Khi nào cho trẻ ăn dặm?

Ăn dặm - hay còn gọi là ăn bổ sung, được hiểu là sự chuyển từ chế độ sữa hoàn toàn sang chế độ ăn có thức ăn khác sữa. Ăn dặm có thể làm trẻ thích thú hoặc đôi khi làm trẻ khó chịu. Thời điểm ăn dặm rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ.

Sau 4-6 tháng tuổi trẻ có nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng tăng lên vì trẻ lớn lên không ngừng, sữa không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho bé nên cần phải cho trẻ ăn thêm các loại thức ăn khác. Các chất dinh dưỡng dễ bị thiếu hụt khi chỉ dựa vào chế độ ăn lỏng (sữa) là năng lượng, chất đạm (protein), sắt và kẽm, đưa đến hậu quả là trẻ chậm tăng trưởng, dễ bị thiếu máu, biếng ăn và các rối loạn khác. Từ năm 2003, theo Tổ chức Y tế Thế giới và UNICEF, thời điểm cho trẻ ăn dặm nên bắt đầu khi trẻ tròn 6 tháng tuổi. Do trẻ dưới 6 tháng tuổi thì chức năng thận và ruột chưa hoàn thiện và việc cho ăn dặm sớm có thể làm tăng nguy cơ dị ứng như chàm da hoặc suyễn. Một số nghiên cứu cho thấy hệ tiêu hóa và một số men tiêu hóa ở trẻ chỉ hoàn thiện khi trẻ trên 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, mỗi trẻ có mức độ phát triển, trưởng thành và nhu cầu về năng lượng khác nhau, cũng như mức độ tăng cân của trẻ trong 4 tháng đầu khác nhau, nên việc cho trẻ ăn dặm có thể bắt đầu khác nhau. Theo ThS. BS. Hoàng Thị Tín, khoa Dinh dưỡng, BV Nhi Đồng 1 (TPHCM), trong vòng 6 tháng đầu đời, sữa mẹ là nguồn cung cấp năng lượng chính cho trẻ. Sữa mẹ dễ tiêu hóa, có đầy đủ các yếu tố bảo vệ giúp bé chống đỡ lại bệnh tật và giúp bé phát triển tốt về mặt trí tuệ. Nếu mẹ đủ sữa, bé tăng cân tốt (500– 600 g/tháng) và mẹ có điều kiện thì cho bé bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và chỉ cho trẻ bắt đầu ăn dặm khi trẻ tròn 6 tháng tuổi. Chỉ cho bé ăn dặm từ 4 - 6 tháng tuổi khi: Mẹ phải đi làm sớm, không có điều kiện cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; bé được bú sữa mẹ hoàn toàn và đúng cách nhưng không tăng cân tốt, trẻ bị đói sau khi cho bú, nhưng từ chối sữa; trẻ thức dậy nhiều lần vào ban đêm và đòi bú, thời gian giữa các cữ bú ngắn dần. BS Tín cũng lưu ý, nếu trong gia đình có người bị dị ứng, khi cho trẻ ăn dặm trước 6 tháng tuổi không nên cho những thức ăn có chứa gluten (có trong bột mỳ, lúa mạch đen và các món ăn chế biến từ lúa mạch như bánh mì, bột mì, mì ống, bánh bích quy và yến mạch), trứng, phomat, sản phẩm sữa, cá và hải sản. Khi cho trẻ ăn dặm không nên nêm muối vào thức ăn của trẻ vì thận của trẻ chưa phát triển hoàn thiện. Vì trẻ từ 7 tháng đến 1 tuổi chỉ nên sử dụng 1g muối/ngày, sữa mẹ hoặc sữa công thức cung cấp đầy đủ muối cho trẻ, hạn chế cho ăn những thực phẩm chứa muối cao như phomat, xúc xích; không cho đường vào thức uống và thức ăn của trẻ vì đường làm tăng nguy cơ hư răng. Không cho trẻ ăn mật ong khi trẻ chưa tròn 1 tuổi. Vì mật ong có thể chứa vi khuẩn làm tổn thương hệ ruột của trẻ. Trẻ sau 1 tuổi, ruột đã trưởng thành và có thể ức chế sự sinh sản của vi khuẩn. Nước trái cây (nước cam, táo) là nguồn vitamin C giúp trẻ tăng cường hấp thu sắt từ thức ăn, tuy nhiên nước trái cây làm giảm khả năng uống sữa của trẻ, do vậy có thể cho trẻ uống nước trái cây thật loãng tỉ lệ 1/10 khi trẻ trên 6 tháng tuổi. Bùi Hương

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1994/2009/07/1712312/