Khi người trẻ bỏ đại học để học nghề

Những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp và làm không đúng ngành nghề ngày càng nhiều. Từ đó, có không ít bạn trẻ bỏ đại học, thậm chí có người đã học gần xong vẫn nghỉ ngang, “chuyển hướng” học nghề.

Nhiều sinh viên đã chọn học nghề thay vì đại học để đến “đích” nhanh hơn. Trong ảnh: Sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai trong giờ học

“Lối rẽ” phù hợp

Gần 5 năm theo học ngành Môi trường nước tại một trường đại học, Phạm Minh Hiếu bất ngờ thay đổi quyết định khi gần tốt nghiệp. Hiếu đã chọn học ngành Cắt gọt kim loại, Khoa Cơ khí của Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (H. Long Thành).

Nguyên nhân là em nhận thấy môi trường học tập đại học không thực sự phù hợp với mình. Dù tiếc 5 năm học nhưng Hiếu cho rằng: “Thà muộn còn hơn không thay đổi”.

Nguyễn Quốc Việt, hiện là sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 từng thi đỗ vào Khoa Sư phạm toán của một trường đại học hơn 1 năm trước. Theo dự kiến, 3 năm nữa, Việt sẽ ra trường và trở thành thầy giáo dạy toán. Nhưng Việt đã chọn bỏ học đại học giữa chừng để học cao đẳng nghề với chuyên ngành Điện công nghiệp.

Ông LÊ QUANG TRUNG, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 (H.Long Thành) cho rằng, sau khi tốt nghiệp THPT, các em nên cân nhắc kỹ việc học đại học hay học cao đẳng nghề theo sở thích và đam mê của mình, không nên đi theo trào lưu. Để chọn đúng, các em cần tìm hiểu nhu cầu thực tế của doanh nghiệp cần gì, ở trình độ nào?

“Cho đến giờ, em vẫn cảm thấy quyết định đi học nghề là đúng đắn. Bởi việc học đúng sở thích, em thấy hứng thú hơn nhiều nên học chăm chỉ và có kết quả học cũng tốt. Hơn nữa, có sự hỗ trợ của nhà trường nên em cảm thấy học nghề sẽ mở ra cho mình nhiều “con đường” trong tương lai. Sau này nếu muốn, em vẫn có thể học lên đại học. Còn không, em sẽ đi làm ngay khi vừa học xong, thậm chí vừa học vừa làm hoặc đi làm việc tại nước ngoài” - Việt chia sẻ.

Cũng từng trải qua học đại học, bạn Lê Việt Hòa, sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 cho hay, bản thân đã học đại học, giờ chuyển sang học cao đẳng thì thấy chương trình học 2 hệ này khác nhau rất nhiều. Mỗi chương trình đều có ưu và khuyết.

Hòa đánh giá: “Em trải nghiệm 1 năm ở trường đại học, chương trình đặt nặng đào tạo lý thuyết. Dù vậy, học đại học sẽ rèn luyện cho sinh viên tính tự tìm tòi, tự lập. Còn chương trình cao đẳng nhẹ lý thuyết, nặng thực hành và thời gian đào tạo ngắn, học phí thấp hơn nên khá phù hợp với hoàn cảnh gia đình em”.

* Học nghề: Đường đến thành công ngắn hơn?

Theo các bạn trẻ, học nghề sẽ mở ra nhiều “con đường” đi đến thành công nhanh hơn vì thường có việc làm ngay khi tốt nghiệp hoặc sớm hơn. Tuy nhiên, tâm lý của nhiều phụ huynh lại mong muốn con mình phải học đại học.

Trường hợp của bạn Nguyễn Nhật Triều, sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 là một ví dụ điển hình.

“Khi em quyết định theo học nghề mà không phải là đại học, ba mẹ em giận lắm. Em phải thuyết phục mấy tháng liền, ba mẹ mới đồng ý. Sau 1 năm theo học nghề, em đã thực tập 2 đợt ngắn hạn tại doanh nghiệp. Qua đó, em thấy kiến thức và kỹ năng ở trường theo sát với doanh nghiệp. Hơn nữa, em còn được học tiếng Đức để sau này sang đó làm việc” - Triều chia sẻ.

Các bạn trẻ chuyển đổi mô hình học đại học sang học cao đẳng nghề đều có chung mong muốn là đi làm sớm. Do vậy, trong năm học 2022-2023, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 có khoảng 4.500 sinh viên 2 hệ trung cấp và cao đẳng và khoảng 3.000 sinh viên khóa ngắn hạn, trong đó, những sinh viên từng học đại học hay đậu đại học chuyển về ngôi trường này học nghề không phải là hiếm.

* Nhiều con đường để tới đích

Theo các bạn trẻ, có nhiều con đường để đi tới đích mà mình mong muốn. Hầu hết các em đã tìm hiểu rất kỹ trước khi đưa ra quyết định quan trọng trên con đường học vấn của cuộc đời mình.

Điều rất quan trọng là chọn học gì phải đúng với năng lực của mình để không mất thời gian, cơ hội tìm việc trong tương lai.

Bạn Huỳnh Thanh Thúy, sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai (H.Long Thành) chia sẻ: “Học nghề, sinh viên được học thực hành rất nhiều. Từ đó, em tự tin về tay nghề của mình hơn. Bên cạnh đó, ngay khi thực tập, em đã có việc làm và có thể kiếm thu nhập phụ giúp cha mẹ chi trả sinh hoạt phí trong quá trình đi học”.

Ông Lê Quang Trung, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 cho rằng, Đồng Nai là tỉnh công nghiệp phát triển. Do đó, nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề cao rất lớn. Thực tế, nhiều năm nay, người học nghề không đủ cung ứng cho thị trường lao động và làm mất cân đối “cung cầu”.

“Đại học đào tạo để làm quản lý nhưng số người làm quản lý của các đơn vị, doanh nghiệp lại không có nhu cầu lớn. Và sinh viên đại học xuống làm nghề lại không được vì không có chuyên môn. Ra trường không có việc làm vừa gây tốn kém, vừa lãng phí nguồn lực lao động trẻ của xã hội, đây là một trong những lý do tạo ra sự dịch chuyển việc học đại học sang học nghề” - ông Trung cho hay.

Ông Nguyễn Văn Vụ, Phụ trách Phòng Đào tạo, Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai cho biết thêm, các trường nghề hiện nay có nhiều thay đổi, chất lượng đào tạo đã được nâng cao.

Hiện nay, doanh nghiệp có xu hướng tuyển dụng lao động qua đào tạo nghề lớn, do đó, tỷ lệ sinh viên có việc làm cao. Nguồn cung sinh viên đã qua đào tạo nghề vẫn không đủ đáp ứng đơn đặt hàng của các doanh nghiệp.

Bích Nhàn

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202305/khi-nguoi-tre-bo-dai-hoc-de-hoc-nghe-3165005/