Khi nhạc Trịnh được hát trên phố

Đã 15 năm ngày Trịnh Công Sơn trở về với cát bụi nhưng những ca khúc của ông vẫn còn ngân nga mãi thời gian.

Để lại cho đời hơn 600 tác phẩm nhưng điều nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mong không phải là những giải thưởng danh giá mà là các ca khúc của mình có thể vượt khỏi cánh cửa của nhà hát Lớn, của những khán phòng đến gần hơn với khán giả bình dân. Đó là lí do vì sao mà đêm nhạc tưởng nhớ cố nhạc sĩ năm nay được diễn ra ở Nguyễn Văn Bình - con đường nhỏ giữa lòng Sài Gòn. Và có lẽ, chưa bao giờ đoạn đường này ấm cúng và nhiều cảm xúc như tối qua (1/4/2016).

Chương trình bắt đầu từ lúc 18 giờ 30 phút nhưng chưa đến 18 giờ, những hàng ghế trước sân khấu đã không còn chỗ trống và rất nhiều người khác đứng xung quanh nhẫn nại đợi những nốt nhạc vang lên. Điều làm người ta mong không phải là được xem những màn trình diễn của ca sĩ hàng đầu mà để nghe những người yêu nhạc Trịnh hát.

Đêm nhạc tổ chức trên phố tưởng chừng xô bồ nhưng cuối cùng lại rất chỉn chu, tươm tất. Có lẽ, cũng vì vậy, mà một người khó tính như Đức Tuấn lại đứng trên sân khấu hát bốn bài liền thay vì một bài như dự định. Chính anh cũng nói: “Nhạc Trịnh phải hát ở những nơi giống chỗ này mới đúng là nhạc Trịnh”. Đó là nơi mà ca sĩ chỉ xa khán giả chưa đầy một cánh tay, nơi mà mọi người hòa chung giọng “Nối vòng tay lớn”, cùng vỗ tay theo nhịp suốt một bài hát dài. Mọi khoảng cách dường như đều rút ngắn lại.

Dù hát nhạc Trịnh ngay từ thưở nhỏ nhưng Đức Tuấn chia sẻ anh chưa có may mắn được gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Và không ít lần, dưới hàng ghế khán giả lại có tiếng hát nho nhỏ. Điều đặc biệt nó không chỉ của những người nghe nhạc Trịnh suốt một quãng thanh xuân mà của cả những người tuổi đời rất trẻ. Nhạc Trịnh sống mãi theo thời gian bởi sự sâu sắc ẩn sau mỗi câu chữ, như Đức Tuấn nói: “Đã có lúc tôi hát nhạc Trịnh mà không rõ ý nghĩa của những ca từ. Nhưng gặp người này, người kia, trải qua nhiều chuyện mới hiểu thấu lời ông viết.” Và mỗi lần hát là một lần nhìn lại cuộc đời mình, một lần hát nhạc Trịnh theo một cách khác đi.

Đứng trên sân khấu tối qua, không chỉ có những ca sĩ chuyên nghiệp mà còn có những con người bình thường, hát bằng tình yêu giản dị dành cho nhạc Trịnh. Bà Hồng Châu đã bắt đầu tiết mục của mình bằng lời chia sẻ: “Tôi biết hát lúc 74 tuổi và suốt hai năm qua tôi chỉ hát mỗi nhạc Trịnh Công Sơn”. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, đi qua những khúc quanh của đời người bà mới tin mình đủ trải nghiệm để hát “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Dẫu rằng, bà ngân chưa trọn những nốt cao hay đôi chỗ còn chưa tròn vành rõ chữ nhưng đây là những khoảng khắc trọn vẹn nhất. Suốt hai giờ khán giả thăng hoa cùng những ca khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn với tiếng guitar mộc mạc của ca sĩ Tấn Sơn, tiếng saxophone da diết của An Trần và giọng hát của các thành viên nhóm Soul Club.

Saxophone An Trần - ái nữ của saxophone Trần Mạnh Tuấn

Trịnh Vĩnh Trinh – em gái Trịnh Công Sơn đã không giấu được sự xúc động khi thời gian nhạc sĩ mất đã dài hơn một thập niên, nhưng công chúng vẫn dành cho anh mình nhiều trân trọng như vậy. Nhiều tiếng vỗ tay đã vang lên khi bà nói : “Tác phẩm anh Sơn để lại không thuộc về gia đình mà thuộc về tất cả người Việt Nam”.Vàđêm qua không gian được lấp đầy bởi nhạc, tiếng vỗ tay và tình yêu dành cho một người.

Bài: Mỹ Khánh

Ảnh: Phạm Duy

Xem thêm: Nhạc Trịnh Công Sơn và áo dài: Mỗi ngày, đường sách chọn một niềm vui!

Trịnh Công Sơn , đêm nhạc , Đẹp cafe , đường sách Nguyễn Văn Bình , Đức Tuấn

Nguồn Đẹp: http://dep.com.vn/Binh-luan/Khi-nhac-Trinh-duoc-hat-tren-pho/41879.dep