Khi nghệ sĩ đối diện với thị trường

Trong không gian đối thoại cởi mở tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA với chủ đề 'Nghệ sĩ đối diện với thị trường - Một khung cảnh không ngừng biến đổi', các diễn giả Ace Lê, Xuân Lam và Trương Uyên Ly đã cùng chia sẻ thông tin, hiểu biết và kinh nghiệm thực tế về con đường xây dựng, phát triển sự nghiệp trong mối quan hệ với thị trường nghệ thuật ở trong nước, khu vực và thế giới.

Không gian buổi trò chuyện với chủ đề 'Nghệ sĩ đối diện với thị trường - Một khung cảnh không ngừng biến đổi'.

Không gian buổi trò chuyện với chủ đề 'Nghệ sĩ đối diện với thị trường - Một khung cảnh không ngừng biến đổi'.

Cuộc thảo luận đưa đến những góc nhìn và cách thức đa dạng trong việc tiếp cận, tham gia vào thị trường, nhận diện những thách thức và cơ hội để thích ứng với những biến chuyển, vận động không ngừng của hệ thống cung cầu, cũng như đề xuất những hướng đi để xây dựng và phát triển thị trường nghệ thuật tại Việt Nam.

Giám tuyển – nhà nghiên cứu nghệ thuật Ace Lê đã mang tới một bức tranh tổng thể khi phân tích mối quan hệ giữa giá trị và giá cả. Theo anh, việc phân loại tác phẩm theo giá cả rất quan trọng, vì từ đây có thể biết thêm những tiêu chí khác như thời gian, công sức, tiền bạc, công tác bảo quản, phục chế, trưng bày, quảng bá,…

Ace Lê có bằng thạc sĩ về nghiên cứu bảo tàng và thực hành giám tuyển; khóa thạc sĩ về báo chí và truyền thông tại Nanyang Technological University. Anh cũng lấy bằng cử nhân quản trị kinh doanh tại National University of Singapore.

Ace Lê là giám đốc sáng lập của Lân Tinh Foundation, Tổng biên tập Art Republik Việt Nam và Giám đốc điều hành cho thị trường Việt Nam của Sotheby’s. Anh là thành viên chương trình Lãnh đạo nghệ thuật quốc tế 2022 của Hội đồng nghệ thuật Australia và là thành viên ban cố vấn của kho dữ liệu nghệ thuật Việt Nam (ViAA).

“Giá cả là một trong những thước đo về độ quan trọng của một tác phẩm, bên cạnh đó tác phẩm còn có những giá trị khác như giá trị lịch sử, giá trị mỹ thuật,… nhưng việc dùng giá cả là một thước đo cho giá trị, nhìn vào giá trị kinh tế của tác phẩm cũng là một thước đo quan trọng”, Ace Lê nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay nhiều người vẫn chưa quen với việc định giá cho tác phẩm, bởi trong lịch sử có một khoảng thời gian nước ta theo cơ chế quan liêu bao cấp, khi đó nghệ thuật bị cào bằng, tác phẩm do nghệ sĩ sáng tác ra cũng thuộc cộng đồng.

Sau khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, lại ở trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhu cầu định giá tác phẩm đã xuất hiện, từ những năm 90, nhiều phòng tranh Việt Nam bắt đầu hoạt động và tương tác với nước ngoài nên nhu cầu định giá tác phẩm ngày càng trở nên thuyết phục.

Sau khi phân tích động cơ mua tác phẩm nghệ thuật, biểu đồ sự nghiệp của nghệ sĩ, các hệ sinh thái liên quan đến việc định giá tác phẩm, các diễn giả cho rằng việc phân tích bằng hệ quy chiếu rất quan trọng. Bởi khi nghệ sĩ muốn xác định, hiểu thấu đáo về giá trị cung cầu thì phải nghiên cứu rất sâu để biết hệ quy chiếu của mình đang nằm ở đâu.

Việc này giống như một cuộc chơi, nghệ sĩ có quyền được chọn triển lãm ở địa điểm nào, hợp tác với gallery nào, phối hợp với đơn vị nào,…

Nhưng cũng xảy ra nhiều trường hợp nghệ sĩ quan niệm “tôi làm nghề thì tôi chỉ làm nghề”, thì theo giám tuyển Ace Lê, khi nghệ sĩ muốn tập trung vào làm nghề thì khi đó cũng nên có những người khác làm việc thị trường cho mình. Nghệ sĩ nên có được cả sự chủ động và bị động để khi đó có được nhận thức và hiểu cuộc chơi, thị trường tốt hơn.

Các diễn giả tại buổi trò chuyện.

Các diễn giả tại buổi trò chuyện.

Tại buổi trò chuyện, với tư cách là một người thực hành sáng tạo, nghệ sĩ Xuân Lam đã chia sẻ trường hợp của anh khi phải đối diện với thị trường và xác định mình đang ở đâu trong bối cảnh chung đó.

Câu chuyện bắt đầu từ khi Xuân Lam học ở trường mỹ thuật, đi làm thêm ở một phòng tranh và nhận ra rằng các nghệ sĩ bán được tác phẩm rồi thì họ cứ bán mãi, còn những họa sĩ trẻ sẽ ít có cơ hội; cho đến việc tạo ra tranh dân gian qua sự kết hợp giữa đồ họa và hội họa, các triển lãm, công trình mà anh đã thực hiện rồi đến chương trình học Thạc sĩ hội họa tại Trường thiết kế Rhode Island (Rhode Island School of Design - RISD) anh sẽ tham gia tới đây.

Qua câu chuyện được chia sẻ, có thể thấy rằng, nghệ sĩ Xuân Lam từ sớm đã ý thức được việc một họa sĩ trẻ có thể sống được bằng nghề là điều không dễ dàng. Vì không muốn trở thành một họa sĩ làm việc theo khuôn mẫu nên anh đã lăn lộn, trải qua rất nhiều thử thách để duy trì được những dự án cá nhân và cuộc sống của một người trưởng thành độc lập.

Xuân Lam sinh năm 1993 tại Hà Nội, tốt nghiệp chuyên ngành Hội họa tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, hiện là họa sĩ, nhà thiết kế tự do. Các sáng tác của Xuân Lam thường xoay quanh chủ đề đặc trưng văn hóa Việt Nam thông qua góc nhìn, cách thể hiện mới, với chất liệu đa dạng và độc đáo.

Xuân Lam sinh năm 1993 tại Hà Nội, tốt nghiệp chuyên ngành Hội họa tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, hiện là họa sĩ, nhà thiết kế tự do. Các sáng tác của Xuân Lam thường xoay quanh chủ đề đặc trưng văn hóa Việt Nam thông qua góc nhìn, cách thể hiện mới, với chất liệu đa dạng và độc đáo.

Nghệ sĩ Xuân Lam quan niệm: “Tôi sẽ làm cái gì mà mình thích, mình nhận thấy là ưu điểm của mình thì mình sẽ làm nó thật hay”, nên anh đã kết hợp giữa đồ họa và hội họa từ đó tạo nên chất riêng của mình.

Hiện nay, việc nghệ sĩ đối diện với thị trường đang được đặt trong một bối cảnh không ngừng biến đổi, cho nên nghệ sĩ cần hình dung cụ thể hơn, suy nghĩ một cách có chiến lược là điều rất quan trọng. Điều này liên quan tới việc nghệ sĩ sẽ đặt mình ở đâu trong nấc thang sự nghiệp, để họ sẽ có những cái nhìn bớt tự nhiên hơn, chú ý đến thị trường nhiều hơn và chú trọng việc cân bằng hơn giữa tác phẩm của mình với thị trường.

Qua một số báo cáo khảo sát tình hình việc làm những năm gần đây, thì Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam có khoảng 100 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm, tỷ lệ sinh viên có việc làm là 97% (số liệu năm 2020), tương tự Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM có 136 sinh viên tốt nghiệp và tỷ lệ có việc làm là 100% (số liệu năm 2022), còn Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp là 325 sinh viên tốt nghiệp, tỷ lệ có việc làm là 95.71% (số liệu 2020).

Khu vực việc làm của sinh viên tốt nghiệp các trường mỹ thuật chủ yếu là khu vực tư nhân và tự tạo việc làm, tiếp đến là có yếu tố nước ngoài. Khu vực nhà nước gần như không có.

Tùng Lâm

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/khi-nghe-si-doi-dien-voi-thi-truong-39347.html