Khi du lịch phát triển nóng ở Lý Sơn

Sau hai năm có điện lưới quốc gia, du khách đổ về khám phá huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) ngày càng đông.

Nhu cầu sử dụng dịch vụ tăng vụt, người dân ồ ạt xây nhiều công trình nhà ở cùng hàng loạt nhà nghỉ, khách sạn, tự ý san lấp và chiếm dụng làm hàng quán, nhà ở khi tuyến đường bờ kè cơ động quanh đảo được xây dựng. Tất cả đã và đang khiến “đảo ngọc” này dần mất đi vẻ nguyên sơ vốn có.

Vẻ đẹp hoang sơ của đảo Lý Sơn

Đến với Lý Sơn, du khách không chỉ được tham quan các danh lam thắng cảnh như hòn Mùa cu, hang Câu, núi Thới Lới, Cổng tò vò… mà còn được tìm hiểu về lịch sử, quá trình hình thành và phát triển của Hải đội Hoàng Sa. Đặc biệt, nơi đây ngày càng có nhiều hình thức lưu trú hấp dẫn.

Nếu đã chán ngán ở trong các khách sạn 4 – 5 sao đắt tiền, bạn có thể chọn nhà nghỉ, ở homestay cùng người dân hay có thể tự lựa chọn cắm trại tại đảo bé Lý Sơn. Đây cũng chính là những trải nghiệm khá tuyệt vời mà Lý Sơn mang lại cho các du khách ưa khám phá.

Theo khảo sát của tỉnh Quảng Ngãi, đa phần khách đến Lý Sơn đều có tình yêu với biển đảo quê nhà, có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh hải của đất nước trên Biển Đông nên đã dành cho Lý Sơn tình cảm đặc biệt. Cùng với đó, huyện đảo Lý Sơn còn khá nguyên sơ với nhiều cảnh đẹp, nhiều di tích văn hóa, lịch sử gắn liền với lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đặc biệt là lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là lễ hội độc đáo, duy nhất chỉ có tại đảo Lý Sơn.

Khoảng hai năm gần đây, từ khi có điện lưới quốc gia, có thể nói, du lịch Lý Sơn phát triển như vũ bão. Thống kê của huyện Lý Sơn, năm 2016, Lý Sơn, đón gần 165.000 lượt khách. 9 tháng đầu năm, hơn 246.000 lượt khách đã đến địa phương tham quan du lịch, tăng hơn 52.000 lượt khách so với cùng kỳ năm ngoái. Lẽ ra, đây là con số đáng mơ ước đối với bất kỳ điểm đến nào.

Tuy nhiên, việc du khách đến quá ồ ạt đã khiến ngành du lịch nơi đây rơi vào thế bị động dẫn tới tình trạng các khu dịch vụ mọc lên tùy tiện. Những ngôi nhà bám lề đường, quay lưng ra biển, thậm chí biến thành homestay tự phát không khác gì những nhà trọ cấp thấp ở đất liền. Đê chắn sóng mọc lên sừng sững, che hết tầm nhìn của du khách khiến vẻ đẹp tự nhiên bao la của biển cả dường như bị thu hẹp.

Chướng mắt nhất vẫn là hàng loạt quán xá tạm bợ mọc lên, te tua và lụp xụp cạnh một số di tích gây phản cảm cho du khách. Đặc biệt, việc nâng cao, mở rộng bãi tắm, đổ đất đá làm đường, xây kè, xây công trình cao tầng trong khu vực di sản hoặc cận kề di sản đã phá vỡ giá trị di sản, hạ cấp di sản, làm hỏng nguồn tài nguyên du lịch độc đáo, hiếm có.

Các chuyên gia đều cho rằng, để du lịch Lý Sơn phát triển bền vững, chính quyền địa phương cần thận trọng trong việc đầu tư các công trình, nhất là giao thông, đồng thời phải làm quy hoạch chi tiết về phát triển du lịch. Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, Lý Sơn cần phát triển hình thức du lịch cộng đồng để người dân được hưởng lợi. Nếu cho quá nhiều doanh nghiệp xây khách sạn, resort, khu giải trí thì người dân đất đảo không chỉ mất đất đai mà còn có nguy cơ trở thành người làm thuê trên chính mảnh đất của họ.

Bởi, theo TS. Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VHTT&DL Quảng Ngãi, huyện đảo Lý Sơn hiện có bốn khách sạn, hơn 30 nhà nghỉ và hàng chục hộ dân làm homestay phục vụ khách du lịch. Tổng số có 109 cơ sở kinh doanh lưu trú với gần 650 phòng… Do vậy, thời gian tới, tỉnh không nên cho xây thêm bất cứ khách sạn nào trên đảo Lớn lẫn đảo Bé Lý Sơn. Hơn thế, huyện đảo Lý Sơn có diện tích chỉ gần 10 km2 với dân số gần 22.000 người nên nhu cầu đất đai phục vụ dân sinh rất lớn.

Mồ mả dày đặc tại các nghĩa địa và trên các sườn núi... Chính vì thế, nếu cứ xây dựng công trình trái phép phục vụ du lịch một cách thiếu hiểu biết như hiện nay thì lo ngại rằng, vài chục năm tới, đi đến đâu ở huyện đảo Lý Sơn cũng gặp nghĩa địa của người chết.

Hiện, Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu cơ quan chức năng không cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án ở huyện đảo Lý Sơn, chờ quy hoạch xây dựng hoàn thành là cấp thiết. Trước mắt, huyện đảo cần tháo dỡ công trình xây dựng trái phép ở chùa Đục, giải tỏa các hàng quán xung quanh cổng Tò Vò, không cho xây dựng lều quán ở di tích chùa Hang, Hang Câu...

Các chuyên gia văn hóa, du lịch đều cho rằng, huyện Lý Sơn cần ưu tiên phát triển du lịch, dịch vụ nhưng chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, di sản địa chất núi lửa quý giá trên địa bàn mang lại thu nhập cho người dân. Địa phương cần chú trọng phát triển kinh tế biển, quy hoạch lại diện tích trồng hành, tỏi hợp lý và ứng dụng khoa học tăng năng suất, chất lượng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; tập trung xử lý tốt môi trường, trồng rừng tăng bóng mát, tạo cảnh quan sinh thái.

Đồng thời, trong quy hoạch tổng thể cần có quy hoạch xây dựng nghĩa trang nhân dân để quy tập, di dời mồ mả, vừa tạo quỹ đất, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường không ảnh hưởng đến cảnh quan huyện đảo.

Minh Thắng

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/khi-du-lich-phat-trien-nong-o-ly-son-68498.html