Khi em là con bộ đội!

Trẻ em có vai trò đặc biệt đối với gia đình và xã hội. Thế nhưng là con bộ đội thì có gì khác biệt? Làm thế nào để chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong các gia đình quân nhân một cách toàn diện? Đó là những vấn đề xoay quanh buổi tọa đàm 'Em là con bộ đội' do Hội Phụ nữ cơ sở Khoa Văn hóa, Ngoại ngữ và Hội Phụ nữ cơ sở liên hệ, tiểu đoàn, Trường Sĩ quan Chính trị vừa tổ chức.

Điểm đặc biệt của buổi tọa đàm “Em là con bộ đội” với nhân vật chính là trẻ em-các cháu đại diện cho con em cán bộ, hội viên của hai hội phụ nữ cơ sở. Ở đây, các em đã thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ của mình về niềm vinh dự, tự hào cũng như những khó khăn, vất vả, thiệt thòi khi là con bộ đội và sự nỗ lực cố gắng của bản thân trong quá trình học tập.

Cháu Trần Ngọc Quý (14 tuổi, con của Đại úy QNCN Nguyễn Thị Hồng Xuyến, nhân viên Tiểu đoàn 5) tâm sự: Điều cháu tự hào nhất là đã học hỏi từ mẹ ý chí quyết tâm cố gắng vượt qua mọi khó khăn. Vì thế, cháu luôn phấn đấu vừa học tập tốt, vừa giúp đỡ công việc gia đình để bố mẹ đỡ vất vả. Còn cháu Nguyễn Đức Khuê (13 tuổi, con Thiếu tá Vũ Thị Ngát, giảng viên Khoa Văn hóa, Ngoại ngữ) lại có những chia sẻ đầy xúc động: “Cách đây 6 năm, khi cháu học lớp 1, em trai cháu vừa tròn 2 tuổi, mẹ cháu phải đi huấn luyện quân sự 4 tháng, bố cháu đang đi thực tế ở xa. Bố mẹ gửi em trai về quê, gửi cháu ở nhà bác Huyền (đồng đội cùng Khoa Văn hóa, Ngoại ngữ) vì cháu phải đi học. Có những lúc nhớ bố mẹ, cháu trốn vào một góc ngồi khóc một mình. Được bác Huyền và các anh, em nhà bác động viên nên cháu cố gắng hơn. Bây giờ, mỗi khi bố hay mẹ đi công tác xa, anh em đều cố gắng bảo ban nhau học tập và làm việc nhà để bố mẹ yên tâm. Cháu thấy khi được là con bộ đội, chúng cháu mạnh mẽ hơn rất nhiều. Cháu mong muốn lớn lên trở thành bộ đội để tiếp bước bố mẹ, bảo vệ Tổ quốc”.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều ý kiến của các em chia sẻ trong buổi tọa đàm, qua lăng kính đầy hồn nhiên, ngây thơ, chân thành của chính các em, những người trong cuộc, khi có bố hoặc mẹ là bộ đội, chúng ta thấy được phần nào suy nghĩ, mong muốn của các em. Cũng tại buổi tọa đàm, cán bộ, hội viên hai hội phụ nữ đã có dịp lắng nghe chia sẻ của những nữ quân nhân mà chính họ là con bộ đội, giờ đây đang tiếp bước thế hệ đi trước trở thành đồng chí, đồng đội sát cánh bên nhau.

Cán bộ, hội viên phụ nữ và các cháu là con quân nhân tham gia tọa đàm "Em là con bộ đội".

Thượng úy Bùi Thị Nhung, giảng viên Khoa Văn hóa, Ngoại ngữ bày tỏ: “Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống bộ đội. Ông nội tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông ngoại trực tiếp tham gia chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị, bố và các cậu đều là quân nhân. Ký ức tuổi thơ của tôi là những tháng ngày bố biền biệt xa nhà, mọi công việc đều một tay mẹ lo toan vất vả. Giờ đây cả tôi và em gái đều khoác lên mình màu xanh áo lính, tiếp nối truyền thống gia đình. Tôi cảm thấy vô cùng tự hào vì ngay từ nhỏ đã có mơ ước được trở thành người lính. Điều mà tôi trân trọng và tự hào nhất khi là con bộ đội là tôi luôn được giáo dục từ nhỏ tính kỷ luật và ý chí quyết tâm. Vì thế, tôi luôn phấn đấu hết sức mình trong công việc và cuộc sống để phát huy truyền thống gia đình”.

Ở một khía cạnh khác, các hội viên phụ nữ-bản thân là quân nhân, có con cũng đang là quân nhân đã chia sẻ những niềm vui, niềm tự hào về gia đình quân nhân đúng như câu thơ “Lớp cha đi trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành”. Thiếu tá QNCN Vũ Thị Thanh Thúy, nhân viên Tiểu đoàn 11, có chồng và con trai cũng là quân nhân bộc bạch: "Thật tự hào và cũng thật thú vị khi trong gia đình, chúng tôi là vợ chồng, là cha-con, mẹ-con; nhưng trong đơn vị, chúng tôi là đồng chí, đồng đội. Vì vậy, giữa các thành viên trong gia đình luôn có sự thấu hiểu, sẻ chia cùng nhau, động viên, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ".

Trong không khí cởi mở, chân thành của buổi tọa đàm, các cán bộ, hội viên phụ nữ đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm chăm sóc gia đình, chăm sóc con trẻ, nhất là việc bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ, thách thức mới ngoài xã hội, để các con luôn được hưởng trọn vẹn tình yêu thương, được phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Gia đình luôn giữ yếu tố quyết định đối với việc nuôi dưỡng, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Cha mẹ và các thành viên trong gia đình là người đặt những viên gạch đầu tiên trong việc hình thành nhân cách, tạo dựng ngôn ngữ, thói quen, hành vi đạo đức, hình thành ước mơ, hoài bão, ý chí khát vọng... cho trẻ em. Vì vậy, qua những tâm sự, sẻ chia của các cháu là con quân nhân; của những cán bộ, hội viên phụ nữ tiếp nối truyền thống gia đình đã đem đến nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, để mỗi chúng ta càng thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trong việc hình thành nhân cách, nuôi dưỡng ước mơ cho con trẻ và vun đắp tổ ấm gia đình.

Bài và ảnh: TRIỆU THU THỦY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/khi-em-la-con-bo-doi-732919