Khi hạ tầng bất cập cùng ý thức

Trong năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, trên các tuyến đường bộ cao tốc xảy ra 267 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 91 người, bị thương 172 người. So với thời gian trước liền kề tăng 2 vụ, tăng 30 người chết (32,97%), tăng 56 người bị thương (32,56%).

Nguyên nhân chủ yếu gây ra TNGT là do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, không tuân thủ nguyên tắc khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, hạ tầng giao thông và hệ thống báo hiệu trên cao tốc chưa hoàn chỉnh và đồng bộ.

Ám ảnh tấm giấy chứng sinh...

Sáng 11/3, tôi gọi điện cho Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT để hỏi về vụ TNGT giữa xe khách và xe tải trên cao tốc La Sơn - Cam Lộ xảy ra đêm 10/3, phía bên kia, giọng anh run run: “Thương quá, nhà báo ơi. Hai vợ chồng trẻ đi trên xe khách không qua khỏi, nhiều người bị thương. Khi anh em đưa họ ra thì trong túi áo của người vợ có giấy chứng sinh của con. Hai vợ chồng đều quê xã Bảo Nam, Kỳ Sơn, Nghệ An cùng nhiều lao động nghèo trong xã phải xa quê vào Tây Nguyên làm thuê cạo mủ cao su. Con trai mới 6 tháng tuổi phải gửi lại cho gia đình ở quê chăm sóc. Nhìn tờ giấy chứng sinh, anh em nhiều người rơi nước mắt. Xót xa quá...”, giọng Đại tá Phạm Quang Huy nghẹn lại.

Xử lý hậu quả vụ tai nạn giao thông trên cao tốc La Sơn - Cam Lộ.

Quả thật, tờ giấy chứng sinh của người mẹ trẻ - người dân tộc thiểu số, gia đình hoàn cảnh khó khăn phải vào Tây Nguyên làm thuê kiếm sống nằm trong túi áo là bằng chứng đau xót nhất cho những mất mát mà TNGT gây ra. Đứa con trai mới 6 tháng tuổi, được sinh ra ở huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum đã theo bố mẹ xa nhà đi cạo mủ cao su từ trong bào thai, mãi Tết mới được bố mẹ đưa về quê sum họp gia đình. Ngày vui ngắn chẳng tày gang khi kinh tế quá khó khăn nên anh Cụt Văn Sơn, sinh năm 2004 và Cụt Thị Phong, sinh năm 2007 - bố mẹ của cháu phải gạt nước mắt để con lại, đón xe vào Tây Nguyên kiếm sống nuôi con. Không ngờ, bố mẹ đi mãi không thể về khiến cháu trở thành mồ côi.

Trong vụ tai nạn này, Cơ quan CSĐT Công an huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với cả 2 tài xế là Lê Hoàng Quân, sinh năm 1973, lái xe khách và Phan Đình Thành, sinh năm 1988. Cơ quan công an xác định, nguyên nhân vụ tai nạn do tài xế Quân "không chú ý quan sát", tài xế Thành đỗ xe chiếm một phần đường và không đặt báo hiệu nguy hiểm theo quy định. Cụ thể, ô tô tải bị nổ lốp thứ hai bên phải nên dừng bên đường chờ xe thay lốp lưu động. Ô tô tải bật đèn tín hiệu, song đậu ra phía bên ngoài đường 1,8m, hệ thống lốp bị mòn dù còn hạn đăng kiểm. Suốt hành trình vào cao tốc, ô tô chở quá tải, tốc độ 35-40 km/h, thấp hơn nhiều so với tốc độ quy định của tuyến cao tốc. Xe khách giường nằm không có camera phía trước, hệ thống giám sát hành trình khi vào cao tốc bị mất tín hiệu, lái xe không chú ý quan sát nên không phát hiện xe tải đỗ bên đường và tông vào.

Trước đó, cũng trên cao tốc này, ngày 19/2 đã xảy ra vụ TNGT làm 3 mẹ con chị Lê Thị Hạnh, sinh năm 1983 và 2 con là Phan Lê Khánh Vân, sinh năm 2009 và Phan Đình Quang, sinh năm 2015 cùng trú tại phố Tân Cộng, phường Đông Tân, TP Thanh Hóa tử vong. Vụ tai nạn khiến gia đình anh Phan Đình Quý tan nát khi mất cả vợ lẫn con. Chú anh Quý - người cầm lái chiếc ô tô 7 chỗ là Phan Đình Kiều vướng vòng lao ý vì lái xe vượt ẩu gây tai nạn. Đám tang đẫm nước mắt của 3 mẹ con chị Hạnh khiến mọi người bàng hoàng đau xót bởi sự quá đỗi thảm khốc của TNGT, là mất mát không gì bù đắp đối với những người ở lại.

Các vụ tai nạn thảm khốc trên, nguyên nhân chính thuộc về các lái xe bởi họ đã thiếu quan sát, không làm chủ tốc độ... Tuy nhiên, Cơ quan công an cũng đã xác định, việc dẫn đến 2 vụ tai nạn có một phần nguyên nhân do những bất cập về hạ tầng giao thông. Cụ thể, trên toàn tuyến không có làn dừng xe khẩn cấp, khoảng 10 km mới có dải dừng khẩn cấp nên phương tiện hư hỏng không có chỗ đỗ chờ cứu hộ; có nhiều điểm kết thúc vượt có thiết kế nền đường theo kiểu bó hẹp, thắt cổ chai...

Ngoài ra, cũng trong thời gian qua, trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai xảy ra vụ TNGT chấn động dư luận khi những người có trách nhiệm đã không hoàn thành nhiệm vụ khi để người dân tự ý mở đường vào cao tốc, không kiểm soát phương tiện dẫn đến 6 thanh, thiếu niên tự ý đi xe máy vào cao tốc, chạy ngược chiều, va chạm với xe tải chở rác khiến 4 cháu tử vong.

Lực lượng chức năng bắt giữ đối tượng phạm tội trên cao tốc.

Điểm mặt các cao tốc chưa đảm bảo an toàn

Thượng tá Lê Quang Hòa, Trưởng Phòng Hướng dẫn, điều khiển giao thông và dẫn đoàn, Cục CSGT cho biết: "Chúng tôi khảo sát, xác định 9 tuyến chưa đảm bảo tiêu chuẩn cao tốc nhưng vẫn khai thác cao tốc, đặc biệt, cao tốc Lào Cai đã khai thác thu phí 10 năm nay rồi, chỉ có 2 làn, đến nay 2024 vẫn chưa có kế hoạch mở rộng và không biết bao giờ mới mở rộng. Cao Bồ - Mai Sơn khi có tai nạn, chúng tôi không vào được, không có đường vào để thực hiện nhiệm vụ vì không có làn dừng khẩn cấp; nhiều cao tốc mở đường cho phương tiện vào, điển hình như cao tốc Nội Bài - Lào Cai dẫn đến việc các cháu thanh, thiếu niên đi xe máy vào dẫn đến tai nạn chết người... Nhiều cao tốc không có đường gom, không có hầm chui, đường dân sinh dẫn đến người dân không còn đường lưu thông nên đi lên cao tốc... Chúng tôi làm nhiệm vụ trên cao tốc nhưng không có chỗ làm việc, không có chỗ nghỉ ngơi".

Thượng tá Lê Quang Hòa cho biết thêm, đối với những đoạn, tuyến không có dải phân cách cứng ở giữa, nguy cơ TNGT, đối với những tuyến không có làn dừng khẩn cấp, khi có sự cố, tai nạn khó xử lý ngay và dễ gây tai nạn liên hoàn, ùn tắc kéo dài, đồng thời kiến nghị các tuyến cao tốc chưa đủ điều kiện an toàn thì phải hạ cấp khai thác.

Qua khảo sát 11 tuyến cao tốc và đoạn La Sơn - Cam Lộ, Cục CSGT đã phát hiện 7 đoạn, tuyến chưa đảm bảo an toàn đường cao tốc ngay từ khi xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng như không có dải phân cách cứng, không có làn dừng xe khẩn cấp hoặc có nhưng chưa đảm bảo về rộng đủ tiêu chuẩn, không đảm bảo hệ thống chiếu sáng ban đêm, tầm nhìn hạn chế... Những thiếu sót, bất cập này đã xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng và nhiều vụ va chạm khác.

Cụ thể, tuyến Nội Bài - Lào Cai, đoạn từ Km 123 đến Km 262 + 300 hiện có 2 làn đường xe chạy, 2 làn dừng xe khẩn cấp nhưng không có dải phân cách giữa, chỉ bố trí các đoạn vượt xe; có nhiều điểm người dân tự mở đường vào thẳng cao tốc. Đoạn Cao Bồ - Mai Sơn - QL 45 (từ Km 259 + 100 đến nút giao QL 45) có 4 làn đường xe chạy, có dải phân cách giữa nhưng không có làn dừng xe khẩn cấp, khoảng cách 4-5 km bố trí 1 điểm dừng xe khẩn cấp. Các tuyến: Trung Lương - Mỹ Thuận (từ Km 39 + 750 đến Km 100 + 126); Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Nha Trang - Cam Lâm đều không có làn dừng xe khẩn cấp trên tuyến, không có hệ thống chiếu sáng (chỉ có ở những điểm lên, xuống), khoảng 4-5 km bố trí 1 dải dừng xe khẩn cấp, ban đêm tầm nhìn hạn chế.

Tuyến Hà Nội - Thái Nguyên đoạn từ Km 26 + 100 đến Km 62 + 200 hiện bề rộng làn đường xe chạy là 3,5 m, làn dừng xe khẩn cấp là 1,5 m, không đảm bảo bề rộng dừng xe theo quy định (tiêu chuẩn cao tốc cho phép tốc độ tối đa 100 km/h thì làn đường xe chạy là 3,75 m, làn dừng khẩn cấp tối thiểu 3 m). Đặc biệt, trên cao tốc La Sơn - Cam Lộ - nơi vừa xảy ra 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận những ngày qua thì chỉ có 2 làn xe, rộng đường 23 m, không có dải phân cách giữa, không có làn dừng khẩn cấp, cứ 10 km bố trí 1 đoạn vượt xe quy mô 4 làn xe. Đoạn đường này được Cục CSGT xác định tiêu chuẩn chỉ tương đương đường cấp III đồng bằng...

Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường một vụ tai nạn.

Giải pháp nào đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông?

Đảm bảo an toàn giao thông, giảm tai nạn, bảo vệ sự bình yên của người dân mỗi khi ra đường là trăn trở của lãnh đạo Bộ Công an trong suốt thời gian vừa qua, đặc biệt là Bộ trưởng Tô Lâm và Thứ trưởng Nguyễn Văn Long. Đồng chí Bộ trưởng nhiều lần chia sẻ, giảm đi 1 người chết do tai nạn là giảm đi 2 gia đình, 2-3 đứa trẻ không bị mất cha mẹ, 4 người bố mẹ không mất con, cũng không có người phải tù tội do gây tai nạn chết người. Giảm 1 người bị thương là gia đình, xã hội giảm chi phí điều trị, là không có người bị tàn tật, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Bản thân tôi cũng từng gặp không ít gia đình có người thân bị TNGT, ám ảnh nhất vẫn là hình ảnh cặp vợ chồng già gần 80 tuổi hằng ngày phải phục vụ cậu con trai duy nhất chưa con cái bị TNGT nằm liệt suốt gần 20 năm trời ở Hiệp Hòa, Bắc Giang. Người con trai là niềm hi vọng của cả họ vì là con độc đinh nối dõi tông đường. Hai ông bà cưới nhau, chạy chữa gần 10 năm mới có mụn con duy nhất, thế mà vừa cưới vợ hôm trước, hôm sau cậu con trai bị ô tô cán qua người, dẫn đến bị liệt. Người vợ chưa con cái gì, không chịu được cảnh chăm chồng nên đã từ bỏ, để lại cho hai ông bà già chăm nom. Bà mẹ thở dài, “nếu chúng tôi chết đi, không biết gửi cháu vào đâu...”. Hay như ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, người mẹ già phải rửa bát thuê để nuôi 2 đứa cháu mồ côi do bố mẹ để lại sau vụ TNGT... Họ đều đáng thương đến mức xót xa, không nói nên lời. Nhìn họ, hẳn ai cũng ước ao, giá như không có những vụ TNGT kia, hẳn cuộc đời họ đã khác rất nhiều...

Thực hiện công tác giám sát, kiểm tra đảm bảo an toàn giao thông.

Bộ Công an đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo an toàn giao thông như tuần tra kiểm soát khép kín, tập trung vào những nguyên nhân chính gây TNGT; khảo sát, kiến nghị khắc phục những bất cập trong tổ chức giao thông; đầu tư hiện đại hóa hệ thống kiểm soát giao thông... Lực lượng CSGT cũng đã nỗ lực rất lớn, làm xuyên đêm, xuyên Tết, không có ngày nghỉ, không có vùng cấm để đảm bảo cho người dân an toàn mỗi khi ra đường. Nhờ đó, TNGT giảm nhưng vẫn còn xảy ra, đặc biệt là TNGT trên các tuyến cao tốc bởi đặc điểm phương tiện đi tốc độ cao nên tai nạn thường thảm khốc.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, Nhà nước cần ưu tiên phát triển đồng bộ hơn nữa hạ tầng giao thông trên cao tốc đường bộ, đảm bảo đúng tiêu chuẩn mới đưa vào khai thác sử dụng đồng bộ. Đối với những đoạn, tuyến cao tốc trong giai đoạn phân kỳ (chưa đạt chuẩn cao tốc) cần phải nhanh chóng hoàn thiện để đạt chuẩn; cần xây dựng quy định tiêu chuẩn cao tốc theo quy chuẩn. Công tác đào tạo, cấp, đổi giấy phép lái xe cần thay đổi, bổ sung, nâng cao chất lượng đào tạo. Giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị quản lý hạ tầng trên đường bộ cao tốc phải chủ động khắc phục sự cố hạ tầng kỹ thuật nếu có nguy cơ mất an toàn...

Phương Thủy

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/khi-ha-tang-bat-cap-cung-y-thuc-i726357/