Khi ông Đỗ Hữu Ca hiểu 'quay đầu là bờ'

Chuyện ông Ca 'quay đầu' là bài học cho những ai trót nhúng chàm và cả những ai vì chuyện lợi danh mà thỉnh thoảng có suy nghĩ và hành động nhúng chàm: Khổ hải mang mang, hồi đầu thị ngạn!

Sau một đêm nghĩ suy, bị cáo Đỗ Hữu Ca, cựu giám đốc Công an TP Hải Phòng, bất ngờ nhận tội. Trước đó, trong quá trình tố tụng và ở ngày đầu tiên của phiên tòa, ông Ca một mực phủ định hành vi phạm tội của mình. Thế nên việc ông Ca nhận tội trước tòa sau một buổi tối được xem là thông tin bất ngờ.

Ông Đỗ Hữu Ca bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người đưa tiền (vợ chồng Trương Xuân Đước - Nguyễn Thị Ngọc Anh) khai ông Ca đã hứa hẹn “cứ yên tâm về ăn Tết vì anh đã lo rồi”. Cụ thể, ông Ca biết doanh số bán hóa đơn VAT trái phép của công ty vợ chồng Đước - Anh khoảng 200 tỉ đồng nên bảo bà Anh phải chuẩn bị số tiền là 10% doanh thu cùng một số khoản “tiêu cực phí” khác để lo chạy tội. Mặc dù không có khả năng giúp vợ chồng Đước - Anh thoát khỏi việc bị xử lý hình sự nhưng ông Ca đã gian dối, hứa hẹn giúp và nhận 35 tỉ đồng.

Trong phiên thẩm vấn ngày 10-4, ông Ca một mực phủ nhận cáo buộc hứa hẹn “chạy án”. Ông khai bốn lần nhận tổng số tiền 35 tỉ đồng với mục đích “cứu người em” bằng cách giúp khắc phục hậu quả. Những biện bạch này hoàn toàn trái ngược với lời khai của vợ chồng Đước - Anh và cũng không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án.

Trên thực tế, ông Ca đã có hứa hẹn, ông Ca cũng đã nhận tiền và rồi cũng không có bất kỳ hành động nào cả. Đối chiếu với quy định pháp luật, hành vi của ông Ca thỏa mãn tất cả dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Luật là một quan tòa câm, còn quan tòa mới là đạo luật biết nói. Việc phán xét ông Ca có tội hay không thuộc thẩm quyền của tòa án thông qua thủ tục tranh tụng công bằng và quyết án công minh.

Bất ngờ, ngày 11-4, trong phiên tranh tụng, ông Ca đã nhận tội. Ông Ca cho biết sau một đêm suy nghĩ đã nhận thức được sai phạm của mình khi nhận 35 tỉ đồng của vợ chồng Đước - Anh. Ông Ca nhận tội đúng như cáo trạng truy tố và xin được tòa án xem xét giảm nhẹ hình phạt. Với lý do “suy nghĩ pháp luật lỗi thời, tuổi già nua nên tiếp cận cái mới khó khăn” nên ông đã cãi chày cãi cối trong phiên thẩm vấn. Tuy nhiên, sau một đêm suy nghĩ, ông đã hồi tâm chuyển ý.

Luật là một quan tòa câm, còn quan tòa mới là đạo luật biết nói.

Tại thời điểm thực hiện hành vi trái pháp luật và cho đến tận thời điểm xét xử, ông Ca chưa được 66 tuổi, một cái tuổi chưa đủ chuẩn để được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 51 BLHS là “người phạm tội đủ 70 tuổi trở lên”. Như vậy, ông không phải là quá già để tiếp cận cái mới trong pháp luật. Cái cách ông tự biện hộ là mình già nua, có lẽ chưa thật sự thuyết phục.

Tính đến thời điểm ông Ca nghỉ hưu (năm 2019), BLHS 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), BLTTHS 2015 đã được hoàn thiện và triển khai thi hành một cách ổn định. Các quy định của pháp luật hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thủ tục tố tụng hình sự vẫn còn nguyên giá trị chứ chưa có thay đổi đáng kể nào. Nếu đã là giám đốc Công an TP Hải Phòng đến năm 2019, chắc chắn ông Ca phải cập nhật tất cả kiến thức cơ bản này. Vì vậy, ông cho rằng mình “suy nghĩ pháp luật lỗi thời” là có phần hơi lạ.

Bị cáo Đỗ Hữu Ca ở phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Ngọc Sơn

Ông Ca từng là một vị tướng công an, rất quyết liệt trong đánh án. Có thể ông cũng có nhiều kiến thức và kỹ năng trong tố tụng hình sự nhưng chủ yếu ở vai trò bên buộc tội. Khi ở vào vị trí bên yếu thế, phải tự “gỡ tội”, ban đầu ông tự tin - một cách rất hùng hồn rằng những “lời khai nại” của mình có thể qua mắt “lưới pháp luật”. Nhưng rồi sau một đêm tự lượng giá, ông Ca đã “quay đầu”. Cú quay đầu này đã kịp cho ông có cơ hội “thấy bờ” với mức án 10 năm tù.

Ông Ca bị truy tố khoản 4 Điều 174 BLHS với khung hình phạt 12-20 năm tù hoặc tù chung thân; khung liền kề của điều luật này là khoản 3 có khung hình phạt 7-15 năm tù.

Khoản 1 Điều 54 BLHS quy định: “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của bộ luật này”.

Ông Ca có ba tình tiết giảm nhẹ đều thuộc khoản 1 Điều 51 BLHS là: Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả (điểm b); người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải (điểm s, tình tiết này có được sau khi ông Ca “quay đầu” nhận tội) và người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác” (điểm v). Có lẽ vì thế mà tòa đã áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS để xử cho ông Ca mức án 10 năm tù, dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà ông bị truy tố.

Sau tất cả, ông Ca đã “hồi đầu thị ngạn”. Cụm từ này có nguồn gốc từ một thành ngữ: “Khổ hải mang mang, hồi đầu thị ngạn” (tạm dịch: Biển khổ mênh mang, quay đầu là bờ). “Quay đầu là bờ” mang hàm ý cảnh tỉnh con người hãy biết dừng ngay những điều sai trái lại trước khi quá muộn màng.

Ở chiều sâu hơn, câu thành ngữ như muốn nhắc nhớ chúng ta khi đã sai lầm thì thành tâm hối cải, thực lòng sửa chữa khuyết điểm bằng suy nghĩ hướng thiện và những việc làm tích cực để trở về với bản tính tốt đẹp của con người.

Ông Ca đã quay đầu và cũng đã nhận được lượng khoan hồng của pháp luật, thể hiện qua mức án 10 năm tù mà tòa sơ thẩm đã tuyên. Chuyện ông Ca là bài học cho những ai trót nhúng chàm và cả những ai vì chuyện lợi danh mà thỉnh thoảng có suy nghĩ và hành vi nhúng chàm: Khổ hải mang mang, hồi đầu thị ngạn!

TS CAO VŨ MINH, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/khi-ong-do-huu-ca-hieu-quay-dau-la-bo-post785572.html