Khi ông Troussier nhún nhường V.League

Bảy ngày tập trung đội tuyển trước mỗi đợt FIFA Days là quan điểm của HLV Philippe Troussier, thứ có thể mở ra một thời kỳ hoàn toàn mới cho bóng đá Việt Nam.

Thời kỳ V.League được quan tâm và có vị thế ngang hàng với các đội tuyển quốc gia. Đó là thứ xuất hiện từ lâu với bóng đá thế giới và cũng manh nha tại các giải vô địch quốc gia hàng đầu Đông Nam Á nhiều năm qua.

Từ lâu, chúng ta quen với việc các CLB hàng đầu châu Âu từ chối cho cầu thủ về thi đấu ở đội tuyển. Tại Đông Nam Á, hiện tượng này cũng bắt đầu có ở giải Thái Lan, Indonesia hay cả Malaysia.

Ở các quốc gia kể trên, giải quốc nội và CLB có vị thế riêng, có quyền lợi khác biệt so với đội tuyển quốc gia. Đó là điều nhiều CLB Việt Nam muốn có từ lâu nhưng chưa thể làm được.

Lấy chính mùa V.League 2023/24 hiện tại làm ví dụ. Mùa này có 9 đợt tập trung cho U23 và tuyển quốc gia. Đợt dài nhất có 48 ngày (gồm Asian Cup và Tết), đợt ngắn nhất cũng tới 9 ngày. Chưa tính tới thời gian FIFA Days, các đội tuyển đều tập trung trước đó nhiều ngày, đợt dài nhất kéo dài gần 20 ngày trước kỳ FIFA Days.

Các đợt tập trung dài hạn ấy tác động ghê gớm tới lịch trình V.League và ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của những CLB tham dự giải. Trong giai đoạn nghỉ cho đội tuyển, các CLB vẫn phải trả lương cầu thủ cả nội lẫn ngoại. Họ cũng phải duy trì kinh phí vận hành suốt thời gian dài dù đội bóng không được thi đấu.

Ngoại trừ nhóm tuyển thủ quốc gia, hàng trăm cầu thủ không được triệu tập khác đều phải nghỉ thi đấu, dẫn tới mất phong độ và cảm hứng. Hệ quả tiếp theo là giải vô địch quốc gia trở nên kém hấp dẫn.

Sau mỗi đợt tập trung, hiện tượng xuống phong độ là điều phổ biến. Sự quan tâm nơi người hâm mộ và nhà tài trợ cũng từ đó giảm dần. Làm sao quan tâm được khi V.League chưa đủ hấp dẫn mà còn bị ngắt quãng liên tục?

Hiện trạng ấy diễn ra suốt nhiều năm qua, phản ánh mâu thuẫn giữa cấp CLB và đội tuyển quốc gia. Liên đoàn muốn đội tuyển có nhiều thời gian hội quân nhằm nâng cao thành tích, các CLB muốn V.League được liền mạch, duy trì sự hấp dẫn, qua đó thu hút người hâm mộ.

Mâu thuẫn giữa CLB và đội tuyển phần nào dẫn tới sự ra đời các đơn vị tổ chức giải độc lập ở nhiều quốc gia. Tại Anh, Premier League có công ty riêng, có ban tổ chức riêng biệt, độc lập với Liên đoàn Bóng đá Anh. Điều tương tự cũng diễn ra ở các nền bóng đá có trình độ cao và gần chúng ta nhất là Thái Lan.

Ngày 1/3, lãnh đạo VFF và HLV Philippe Troussier đã có cuộc họp triển khai kế hoạch hoạt động của tuyển quốc gia và đội U23 trong năm 2024. Ảnh: VFF.

Tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) ra đời năm 2011 từng được kỳ vọng xử lý phần nào tình trạng trên. Nhưng thực tế vận hành VPF cho thấy tổ chức này còn nhiều vấn đề riêng.

Cán cân lợi ích hiện vẫn nghiêng về các đội tuyển quốc gia.

Nhiều đời HLV tuyển Việt Nam cũng ủng hộ cách làm này. Có HLV nào từ chối việc được thêm thời gian với học trò? Nên nhớ, quyền lợi của HLV trưởng gắn liền với đội tuyển và đôi khi mâu thuẫn với V.League. Người tiền nhiệm của ông Troussier là HLV Park Hang-seo từng nhiều lần tỏ ý muốn có thời gian tập trung dài hơn cho đội tuyển quốc gia.

Tầm nhìn của HLV Troussier vì thế thực sự mang tới khác biệt. Chia sẻ của ông với lãnh đạo VFF có thể mở đường cho việc rút ngắn các đợt tập trung đội tuyển quốc gia cũng như U23. Điều đó đồng nghĩa nhiều thời gian hơn cho các giải quốc nội, nhiều cơ hội chơi bóng hơn cho cầu thủ, tóm lại là cân bằng quyền lợi giữa đội tuyển và CLB.

Giải quốc nội tốt chưa chắc đã sản sinh đội tuyển tốt, nhưng đội tuyển mạnh thì chắc chắn phải tới từ một giải đấu chất lượng.

Quỳnh Phương

Nguồn Znews: https://znews.vn/khi-ong-troussier-nhun-nhuong-vleague-post1463123.html