Khi nguồn lực bị lãng phí

Thời gian qua, dư luận không ít lần 'dậy sóng' trước hiện tượng 'vung tay quá trán' của một số địa phương thuộc diện nghèo nhưng dám đầu tư các dự án xây dựng tượng đài, cổng chào hoành tráng với kinh phí lên tới nhiều tỷ đồng.

Nhiều xã vung tay quá trán, khiến khoản nợ kếch xù. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Gây bức xúc hơn cả phải kể đến UBND huyện Yên Định đề xuất xây dựng tượng đài Bà Triệu ở trung tâm huyện với số tiền 20 tỷ đồng. Việc xây dựng tượng đài Anh hùng dân tộc không có gì phải bàn cãi nếu như lãnh đạo huyện này giải trình ổn thỏa khoản nợ hơn 50 tỷ đồng mà nhiều cá nhân đã tố cáo lên Tỉnh ủy Thanh Hóa vào tháng 3-2020.

Trong khi Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa vào cuộc kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Định trong việc chi tiêu ngân sách, thì quyết tâm xây tượng đài của UBND huyện Yên Định càng khiến dư luận đặt dấu hỏi.

Ở một khía cạnh khác, nhiều đại biểu Quốc hội buộc phải lên tiếng về công trình tượng đài Chiến thắng Khâm Đức của huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Điều khiến cử tri của huyện miền núi này trăn trở là địa phương còn 25% hộ nghèo, nhưng chính quyền vẫn chi 14 tỷ đồng để xây tượng đài từ ngân sách địa phương.

Cho dù lãnh đạo UBND huyện Phước Sơn giải trình, công trình này đã triển khai cách đây 3 năm, nhưng do chưa đủ kinh phí nên kéo dài đến bây giờ. Nhưng họ khó thuyết phục người dân về những công trình dân sinh thiết yếu chưa được đầu tư xây dựng.

Tương tự, Vĩnh Thạnh, một trong 4 huyện miền núi nghèo của tỉnh Bình Định, đang xây dựng tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh với vốn đầu tư hơn 48 tỉ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% và huyện huy động từ các nguồn vốn xã hội hóa. Thật khó lý giải vì sao một huyện miền núi còn rất nghèo nhưng dám bỏ ra số tiền quá lớn để làm công trình này. Trong khi người dân đang mong mỏi các công trình dân sinh như đường giao thông, nước sạch, thủy lợi... hơn là tượng đài.

Xin chưa bàn về chất lượng nghệ thuật của nhiều tượng đài được vội vã xây dựng trong thời gian gần đây. Thực tế, các nhà nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật đã chỉ ra nhiều công trình kém tính nghệ thuật, chưa tạo được điểm nhấn mang dấu ấn mạnh về lịch sử, văn hóa và không được công chúng chấp nhận. Bởi, thực chất nhiều công trình tượng đài được đầu tư không phục vụ mục đích tôn vinh giá trị văn hóa, nghệ thuật và lịch sử, truyền thống mà “chạy theo phong trào”, thậm chí vì mục đích vụ lợi, tiêu cực.

Trở lại câu chuyện tượng đài ở Vĩnh Thạnh và Phước Sơn, nhiều ý kiến cho rằng không hề cá biệt, khi “phong trào” làm tượng đài đã lan rộng từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Đặc biệt, các cổng chào “trăm hoa đua nở” từ huyện đến xã và từng thôn, xóm, khu dân cư. Kinh phí xây dựng một cổng chào tiêu tốn từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng tùy thuộc vào quy mô công trình. Với hàng vạn khu dân cư trong cả nước, chúng ta đã và đang tiêu tốn một khoản ngân sách khổng lồ...

Thật vô trách nhiệm khi một số chính quyền địa phương lấy lý do một phần kinh phí xây dựng tượng đài, cổng chào được huy động từ nguồn xã hội hóa để ngụy biện cho các dự án tốn kém. Rõ ràng, các địa phương vẫn phải chi ngân sách Nhà nước không ít thì nhiều cho các dự án chưa thực sự bức thiết. Mặt khác, tiền doanh nghiệp hỗ trợ, hay tiền nhân dân đóng góp nếu đưa vào sử dụng phí phạm là lãng phí nguồn lực xã hội, nguồn lực quốc gia.

Thiết nghĩ, Nhà nước cần siết lại thiết chế để ngăn chặn tình trạng xây dựng tượng đài, cổng chào theo phong trào, không phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội các địa phương.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khi-nguon-luc-bi-lang-phi-post430721.html