Khi nhà văn nước ngoài đến Việt Nam

Hội trường D của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) trong ngày giao lưu với nhà văn Michel Bussi kín người. Nhiều độc giả có mặt trước khi chương trình diễn ra cả giờ, trên tay là những tác phẩm của nhà văn - người được mệnh danh là 'ông hoàng trinh thám' Pháp - chờ được xin chữ ký.

Xin nghỉ làm để đi gặp thần tượng

Dù chương trình diễn ra lúc 18 giờ, nhưng chiều hôm đó, độc giả Ngô Quang Vinh (một kỹ sư điện đang làm việc tại TP Thủ Đức, TPHCM), quyết định xin nghỉ làm để lên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), mang theo 6 tác phẩm của nhà văn Michel Bussi đã xuất bản tại Việt Nam. Anh cho biết: “Có thể nói Michel Bussi là nhà văn yêu thích bậc nhất của tôi ở mảng trinh thám. Khi nghe tin ông đến Việt Nam, điều đầu tiên tôi nghĩ là làm cách nào để có thể gặp được thần tượng của mình”.

Đông đảo bạn đọc có mặt tại Đường sách TPHCM để được ngắm nhìn và trò chuyện với nhà văn Marc Levy

Đến bây giờ Ngô Quang Vinh vẫn chưa tin là mình đã gặp được thần tượng bằng da bằng thịt tại Việt Nam. “Bạn sẽ không bao giờ hiểu cảm giác của một người hâm mộ chân chính khi đã đọc hết tất cả các tác phẩm của ông đã xuất bản tại Việt Nam đâu. Đó là tình yêu hoàn toàn dành cho văn chương khi bạn yêu câu chuyện, yêu nhân vật và yêu cả cách mà ông thao túng tâm lý độc giả với những cú plot twist (ngoặt) dễ gây “vỡ đầu” một khi đã bước vào hành trình mà ông tạo nên”, anh bày tỏ.

Nhà văn Michel Bussi ký tặng sách cho độc giả

Sau nhà văn Michel Bussi không lâu, một nhà văn cũng đến từ Pháp là Marc Levy cũng đã đến Việt Nam để giao lưu với độc giả. Marc Levy là tên tuổi lừng danh của dòng văn học lãng mạn. Từ Hà Nội, bạn đọc Tạ Thủy (đang làm việc cho một công ty nội thất của Đức tại Hà Nội) đã quyết định xin nghỉ làm, bay vào TPHCM để giao lưu nhà văn Marc Levy. “Hồi hộp, run rẩy cứ như gặp crush (người thầm thương trộm nhớ)”, là cảm giác của chị khi gặp được nhà văn yêu thích của mình. “Khi được tận mắt trông thấy nhà văn yêu thích của mình, cảm hứng đọc của mình sẽ mạnh hơn, sau đó mình sẽ tìm hiểu sâu hơn về nhà văn, về những nơi ông ấy sống và đi qua, về cuộc đời của ông, những chọn lựa trong cuộc đời đó. Mình cũng học hỏi được từ đó và có thể giúp mình có thêm những cơ sở để có những quyết định cho mình”, bạn đọc Tạ Thủy chia sẻ.

Không chỉ có độc giả mới mong muốn được gặp gỡ nhà văn mà mình yêu thích, mà các nhà văn cũng như vậy. Nhà văn Michel Bussi cho biết: “Việc đi đến các nước để gặp gỡ độc giả là điều mà tôi thấy rất vui. Đây là một may mắn, bởi việc tiếp xúc trực tiếp với bạn đọc giúp cho tôi thấy được các bạn thích hay không thích điều gì ở tác phẩm của mình. Điều này rất quan trọng và rất khác so với việc không gặp trực tiếp. Những gì tôi tưởng tượng về họ vẫn chỉ là trong tưởng tượng thôi. Còn bây giờ được gặp trực tiếp như thế này là một điều rất may mắn”.

Cơ hội để quảng bá và bán sách

Cả nhà văn Michel Bussi và Marc Levy đều là những nhà văn nổi tiếng của Pháp, các tác phẩm của họ đều được Nhã Nam mua bản quyền và xuất bản. Không phải đến gần đây các tác giả mà Nhã Nam xuất bản sách mới sang Việt Nam, từ nhiều năm trước, đơn vị này và các đối tác xuất bản cũng đã mời một số tác giả từ nhiều nước khác nhau sang giao lưu như: Alberto Ruy Sánchez (Mexico), Masatsugu Ono và Takahashi Genichiro (Nhật Bản), Patrick Deville (Pháp), Hwang Sun-mi (Hàn Quốc), Andy Stanton (Anh)…

Bên cạnh những tác giả có thể sắp xếp đến Việt Nam trực tiếp, gần đây Nhã Nam còn tổ chức giao lưu trực tuyến với nhà văn Hàn Quốc Pyun Hye-Young (tác giả tiểu thuyết Hố đen sâu thẳm), hay đầu năm nay là nhà văn Ocean Vương (tác giả Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian), với lượt theo dõi rất cao. “Thực ra khi quyết định mua bản quyền cuốn sách nào, chúng tôi cũng đã tìm kiếm ngay từ đầu cơ hội mời tác giả sang Việt Nam, hoặc ít nhất là giao lưu trực tuyến với độc giả. Chính vì thế, hàng năm chúng tôi đều đề xuất với đối tác những tác giả có thể mời sang, không chỉ của Pháp mà cả Anh, Italy, Israel… vì mong muốn độc giả có cơ hội gặp gỡ giao lưu với các nhà văn”, chị Đào Phương Thu, Trưởng phòng Truyền thông của Nhã Nam, cho biết.

Cuối tuần qua, tại Đường sách TPHCM cũng vừa diễn ra chương trình giao lưu ra mắt sách Năng lực thực sự của AI (Saigon Books và NXB Thế giới). Từ Nhật Bản, Fujimoto Koji, một trong hai tác giả của cuốn sách, đã sang Việt Nam để giao lưu cùng bạn đọc. Trước đó, vào năm 2018, một tác giả người Nhật khác là Ken Honda cũng sang Việt Nam giao lưu theo lời mời của Saigon Books.

Theo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Giám đốc Saigon Books, ngoài việc giúp độc giả hiểu hơn về cuốn sách thì đây cũng là cơ hội để quảng bá và bán sách. Thực tế cho thấy, những tác giả nước ngoài có chương trình, sự kiện giao lưu ra mắt sách thì việc bán sách rõ ràng tốt hơn. “Chi phí cho việc mời tác giả từ nước ngoài sang Việt Nam giao lưu cũng là một khoản đáng kể nếu như không được hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu so với việc mình có thể quảng bá, doanh số của cuốn sách đó có thể tốt hơn, thì chi phí đó xứng đáng để đầu tư”, ông Quỳnh cho biết.

“Nếu không gặp khó khăn về tài chính thì việc mời các tác giả nước ngoài sang Việt Nam giao lưu là việc nên làm. Bởi chính tác giả sẽ chia sẻ, quảng bá về cuốn sách sâu sắc, cụ thể và đầy đủ thông tin hơn. Có những tác giả thực ra cũng không quá xuất sắc, nổi tiếng mà chỉ là người nghiên cứu sâu về một đề tài nào đó và họ viết được. Khi đó, họ sẽ là người truyền cảm hứng, khuyến khích chúng ta có thêm những tác giả người Việt giống như vậy. Ngoài ra, những cuộc giao lưu này sẽ giúp cho tác giả hiểu được độc giả, những cuốn sách tiếp theo của họ sẽ gắn bó và gần hơn với bạn đọc Việt Nam. Đó cũng là điều tốt cho bạn đọc”, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh nhận định.

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//khi-nha-van-nuoc-ngoai-den-viet-nam-855874.html