Khi Jack Ma trở lại…

Tỷ phú Jack Ma đã trở lại quê nhà Hàng Châu sau hơn một năm vắng bóng. Ngay sau đó, Alibaba đã công bố kế hoạch tái cấu trúc, phân thành sáu công ty riêng biệt trong các mảng kinh doanh khác nhau còn nhà chức trách Trung Quốc thì khởi động chiến dịch chống lại các ý đồ làm tổn hại uy tín của doanh nhân và doanh nghiệp đại lục.

Jack Ma thăm trường Yungu School do ông thành lập ở Hàng Châu năm 2017 và trao đổi với giáo viên về vai trò của ChatGPT với ngành giáo dục. Ảnh: Hangzhou Yungu School

Jack Ma thăm trường Yungu School do ông thành lập ở Hàng Châu năm 2017 và trao đổi với giáo viên về vai trò của ChatGPT với ngành giáo dục. Ảnh: Hangzhou Yungu School

Chống bôi nhọ doanh nhân, doanh nghiệp

Sự vắng mặt khá lâu của Jack Ma tại đại lục đã dấy lên làn sóng lo ngại của giới đầu tư nước ngoài về lập trường trong thời gian tới của Bắc Kinh đối với khu vực tư. Bên cạnh đó, sự giám sát ngày càng chặt của chính quyền sở tại cũng khiến giới doanh nhân quốc tịch Trung Quốc và cả nước ngoài cảm thấy bất an, sẵn sàng kế hoạch rời bỏ đại lục.

Hôm 27-3, South China Morning Post loan tin Jack Ma trở lại quê nhà sau một năm ở nước ngoài và thăm Yunggu School, một trường học liên kết đào tạo từ mầm non đến trung học được ông thành lập tại Hàng Châu năm 2017. Thông tin từ nhà trường cho biết, tỷ phú đã thảo luận với các giáo viên về tác động của ChatGPT tới ngành giáo dục.

Ngày hôm sau (28-3), Alibaba đã tuyên bố sẽ tách thành sáu công ty riêng tập trung vào lĩnh vực điện toán đám mây (Cloud Intelligence Group), thương mại điện tử (Taobao Tmall Commerce Group, Global Digital Commerce Group và Digital Media & Entertainment Group) và hậu cần (Local Service Group và Cainiao Smart Logistics).

Alibaba cho biết, năm trong sáu công ty này sẽ sớm tiến hành niêm yết. Mỗi công ty sẽ được điều hành bởi CEO và ban giám đốc riêng. Các CEO sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn về hiệu quả hoạt động của công ty. Đây là cuộc cải tổ quan trọng nhất kể từ khi tập đoàn được hình thành cách đây 24 năm.

Trong một bức thư gửi nhân viên, CEO Daniel Zhang viết: “Sự chuyển đổi này sẽ trao quyền cho tất cả các doanh nghiệp của chúng ta trở nên nhanh nhẹn hơn, nâng cao khả năng ra quyết định và cho phép phản ứng nhanh hơn với những thay đổi của thị trường”.

Sau thông báo, chứng chỉ lưu ký của Alibaba tại Mỹ đã vượt ngưỡng 95 đô la Mỹ, tăng hơn 10% chỉ trong phiên dịch sáng tại thị trường New York.

Gần như cùng lúc với tuyên bố tái cấu trúc của Alibaba, chính phủ Trung Quốc ra tuyên bố sẽ khởi động chiến dịch trấn áp “các ý đồ cố tình gây hại” với hình ảnh và danh tiếng của doanh nhân.

“Nhiều thông tin sai lệch, đặc biệt nhắm vào các doanh nghiệp tư nhân và doanh nhân đã gây tổn hại hình ảnh của doanh nghiệp, dẫn đến thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp và thiệt hại cho danh tiếng của các doanh nhân. Chính quyền trung ương rất quan tâm đến vấn đề này,” Shen Yue, quan chức cấp cao của Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC), nói trong một cuộc họp báo hôm 28-3 nhưng không nêu ra bất cứ trường hợp cụ thể nào.

Bà Shen cho biết thêm, việc tiết lộ thông tin cá nhân, bịa đặt chi tiết về cuộc sống riêng tư của các doanh nhân, thổi phồng tin tức tiêu cực hoặc bịa đặt về việc họ dính líu đến tội ác “sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc”.

Alibaba sẽ tách thành sáu công ty độc lập hoạt động ở các mảng điện toán đám mây, thương mại điện tử và hậu cần. Ảnh: Reuters

Alibaba sẽ tách thành sáu công ty độc lập hoạt động ở các mảng điện toán đám mây, thương mại điện tử và hậu cần. Ảnh: Reuters

Cuộc “chấn chỉnh” các hãng công nghệ Trung Quốc đã kết thúc?

Từ cuối năm 2020, Bắc Kinh đã bắt đầu chiến dịch rộng khắp nhằm “chấn chỉnh” các hãng công nghệ Trung Quốc. Trong đó, Alibaba đã bị phạt kỷ lục 2,8 tỉ đô la về hành vi độc quyền và kế hoạch lên sàn (IPO) khổng lồ của Ant Group, công ty con thuộc tập đoàn này đã bị đình hoãn đột ngột.

Là người thành lập cả hai công ty khổng lồ là Alibaba và Ant, Jack Ma đã giữ thái độ kín tiếng và nhã nhặn thời gian dài. Cho đến những chỉ trích thẳng thắn của Ma hồi tháng 10-2020 đã khiến Bắc Kinh không thể làm ngơ.

Alibaba, Ant và nhiều hãng đại công nghệ khác của Trung Quốc bước vào vòng xoát mới. Hãng gọi xe công nghệ Didi bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoáng New York, đồng thời bị phạt 1,2 tỉ đô la vì vi phạm các quy định bảo mật dữ liệu và các luật lệ khác. Hàng trăm tỉ đô la bị bốc hơi trên thị trường vốn, các hãng công nghệ giáo dục trực tuyến bị cấm dạy thêm vì lợi nhuận, buộc phải giải thể hoặc tìm kiếm mô hình kinh doanh khác để chờ thời.

Cuộc chấn chỉnh kéo dài hai năm có dấu hiệu kết thúc hồi tháng 2 vừa rồi. Tuy nhiên, nhà chức trách ngay sau đó đã bắt giữ Bao Fan, nhà môi giới hàng đầu các vụ sát nhập công nghệ và đồng thời là Chủ tịch của tập đoàn tài chính China Renaissance Holdings. Thị trường vốn lại thêm đợt sóng gió mới.

Nhà phân tích Linghao Bao tại hãng tư vấn Trivium China có trụ sở tại Bắc Kinh cho rằng: “Sự xuất hiện trở lại của Jack Ma là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Bắc Kinh muốn củng cố niềm tin vào khu vực tư nhân”.

Theo ông, trên thực tế, các nhà hoạch định chính sách đã nói rõ về niềm tin trong nhiều tháng qua nhưng đây không phải là thành quả của Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc. Nếu cơ quan này có thể nới lỏng chính sách dữ liệu, đó sẽ là một câu chuyện khác.

Phát biểu của nhà phân tích Bao có thể diễn giải là Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng nới lỏng vòng kim cô mà cơ quan này nắm trong tay.

Trung Quốc đang vật lộn với suy thoái kinh tế, tỷ lệ người trẻ thất nghiệp ngày càng tồi tệ và tăng lên 18,8% trong hai tháng đầu năm nay từ mức 16,7% của tháng 12-2022. Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường mới nhậm chức đã nhiều lần gửi thông điệp tích cực đến khu vực tư nhân, vốn chiếm hơn 60% GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Thực tế là tại Trung Quốc chúng ta không bao giờ biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Cuối năm 2018, ông Tập từng nói rằng khu vực tư nhân có thể yên tâm và họ sẽ chỉ có thế phát triển lớn mạnh hơn. Thế nhưng sau đó là kế hoạch dài hai năm để chấn hưng lĩnh vực công nghệ”, giám đốc điều hành của một hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc nói với Nikkei Asia.

Charles Mok, học giả thỉnh giảng của chương trình Vườn ươm chính sách công nghệ số toàn cầu tại Đại học Stanford, nói rằng tuyên bố hôm 28-3 rõ ràng là nhằm “bảo vệ hình ảnh và danh tiếng của nhà nước” trong bối cảnh nhà nước gia tăng kiểm soát các lĩnh vực kinh tế chủ chốt.

“Liệu điều đó có lấy lại được niềm tin của khu vực tư nhân hay không? Tôi nghĩ khu vực tư nhân, giới công nghệ và giới doanh nhân sẽ biết rõ hơn điều gì thực sự quan trọng với họ” ông Mok nói.

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/khi-jack-ma-tro-lai/