Khi người trẻ còn đứng bên lề...

Chuyện lùm xùm chung quanh vấn đề nhân sự NXB Hội nhà văn mới đây khiến rất nhiều người trong và ngoài giới văn học băn khoăn. Và một lần nữa, câu chuyện già - trẻ trong văn chương vốn không mới lại được đặt ra.

Sự già nua đồng đều

Gần một năm nay, sau khi nhà văn Trung Trung Đỉnh về hưu ở tuổi 67, vị trí Giám đốc NXB Hội Nhà văn, cơ quan cấp 2 của Hội Nhà văn (HNV) Việt Nam vẫn trống. Cục Xuất bản, In và Phát hành đã đồng ý đề xuất của HNV Việt Nam để nhà thơ Trần Quang Quý, 62 tuổi, Phó Giám đốc NXB tạm thời phụ trách. Rồi vì hết tuổi bổ nhiệm, Phó Giám đốc Quý về hưu. Từ ngày 31-3-2017 đến nay, NXB Hội Nhà văn tạm ngừng hoạt động. Mới đây, HNV Việt Nam đã bổ nhiệm nhà văn Nguyễn Quang Thiều làm giám đốc NXB. Về mặt danh tiếng, không có gì phải bàn cãi. Nhưng nhìn vào số tuổi lại không khỏi… "giật mình", vì nhà văn Nguyễn Quang Thiều cũng đã tròn 60 tuổi! Liệu ở cương vị giám đốc, ông sẽ đóng góp cho NXB được bao lâu nữa, khi mà tuổi của ông đã đủ để về hưu theo quy định của Nhà nước? Và chẳng lẽ trong hàng nghìn hội viên HNV Việt Nam, không thể tìm ra vài ba nhân sự trẻ tuổi cho cơ quan Hội và các cơ quan cấp 2, cấp 3 của Hội?

Thời gian qua, có thời điểm NXB Hội Nhà văn không có người chịu trách nhiệm ký giấy phép xuất bản cũng như nhiều văn bản, quyết định,… chỉ vì khuyết chức danh giám đốc. Một câu hỏi đặt ra là thật sự HNV Việt Nam thiếu người có thể giữ trọng trách này đến mức để Hội phải bổ nhiệm những nhà văn đã ở tuổi về hưu vào vị trí quan trọng, rồi một vài năm lại đôn đáo tìm người thay thế hay không? Về mặt chủ quan thì không hoàn toàn như vậy. Nguyên nhân nằm ở bất cập khác, đó là dường như đã thành “truyền thống” HNV không rộng cửa với những người trẻ!

Từ câu chuyện thiếu Giám đốc NXB Hội nhà văn, nhìn rộng ra cả nền văn học hiện nay, có thể thấy nguyên nhân của sự trì trệ trong văn học nghệ thuật (VHNT) chính là thiếu lớp trẻ. Cơ quan Hội, các ban bệ thuộc Hội chủ yếu là người cao tuổi. Các cơ quan cấp 2 của Hội như Báo Văn nghệ, NXB Hội Nhà văn, Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm,… cũng toàn người già. Nhìn vào bất cứ vị trí trọng trách nào thuộc tổ chức Hội, thấy người trẻ nhất cũng quãng gần 60 tuổi.

Lâu nay, chủ trương đổi mới tư duy, trẻ hóa cán bộ trong đội ngũ làm VHNT nói chung và văn học nói riêng luôn được đặt ra, nhưng dường như cũng chỉ dừng lại ở… khẩu hiệu. Nhìn lại Đại hội HNV Việt Nam gần đây nhất (năm 2015) thì có thể thấy rõ điều này. Một đại hội trong không khí dân chủ, khi thảo luận ngoài lề ai cũng cổ vũ việc trẻ hóa, muốn lớp trẻ thay thế lớp già; nhưng đến khi bỏ phiếu lại vẫn toàn người già trúng cử, người trẻ chỉ thưa thớt được vài cái tên trong Ban Chấp hành. Điều đó cho thấy tập thể cả nghìn hội viên không thật sự tin vào lớp trẻ, cho rằng lớp trẻ không thể gánh vác đời sống văn học.

Cần sức trẻ và hơi thở thời đại

Không phải chúng ta không xem trọng truyền thống, nhưng truyền thống cũng cần được gìn giữ và phát huy, tiếp nhận những cái mới. Đời sống văn học nước nhà hiện nay đang thiếu điểm kết nối giữa truyền thống và hiện đại. Hai bên, lớp già và lớp trẻ đang xa rời nhau. Nghệ thuật nói chung rất cần sự tươi mới, hằng ngày, người ta cần nghe những bản nhạc mới, đọc những trang sách mới. Nó là nghệ thuật chứa đựng hơi thở của đời sống hiện tại đang diễn ra, chứ nếu cứ mang mãi trang sách cũ; thậm chí là sách mới của những người viết cũ thì sớm muộn công chúng cũng chán. Nó có thể là những giá trị đã được ghi nhận, có thể ví như liều "thuốc bổ". Nhưng công chúng trẻ, những “khách hàng” của nghệ thuật hôm nay đang cần những thực phẩm khác. Bản thân tác phẩm văn học cũng là một thử thách với thị hiếu người đọc. Cần có nhiều lựa chọn cho công chúng trẻ thử nghiệm chính tình yêu và bản lĩnh của họ. Một nhân vật trong tác phẩm nào đó, theo quan điểm của người già là không tốt cho giới trẻ; nhưng đừng vội nghĩ người trẻ hôm nay nghe và hành động theo nhân vật. Thời “nghe theo” qua rồi. Công chúng hôm nay đã khác rất nhiều, nhất là lớp trẻ. Và để hiểu được họ, phải có lực lượng sáng tác trẻ, những người đi cùng thời và có thể sáng tạo ra những tác phẩm đủ sức hấp dẫn cũng như đủ thử thách bạn đọc của mình. Sáng tạo VHNT thật sự đang cần những “người quản trò” trẻ trung, để tổ chức, để chiếm lĩnh tâm hồn, tình cảm thế hệ trẻ.

Nhường đường, tin tưởng vào lớp trẻ, trao cho họ trách nhiệm chính là cung cấp năng lượng để họ có thể chiếm giữ, làm chủ tương lai. Các hội nghề nghiệp liên quan đến sáng tạo lại càng cần trẻ hóa đội ngũ của mình. Sáng tạo là cái mới, thuộc về tuổi trẻ, đó là quy luật. Khi những người cầm bút trẻ còn đứng bên lề cuộc chơi của nghệ thuật, tác phẩm sẽ vẫn nằm ngoài sự quan tâm của công chúng là điều dễ hiểu.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/32976002-khi-nguoi-tre-con-dung-ben-le.html