Khi nào công nghiệp hỗ trợ hết èo uột?

Chính phủ chuẩn bị ban hành chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) quốc gia giai đoạn 2016-2025 với kinh phí thực hiện gần 2.360 tỉ đồng. Nhìn lại gần 10 năm qua, dù đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển CNHT nhưng đến nay CNHT vẫn “chậm lớn”, kéo theo hệ lụy nhiều ngành sản xuất công nghiệp then chốt phụ thuộc phần lớn vào máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu nhập khẩu.

Thiết bị trưng bày tại một cuộc triển lãm về công nghiệp hỗ trợ ở TPHCM. Ảnh: VĂN NAM

Thêm chính sách hỗ trợ

Tại hội thảo “Giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ” tại TPHCM cuối tuần qua, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng thuộc Bộ Công Thương, cho biết Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo để trình Chính phủ xem xét phê duyệt chương trình phát triển CNHT giai đoạn 2016-2025 với tổng kinh phí thực hiện gần 2.360 tỉ đồng dành cho việc hỗ trợ doanh nghiệp trở thành các nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài; hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu.

Cụ thể, theo dự thảo này, chương trình sẽ chia thành hai giai đoạn hỗ trợ. Giai đoạn đầu 2016-2020 với tổng kinh phí thực hiện 1.232 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chi gần 1.060 tỉ đồng cho các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNHT với khoảng 1.000 doanh nghiệp tham gia chương trình để sớm trở thành nhà cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh.

Ngoài ra, cũng trong giai đoạn đầu của chương trình, dự kiến sẽ có thêm khoảng 1.200 doanh nghiệp CNHT nhận được sự hỗ trợ, tư vấn áp dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp và quản trị sản xuất hiện đại, phù hợp với yêu cầu quốc tế.

Bên cạnh đó, chương trình còn đề ra những hoạt động hỗ trợ đào tạo nâng chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; xây dựng và công bố thông tin về CNHT hàng năm.

Giai đoạn 2 của chương trình, từ năm 2021-2025, cũng sẽ tiếp tục với các hoạt động hỗ trợ tương tự giai đoạn 1 với kinh phí thực hiện khoảng 1.127 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm gần 970 tỉ đồng. Nhà nước cũng sẽ tiếp tục ban hành các cơ chế tài chính phù hợp để các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia chương trình nhằm giảm tối đa nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước chi cho các hoạt động nói trên.

Mục tiêu của chương trình nói trên gồm: đến năm 2020, sản phẩm CNHT đáp ứng 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa và tăng lên 70% vào năm 2030; giá trị sản xuất CNHT chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp và đến năm 2030 tăng lên 14%.

Cần nhắc lại về chính sách hỗ trợ, chỉ riêng trong năm năm gần đây, Chính phủ đã ban hành một số chính sách liên quan đến việc thúc đẩy sự phát triển CNHT như: Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT; Quyết định 12/2011/QĐ-TTg về một số chính sách phát triển CNHT; Quyết định 1483/QĐ-TTg năm 2011 về danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển.

Cho đến nay, vẫn còn đó nhiều hạn chế trong phát triển ngành CNHT như thiếu sự gắn kết của các doanh nghiệp với các địa phương, năng lực của các doanh nghiệp còn thấp, chính sách phát triển CNHT còn nhiều hạn chế, nguồn lực của nhà nước đầu tư cho CNHT chưa nhiều, các ngành công nghiệp vật liệu cơ bản chưa đủ lực. Năng lực đáp ứng của ngành CNHT cho các ngành sản xuất cũng còn thấp. Trừ lĩnh vực linh kiện phụ tùng cho ngành cơ khí chế tạo và xe máy hiện CNHT đáp ứng được 85-90%, còn lại đối với ngành khác như ô tô chỉ đáp ứng 10-15%, ngành điện tử gia dụng 30-35%, các ngành điện tử khác đáp ứng khoảng 15%, ngành da giày đáp ứng 50%, dệt may đạt 45%.

Doanh nghiệp cần gì?

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), cho biết chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu của ngành thời trang gồm bốn bước: xây dựng thương hiệu - nghiên cứu phát triển sản phẩm - sản xuất - phân phối. Tuy nhiên, do CNHT về cơ khí chế tạo, máy móc thiết bị phục vụ cho ngành da giày còn quá yếu nên cho đến giờ, ngành này còn phụ thuộc nhiều vào máy móc, khuôn mẫu, thiết bị nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan. Đến nay, các nguồn vật liệu như da thuộc, giả da, vải kỹ thuật, vật liệu đế, phụ kiện kim loại, chất dẻo, keo dán, hóa chất... các nhà sản xuất trong nước chỉ đáp ứng 40% nhu cầu, vẫn còn thấp.

Từ thực tế này, khi phát biểu tại hội thảo về CNHT tại TPHCM cuối tuần qua, ông Nguyễn Đức Thuấn đề nghị khi phát triển CNHT, Nhà nước cần tập trung vào phát triển ngành CNHT theo chuỗi giá trị những ngành hàng có lợi thế cạnh tranh và dung lượng thị trường đủ lớn. Nhà nước cần sử dụng nguồn lực của các viện, trường (vốn đang còn lãng phí) nghiên cứu sản phẩm gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; xây dựng thêm các trung tâm đào tạo nghề chuyên ngành, các trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm xử lý môi trường ngành da giày, túi xách.

Ông Dương Minh Tâm, Chủ tịch Hội Cơ khí TPHCM, nói: “Qua làm việc với đoàn JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) về CNHT, tôi thấy khái niệm CNHT của người Nhật như một dòng sông được tạo ra từ nhiều con suối nhỏ chảy từ thượng nguồn về đến hạ nguồn. Tức là bắt đầu từ những nguyên vật liệu thô được chế biến ra nguyên vật liệu cho từng ngành, tiếp đến là khâu sản xuất khuôn mẫu và cuối cùng đến khâu lắp ráp”. Theo đó, ông Tâm kiến nghị Nhà nước cần vạch rõ chiến lược phát triển ngành cơ khí vốn đang là ngành nền cho nhiều ngành sản xuất khác như máy móc, thiết bị, khuôn mẫu. Nhà nước cần ban hành danh mục ngành nghề CNHT được ưu đãi cho từng thời kỳ để có chính sách khuyến khích đầu tư, ưu tiên phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của tất cả các ngành nghề sản xuất khác nhau.

Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm nhựa, ông Bùi Thanh Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội, cho rằng nguyên liệu sản xuất của các sản phẩm lĩnh vực CNHT trong nước hiện mới chỉ đáp ứng 20% nhu cầu sản xuất ngành nhựa, 80% còn lại phụ thuộc vào nhập khẩu nên giá thành sản phẩm luôn biến động theo giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới và biến động tỷ giá.

Trước những hạn chế của CNHT, ông Nam đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn trong đổi mới công nghệ phù hợp với thị trường bởi nếu không sẽ không đủ nguồn lực, trình độ quản trị để tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất lớn. Nhà nước cần tăng cường hoạt động của các viện nghiên cứu chuyên ngành, để làm cầu nối gắn kết các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thiết kế, triển khai sản xuất các sản phẩm CNHT. Cần có chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với các loại nguyên liệu, vật tư và các nguyên liệu đầu vào khác phục vụ trực tiếp cho sản xuất sản phẩm CNHT mà trong nước chưa sản xuất được để doanh nghiệp có thể cạnh tranh trên sân nhà.

Với quan điểm đẩy mạnh mục tiêu nội địa hóa của ngành ô tô trong nước, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), cho rằng nếu không có chiến lược bảo vệ doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tàu thì sẽ rất khó phát triển CNHT. “Nếu không có thị trường, không có doanh nghiệp đầu tàu sẽ rất khó phát triển CNHT”, ông Trần Bá Dương đúc kết kinh nghiệm qua nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ô tô. Hiện tỷ lệ nội địa hóa các dòng xe tải do Thaco sản xuất là 35-40%, xe buýt đạt 55-60%, xe con đạt 15% (trong đó dòng xe Kia Morning đạt 23%).

Để phát triển ngành công nghiệp dệt may với hơn 6.000 doanh nghiệp thu hút hơn 3 triệu lao động trên cả nước, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kiến nghị Nhà nước và các địa phương không ưu đãi tràn lan mà tập trung vào thu hút công nghệ tiên tiến, hiện đại và CNHT dệt may. Trong đó, cần thống nhất quy hoạch và cấp phép các khu công nghiệp dệt may lớn trên cả nước, tránh chồng chéo; có chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực cho dệt may tại chỗ.

Theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khó khăn lớn nhất của công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam là nằm sát vách Trung Quốc - “đại công xưởng” của thế giới - nơi sản xuất đủ loại sản phẩm, nguyên liệu có giá rẻ hơn Việt Nam. Muốn phát triển CNHT, Việt Nam buộc phải dành rất nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp CNHT trong nước thì may ra mới cạnh tranh nổi với Trung Quốc. Việt Nam cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tàu có sản phẩm kết nối vào chuỗi cung ứng thị trường thế giới, song song đó ưu tiên thu hút các doanh nghiệp FDI lớn mạnh đầu tư vào lĩnh vực CNHT.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/154426/khi-nao-cong-nghiep-ho-tro-het-eo-uot.html/