Khi nào bất động sản nghỉ dưỡng hết 'gặp khó'?

Sau thời gian dài vắng bóng trên thị trường, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đang rục rịch có những bước đầu làm nóng 'đường đua'. Song, tại Việt Nam, quá trình hồi phục phân khúc này còn diễn ra không đồng đều.

Cụ thể, công suất và giá phòng bình quân của các khách sạn tại TP.HCM đang dần khôi phục về mức trước đại dịch. Trong khi đó, các thị trường du lịch, nghỉ dưỡng như Nha Trang – Cam Ranh, Đà Nẵng và Phú Quốc vẫn đang gặp nhiều thách thức trong việc cải thiện công suất phòng.

Theo thông tin từ Hội nghị "Tái tạo năng lượng thị trường cho bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam", trong 9 tháng năm 2023, thị trường khách du lịch châu Á tới Việt Nam vẫn thấp hơn mức trước đại dịch COVID-19 khoảng 33%.

Thực tế cũng cho thấy, Hàn Quốc hiện là thị trường khách quốc tế lớn nhất đến Việt Nam với 2,6 triệu lượt, song tổng lượt khách vẫn thấp hơn mức năm 2019 khoảng 18%. Song song với đó, thị trường khách Trung Quốc đang từng bước khôi phục, nhưng chỉ tương đương 28% so với cùng kỳ 2019. Thị trường khách châu Mỹ và châu Úc thấp hơn so với cùng kỳ 2019 khoảng 7%, đạt tổng 1,1 triệu lượt khách.

Xu hướng hồi phục chung của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn "gặp khó".

Trước bối cảnh nguồn thị trường khách quốc tế chính như Trung Quốc và Nga khôi phục chậm thì sự lệch pha cung - cầu này lại gây áp lực tới quá trình hồi phục của bất động sản nghỉ dưỡng.

Gần 1 thập kỷ qua, nguồn cung phòng chiếm khoảng 54% tổng nguồn cung mới trên cả nước chủ yếu tập trung tại các thành phố du lịch như Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, Hạ Long và Hội An. Cùng với đó, nguồn cung tại các điểm đến ven biển mỗi năm tăng trung bình 16%, cao gần gấp 3 lần so với 2 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội và TP.HCM, mỗi năm tăng trung bình 6%.

Đáng chú ý, hơn 80% nguồn cung tại các điểm đến được ưa chuộng như Mũi Né, Nha Trang và Hạ Long thuộc về phân khúc tầm trung. Đây là phân khúc có sự cạnh tranh cao về mặt bằng giá, không chỉ dừng ở nguồn cung khách sạn mà còn cạnh tranh những dự án căn hộ nghỉ dưỡng do chủ sở hữu tự kinh doanh, cho thuê với chính sách giá bán linh động để thu hút nguồn cầu.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels cho biết, vấn đề không chỉ nằm ở sự phát triển quá mức tại một số điểm đến mà đúng hơn là bắt nguồn từ việc tạo ra những sản phẩm chưa phù hợp với điều kiện thị trường.

Sự tăng trưởng của ngành du lịch, đặc biệt là nguồn cầu quốc tế trước đại dịch đã thúc đẩy hoạt động phát triển bất động sản nghỉ dưỡng nói chung và khách sạn nói riêng. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư vội vàng tham gia thị trường khi chưa có sự nghiên cứu thấu đáo trong quá trình hoạch định, dẫn đến tình trạng chênh lệch cung cầu tại một số điểm đến.

"Chúng tôi cũng quan sát thấy tình trạng chú trọng số lượng hơn chất lượng tại một vài dự án. Việc thiếu cân nhắc đến các yếu tố đặc điểm thị trường, xu hướng trong ngành tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các dự án được phát triển nhưng không đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách, đặc biệt khi giờ đây ngoài các điểm đến trong nước, du khách Việt Nam đã có thể du lịch nước ngoài thuận tiện, dễ dàng hơn”, Giám đốc Savills Hotels nhận định.

Nhìn chung, ngành nghỉ dưỡng hiện đang tiến hành “phục hồi” nhưng chưa thật sự “thích ứng”. Điều này thể hiện rất rõ nét trong sự thiếu cân bằng 3 yếu tố, đó là sản phẩm tốt, pháp lý tốt và giá cả tốt. Như vậy, để thị trường thật sự đi vào ổn định như trước đại dịch, điều tiên quyết là phải từng bước rút ngắn lệch pha cung - cầu.

Bùi Ly

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/khi-nao-bat-dong-san-nghi-duong-het-apos-gap-kho-apos-1096423.html