Khi giờ học không chỉ trong lớp học

Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã tạo không gian học tập mở cho học sinh bằng những chuyến đi về nguồn ngay trên đất Đồng Nai, giúp các em có thêm nhiều hiểu biết về truyền thống cách mạng và vẻ đẹp của quê hương mình.

Học sinh Trường THCS Lê Văn Tám (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) trong chuyến đi trải nghiệm ngoài trường học. Ảnh: C.Nghĩa

Hiệu trưởng Trường THCS Võ Nguyên Giáp (TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom) Trịnh Thị Thoa chia sẻ: “Mỗi năm học, nhà trường thường tổ chức ít nhất 1-2 chuyến đi cho học sinh về nguồn tại các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Quá trình tổ chức các chuyến đi được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn của phụ huynh, bởi đôi khi chính cha mẹ cũng không có điều kiện để dẫn các em đến những nơi này”.

* Học không chỉ trên sách

Theo Hiệu trưởng Trịnh Thị Thoa, sẽ thật sự thiệt thòi và mất đi cơ hội làm giàu kiến thức lịch sử văn hóa cho học sinh khi ngay trên mảnh đất này có rất nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Chẳng hạn, không cần đi xa, tại Trảng Bom cũng có nhiều điểm như: Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1, Đền thờ Vua Hùng. Hay đi xa hơn một chút là TP.Biên Hòa với Bảo tàng Đồng Nai, Di tích Nhà xanh… Đây chính là những kho tàng kiến thức giúp các em mở rộng tầm nhìn hướng về quá khứ để trân trọng hiện tại và thêm yêu đất nước mình hơn.

Em Lê Kim Hà, học sinh Trường THCS Nguyễn Hữu Cảnh (xã Cây Gáo, H.Trảng Bom) cho biết, em đã có dịp đến tham quan và tìm hiểu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 của huyện nhiều lần. Nhờ những chuyến đi như vậy đã giúp việc học môn Lịch sử của em trở nên dễ dàng và hấp dẫn hơn, nhất là khi được đến tận nơi tìm hiểu và tự mình ghi lại những bức ảnh hay đoạn clip để về giới thiệu cho bạn bè.

Tổng phụ trách Đội Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Bảo Bình, H.Cẩm Mỹ) Trần Văn Lập hào hứng chia sẻ, trường ở huyện vùng sâu, vùng xa nhưng học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo không nghèo về kiến thức lịch sử văn hóa địa phương. Có được điều đó là nhờ những chuyến đi về nguồn ở nhiều “địa chỉ đỏ” từ trong đến ngoài huyện.

Thầy giáo Lập cho biết thêm, nhà trường thường xuyên tạo điều kiện cho học sinh được bước ra không gian học tập ngoài nhà trường thông qua những chuyến đi đến các “địa chỉ đỏ” từ gần đến xa. Chẳng hạn, lễ kết nạp Đội, hay kết nạp Đoàn cho học sinh thường được tổ chức tại Đền thờ liệt sĩ huyện. Hay trong năm học, các em còn được tổ chức đi tham quan Văn miếu Trấn Biên, Bảo tàng Đồng Nai tại TP.Biên Hòa…

“Trước mỗi chuyến đi, chúng tôi thường yêu cầu các em học sinh lên mạng, hoặc đến thư viện trường tìm hiểu trước về điểm đến. Còn trong ngày đi, chúng tôi yêu cầu các em chuẩn bị giấy bút, những em có điều kiện hơn có thể tự quay phim, chụp hình để về xây dựng thành bài thu hoạch báo cáo trước lớp. Chính các em cũng có thể trở thành những tuyên truyền viên quảng bá lịch sử đến với cộng đồng thông qua đăng tải hình ảnh chuyến đi trên mạng xã hội” - thầy Lập cho hay.

* Kết nối những địa chỉ đỏ

Hiệu trưởng Trường THCS Tam Phước (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) Phạm Thị Nam chia sẻ, giáo dục hiện đại ngày càng khuyến khích giáo viên đưa học sinh đến gần với thực tế hơn, trong khi thực tế lịch sử văn hóa của mảnh đất Biên Hòa - Đồng Nai có cả chục chuyến đi cũng không thể khám phá hết. Điều quan trọng là qua mỗi chuyến đi giúp thay đổi không khí học tập, tạo hứng khởi cho cả giáo viên lẫn học trò, giúp các em ý thức hơn với môn học Lịch sử, trân trọng hơn quá khứ hào hùng của ông cha để lại.

Hiệu trưởng Phạm Thị Nam cho hay, vào đầu học kỳ II vừa qua, nhà trường tổ chức cho học sinh đến Văn miếu Trấn Biên dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền nhân. Chuyến đi đã thành công ngoài mong đợi khi được hướng dẫn viên của Văn miếu Trấn Biên giới thiệu tận tình, tỉ mỉ về di tích lịch sử này. Thậm chí, hướng dẫn viên còn giúp nhà trường tổ chức một mini game với những câu hỏi thú vị về Văn miếu Trấn Biên, qua đó các em có cảm giác như mình đang được học một giờ học Lịch sử vô cùng sinh động nhưng không phải trong lớp học thường ngày.

Chị Nguyễn Thị Thu An, phụ huynh có con học tại Trường THCS Quyết Thắng (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho hay, sống giữa thành thị nhưng chị ít để ý đến các điểm tham quan trong thành phố cho đến khi con được nhà trường cho đi tham quan về giới thiệu cho cả gia đình. Nhận thấy sống gần những kho tàng kiến thức lịch sử mà bỏ qua sẽ là khiếm khuyết nên gần đây, mỗi lần có dịp, vợ chồng chị lại tổ chức cho các con đi tham quan tìm hiểu. Chính nhờ những chuyến đi này mà con chị trở nên thích thú hơn với chuyện học tập, mạnh dạn hơn khi giao tiếp với mọi người xung quanh.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng Nai Trần Đăng Ninh cho biết, Đồng Nai có rất nhiều điểm tham quan du lịch mà các trường học có thể tự tổ chức thành các tuyến với nhiều điểm đến trong 1 buổi hoặc 1 ngày. Chẳng hạn, các trường có thể tổ chức cho học sinh đi tham quan trong 1 ngày với những địa chỉ quen thuộc như: Bảo tàng Đồng Nai, Văn miếu Trấn Biên và nghỉ ngơi, sinh hoạt trò chơi lớn tại Khu du lịch Bửu Long. Hay các trường cũng có thể liên kết các điểm đến trong hành trình hướng về Chiến khu Đ với Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (xã Tân An, H.Vĩnh Cửu) - Trung ương Cục miền Nam và đi ngang qua công trình Thủy điện Trị An…

Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH:

Chương trình giáo dục phổ thông mới khuyến khích học sinh trải nghiệm

Một trong những điểm thuận lợi là chương trình giáo dục phổ thông mới khuyến khích học sinh trải nghiệm, càng thuận lợi hơn khi các “địa chỉ đỏ” là những di tích lịch sử của Đồng Nai không ở quá xa và hầu hết đều phục vụ học sinh miễn phí vào tham quan, tìm hiểu. Lợi ích của mỗi chuyến đi đối với học sinh rất lớn, có giá trị gấp nhiều lần những buổi học chỉ gói gọn trong sách giáo khoa hay chỉ xem qua sách báo, internet.

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202303/khi-gio-hoc-khong-chi-trong-lop-hoc-3161906/