động cấp huyện, 1.482 đội văn nghệ tuyên truyền thôn, xóm, bản, tổ dân phố hoạt động thường xuyên. Đa số các thôn, bản, tổ dân phố sau khi có NVH gắn với sân thể thao đã thực sự phát huy hiệu quả, phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển, thường xuyên tổ chức giao lưu thi đấu thể thao, biểu diễn văn nghệ sôi nổi, góp phần quan trọng xây dựng tinh thần đoàn kết, xây dựng nếp sống mới ở khu dân cư.

Đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Phong trào TDĐKXDĐSVH đã thực sự đi vào cuộc sống của mỗi gia đình, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng NTM, NTM nâng cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Tuy nhiên, để phong trào nhân rộng và lan tỏa hơn nữa, cần sự phối hợp của các cấp, ngành trong việc chú trọng đảm bảo chất lượng thực hiện các phong trào cụ thể. Những năm tới, tỉnh tăng cường chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, phát huy tốt vai trò của lực lượng nòng cốt, người uy tín trong khu dân cư; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên đổi mới nội dung, không ngừng nâng cao chất lượng phong trào, nâng cao nội dung bình chọn thôn, tổ dân phố, GĐVH; tăng cường công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, duy trì, tổ chức các hoạt động ngày càng hiệu quả. Bên cạnh đó, nhân rộng các điển hình văn hóa, gương người tốt, việc tốt; tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, gắn kết việc phát triển phong trào với xây dựng NTM.

Hải Linh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/147545/khi-ph111ng-trao-di-vao-cuoc-song.htm