Khi phiên đấu giá biển số xe ô tô biến thành 'sàn diễn'

Hành vi bỏ cọc trong đấu giá biển số xe không chỉ gây tốn kém về thời gian, tiền bạc mà còn làm mất cơ hội của người thực sự có nhu cầu. Do đó cần có chế tài xử phạt những người trúng đấu giá biển số xe nhưng không nộp tiền để ngăn chặn hoạt động đấu giá ảo.

Biển số xe trúng đấu giá hơn 32 tỷ đồng bị "bùng đơn".

Trúng đấu giá biển số xe 32 tỷ đồng nhưng không nộp tiền

Thời gian vừa qua, nhiều biển số ô tô đẹp đã được đưa ra đấu giá và có giá trúng lên đến hàng tỷ/chục tỷ đồng. Điển hình là biển 51K-888.88 của thành phố Hồ Chí Minh trúng cao nhất là 32,34 tỷ đồng ở phiên đấu giá biển số xe đầu tiên diễn ra vào ngày 15/9.

Tính đến thời điểm hiện tại, đây vẫn là biển số xe có giá trúng đấu giá cao nhất, song người trúng vẫn chưa nộp tiền tuy đã hết thời hạn 15 ngày để nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá.

Được biết người trúng biển số này là một người đàn ông ở Thanh Hóa. Ngoài biển 51K-888.88, người này còn trúng một biển số khác là 30K-567.89 hơn 13 tỷ đồng. Tổng trị giá của 2 biển số 51K-888.88 và 30K-567.89 lên đến 45 tỷ đồng.

Theo nhiều người, 32,34 tỷ đồng là con số khủng khiếp và là một mức giá vượt ra khỏi mọi dự đoán. Bởi việc bỏ ra gần 1,5 triệu USD chỉ để sở hữu một biển số xe đẹp thì cũng khiến những dân chơi biển số xe thứ thiệt phải "ngả nón".

Trước đó, dựa vào giá thị trường của biến số ngũ quý hiện tại, một số người tham gia đấu giá dự đoán biển số 51K-888.88 có giá khoảng 20 tỷ đồng nên với việc trúng giá 32,34 tỷ đồng, nhiều cư dân mạng đã nghi vấn sẽ xảy ra trường hợp bỏ cọc.

Pháp luật không quy định người trúng đấu giá biển số xe phải mua, mà chỉ đặt cọc, không mua thì mất cọc nên nhiều người cho rằng, việc chơi trội để rồi xin bỏ cọc là chuyện bình thường. Bởi vì, có nhiều người ưa nổi tiếng sẵn sàng bỏ 40 triệu đặt cọc, gây sự chú ý của dư luận, đánh bóng tên tuổi, rồi bỏ cọc.

Thậm chí, dư luận còn cho rằng, đây là chiêu trò đấu giá cũ bởi việc bỏ cọc biển số xe đấu giá chẳng khác các vụ bỏ cọc đất đấu giá xảy ra trước đây, như Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã bỏ cọc lô đất trúng đấu giá 24.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm.

Như "kịch bản" cũ, từ đấu giá đất đến "hét giá" thật cao và chốt giá "vô tội vạ" nhằm đẩy giá đất trong khu vực để bán thu lời từ những khu đất đã mua thì việc chốt giá biển số xe với mức không tưởng là nhằm "mồi" cho biển số xe khác tăng giá hoặc rao bán với mức giá chênh so với giá trúng từ đơn vị tổ chức.

Hành vi bỏ cọc trong đấu giá biển số xe gây ra nhiều hệ lụy

Có thể thấy, việc đẩy giá trúng đấu giá biển số lên cao rồi bỏ cọc xảy ra sẽ kéo theo không ít hệ lụy, gây tốn kém cả về thời gian và tiền bạc cho những người có nhu cầu thực lẫn cơ quan chức năng và tổ chức liên quan.

Bởi để tổ chức một phiên đấu giá biển số xe ô tô được diễn ra một cách nghiêm túc thì cần chuẩn bị rất nhiều khâu và đầu tư về cả nhân lực lẫn chi phí. Từ việc bố trí lực lượng để giám sát quá trình đấu giá đến đầu tư chi phí vận hành phần mềm, đường truyền và hạ tầng liên quan.

Theo Nghị định số 39/2023/NĐ-CP, nếu người trúng đấu giá biển số xe không thanh toán số tiền còn lại trong thời gian quy định, kết quả đấu giá sẽ bị hủy. Biển số xe sẽ được đưa ra đấu giá lại, đồng thời số tiền đặt trước (40 triệu đồng) sẽ không được hoàn lại và được nộp vào ngân sách Nhà nước.

Do đó, nếu người trúng đấu giá biển số xe ô tô bỏ cọc thì đồng nghĩa với việc phải tổ chức lại phiên khác để đấu giá lại biển số đó. Và số tiền đặt cọc 40 triệu đồng liệu có bù được những chi phí đã bỏ ra cho một lượt đấu giá hay không?

Bên cạnh đó, việc đấu giá thật cao rồi "bùng kèo" còn gây mất thời gian, công sức và lấy mất cơ hội của những người thực sự có nhu cầu cho phiên đấu giá đó. Thậm chí sẽ khiến họ chán nản không muốn tham gia những lần sau.

Thấy rằng, nếu ai cũng tham gia đấu giá biển số xe và trúng đấu giá rồi bỏ cọc sẽ tạo ra những tiền lệ xấu, gây tác động tiêu cực và làm méo mó, nhiễu loạn hoạt động đấu giá.

Hành vi tham gia đấu giá, chốt giá cao và bỏ cọc xảy ra đã chứng minh rằng, pháp luật về hoạt động đấu giá còn nhiều kẽ hở. Do đó, để tạo ra sự cạnh tranh công bằng và bình đẳng, hoạt động đấu giá được diễn ra một cách văn minh và nghiêm túc thì quy định pháp luật cần nghiêm khắc hơn. Trong đó cần phải bổ sung thêm một số chế tài phù hợp để xử phạt đối với những trúng đấu giá rồi bỏ cọc.

Chẳng hạn như, ngoài việc phạt tiền cọc đã nộp thì cần nộp số tiền xử phạt gấp nhiều lần khoản đặt cọc trước đó hoặc yêu cầu nộp phạt số tiền theo phần trăm nhất định dựa trên tổng số tiền trúng đấu giá và cấm tham gia các cuộc đấu giá khác.

Đấu giá biển số xe nếu bỏ cọc sẽ bị phạt như thế nào?

Nghị định số 39/2023/NĐ-CP quy định, trong 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả, Bộ Công an ban hành văn bản phê duyệt kết quả trúng đấu giá biển số ô tô của người tham gia.

Đồng thời, những trường hợp trúng đấu giá biển số ô tô trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an. Số tiền này được trừ số tiền đặt cọc trước và không bao gồm lệ phí đăng ký xe. Người tham gia nhưng không trúng đấu giá sẽ được trả tiền đặt trước 40 triệu đồng trong vòng 3 ngày.

Sau khi đã nộp đủ tiền trúng đấu giá, người trúng đấu giá biển số xe sẽ có 12 tháng để làm thủ tục đăng ký biển số xe ô tô trúng đấu giá gắn với xe ô tô thuộc sở hữu của mình.

Cũng theo Nghị định số 39/2023/NĐ-CP, nếu người trúng đấu giá biển số xe không thanh toán số tiền còn lại trong thời gian quy định, kết quả đấu giá sẽ bị hủy. Biển số xe sẽ được đưa ra đấu giá lại, đồng thời số tiền đặt trước (40 triệu đồng) sẽ không được hoàn lại và được nộp vào ngân sách Nhà nước.

Ngoài các quy định trên thì hiện tại không có chế tài xử phạt đối với những trường hợp trúng đấu giá biển số xe nhưng không nộp tiền, ngoài chuyện mất 40 triệu đồng tiền cọc.

Lam Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/khi-phien-dau-gia-bien-so-xe-o-to-bien-thanh-san-dien-179231005192428554.htm