Khi điện ảnh Việt hội nhập…

Một trong những mục tiêu trong thực hiện Chiến lược Phát triển Điện ảnh đến năm 2030 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung là phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế. Đặc biệt, từng bước phấn đấu xây dựng ngành điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo vị thế trên trường quốc tế.

Điều này cũng phù hợp và đúng định hướng với những nội dung và giá trị mà Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã đặt ra với những nguyên tắc cơ bản: Dân tộc, đại chúng và khoa học.

Để hiện thực hóa các mục tiêu và định hướng đã đề ra, điện ảnh Việt cần làm thế nào để không đánh mất mình trong các biến động lịch sử, và trong cuộc va chạm văn hóa giữa quá trình mở cửa của một xã hội Á Đông?

Tiến tới các Liên hoan phim quốc tế

Câu chuyện hội nhập của Điện ảnh Việt Nam phải kể tới sự nỗ lực trong việc tổ chức các Liên hoan phim (LHP) quốc tế trong nước hay mang phim Việt Nam tham dự các LHP ở nước ngoài. Nhất là khi Luật Điện ảnh 2022 được ban hành đã nới lỏng công tác tổ chức LHP. Trước đây liên hoan phim quốc tế chỉ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, nay các liên hoan phim, tuần phim, cuộc thi, có thể do bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp tổ chức.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh nhận bằng khen với phim “Hoa nhài” tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI.

Theo thông tin mới nhất từ bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh: "Được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong thủ tục xin phép trước đây và được sự chấp thuận của UBND TP.Hồ Chí Minh, thành phố sẽ tổ chức LHP ngắn lần đầu tiên trong năm nay. Nội dung này sẽ là một bước khởi động cho năm 2024, chúng tôi đã xây dựng đề án và gửi đến các cơ quan thẩm quyền, để lần đầu tiên tổ chức LHP Quốc tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ nhất. LHP lần này xác định sẽ cố gắng xây dựng thành thương hiệu riêng để có thể trở thành điểm đến thường kỳ, qua đó phát triển du lịch và phát triển kinh tế xã hội của TP. Hồ Chí Minh".

Như vậy, ngoài LHP Việt Nam tổ chức định kỳ 2 năm một lần và mang tính “nội địa”, Việt Nam sẽ có 3 LHP quy mô quốc tế, gắn với tên gọi các thành phố lớn. Đó là LHP quốc tế Hà Nội (định kỳ 2 năm một lần, đã tổ chức được 6 lần), LHP châu Á Đà Nẵng (đã tổ chức lần đầu tiên vào tháng 5 vừa qua) và LHP quốc tế TP. Hồ Chí Minh (dự kiến thường niên).

Thực tế, tại các quốc gia có công nghiệp văn hóa phát triển, điện ảnh luôn được coi trọng hàng đầu, chiếm lĩnh vị trí trung tâm, trọng yếu. Để giới thiệu các sản phẩm điện ảnh, không nơi nào thuận lợi hơn các LHP. Do vậy, việc tập trung xây dựng thương hiệu LHP có vai trò rất quan trọng trong hoạt động hội nhập văn hóa. Nhất là trong bối cảnh Đề án “Quảng bá thương hiệu quốc gia - Liên hoan phim Việt Nam” đặt mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030, được Thủ tướng phê duyệt năm 2018 tại Quyết định 1755.

Theo thống kê của Cục Điện ảnh, hơn 10 năm trở lại đây, mỗi kỳ LHP của Việt Nam với đầy ắp các sự kiện bên lề đều đón trên dưới 1.000 đại biểu, số lượng khán giả xem trực tiếp và giao lưu với nghệ sĩ đạt từ 3.000-12.000 lượt người, còn khán giả tham dự tuần phim cũng ở số lượng lớn từ 8.000-15.000 người. Đó còn chưa kể, các LHP còn là cơ hội tìm kiếm nguồn đầu tư không giới hạn, nhất là đối với các nhà làm phim trẻ, độc lập. Như trong khuôn khổ LHP châu Á Đà Nẵng 2023 diễn ra hồi tháng 5 vừa qua với sự đồng hành của quỹ APSA - đây là quỹ được lập ra để nuôi dưỡng và hỗ trợ những nhà làm phim tài năng. Mỗi năm quỹ này có 4 khoản tài trợ trị giá 25.000 USD cho các nhà làm phim. Lâu nay, APSA đã cung cấp hơn 1,3 triệu USD cho 53 dự án từ 27 quốc gia.

Bà Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đánh giá: “LHP là hoạt động kéo điện ảnh hội nhập với châu lục và thế giới một cách nhanh nhất. Bởi cùng lúc, chúng ta có thể mời nhiều bạn bè, những nhà làm phim, chuyên gia hàng đầu, ngôi sao trong lĩnh vực điện ảnh khu vực. Chúng ta có cơ hội cọ xát, học hỏi đồng nghiệp quốc tế, trao đổi để hiểu tầm quan trọng và xu hướng phát triển công nghiệp điện ảnh như thế nào, cố gắng quảng bá hình ảnh của chúng ta, có cơ chế thuận lợi cho đoàn làm phim vào, cũng như là nhịp cầu giữa điện ảnh Việt và điện ảnh nước bạn”.

Với nhiều nền điện ảnh phát triển trên thế giới, nơi xây dựng được những LHP danh giá, có lịch sử lâu đời đã mang lại những nguồn lợi khổng lồ cho đời sống văn hóa, kinh tế bên cạnh việc thúc đẩy điện ảnh phát triển. NSƯT Đặng Tất Bình - nguyên Giám đốc Hãng phim truyện 1 Việt Nam, thừa nhận, xây dựng được thương hiệu cho LHP là điều không dễ dàng. LHP uy tín phải quy tụ được những bộ phim hay, những nhà làm phim xuất sắc, giải thưởng chất lượng… đặc biệt là công tác tổ chức của đội ngũ chất lượng, cùng với dàn giám khảo uy tín, có chuyên môn.

Đi tìm chính mình trong biến động hội nhập

Thực tế, câu chuyện hội nhập điện ảnh đã được những người làm quản lý, giới làm phim trong nước kỳ vọng và nhắc đến trong suốt gần một thập kỷ qua. Với lĩnh vực văn hóa luôn có một mệnh đề quan trọng là "Hòa nhập nhưng không hòa tan", điều này càng đúng với điện ảnh. Hội nhập thể hiện khát khao vươn lên của điện ảnh Việt, nhưng đồng thời cũng là lời nhắc nhở về việc giữ gìn bản sắc, chất dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa.

Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2023 được tổ chức với khẩu hiệu “Điện ảnh Việt Nam và châu Á - Hợp tác phát triển”. Ảnh: Nguyễn Đông.

Là người từng tham dự, ngồi ghế giám khảo tại các LHP quốc tế uy tín, đạo diễn Đào Bá Sơn khắng định, ban tổ chức các LHP quốc tế rất tôn trọng và đánh giá cao những bộ phim nào mang đậm sắc bản sắc dân tộc ấy, quốc gia ấy. Đơn giản như điện ảnh Ấn Độ, tại sao chỉ nghe tiếng nhạc người ta biết ngay đó là phim Ấn Độ? Điều đó đồng nghĩa là, điện ảnh Việt muốn chinh phục quốc tế phải có những bộ phim mang đậm bản sắc Việt Nam.

Nhìn lại LHP châu Á Đà Nẵng 2023, 8 phim truyện điện ảnh dự thi (gồm: “Em và Trịnh”, “Memento Mori: Đất”, “Maika: Cô gái đến từ hành tinh khác”, “Đêm tối rực rỡ, 1990”, “Cô gái từ quá khứ”, “Thanh Sói - Cúc dại trong đêm”, “Nhà bà Nữ”) - phần lớn mới chỉ vẽ nên một bức tranh phim Việt rặt màu thị trường, rất ít những tiếng nói riêng, góc nhìn mới lạ - thứ tạo nên cá tính của một nền điện ảnh trên bước đường hội nhập.

Ngay cả với thành tích doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, với 10 dự án điện ảnh nội địa (gồm: “Nhà bà Nữ”, “Chị chị em em 2”, “Siêu lừa gặp siêu lầy”, “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh”, “Con Nhót mót chồng”…) cũng chưa thể đảm bảo rằng chất lượng phim việt cũng đạt tỷ lệ thuận. Bất chấp, con số doanh thu này, có thể xem như thành tích tốt nhất của thị trường điện ảnh nước nhà trong vòng 5 năm qua. So với 6 tháng đầu năm 2019 - giai đoạn được coi là đỉnh cao của phim Việt với doanh thu 715 tỷ đồng/18 phim phát hành thì doanh thu của phim nửa đầu 2023 cao gấp 1,5 lần.

“Nhà bà Nữ” của Trấn Thành đạt doanh thu 458 tỷ đồng - chiếm 65% tổng doanh thu 3 tháng đầu năm 2023.

Nhìn rộng hơn vào một số tác phẩm điện ảnh Việt ra rạp trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều xu hướng làm phim mới, hiện đại, du nhập từ nước ngoài đã mang đến hiệu quả tích cực, nhưng cũng không thiếu những sản phẩm lai căng, “dở tây dở ta”. Trường hợp “Sài Gòn nhật thực” của đạo diễn Việt kiều Othello Khánh là một ví dụ điển hình của sự pha tạp tùy tiện những yếu tố ngoại lai vào câu chuyện lấy cảm hứng từ kiệt tác của văn học Việt Nam - “Truyện Kiều”. Phim bị chỉ trích vì không phản ánh được tinh thần và bối cảnh văn hóa, xã hội Việt Nam, pha trộn dàn diễn viên đa quốc tịch, sử dụng ngôn ngữ lộn xộn (lúc nhân vật nói tiếng Việt, khi lại nói tiếng Anh). Một phim khác là “Kiều @” của đạo diễn Đỗ Thành An cũng lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều” với tham vọng hiện đại hóa từ nội dung đến kỹ thuật. Kịch bản phim cải biên thành câu chuyện hiện đại nhưng chỉ mượn được cái vỏ của “Truyện Kiều”, còn hồn cốt thì bay biến hết với những lời thoại ngây ngô, cảnh nóng phản cảm và tình tiết vụng về. Phim bị phê phán vì nhiều cảnh hở hang phản cảm như cảnh tắm hay những cảnh “đi khách” của nhân vật nữ chính với tấm lưng xăm hình Marilyn Monroe.

Thời gian này, xu hướng làm phim học theo các thể loại đặc trưng của nước ngoài như hài - hành động, zombie... cũng dẫn tới nhiều bộ phim lai căng, trở thành thảm họa điện ảnh như: “Những cô gái và găngxtơ”, “Cù lao xác sống”...

An ninh văn hóa đặc biệt quan trọng

Không chỉ trong khâu sản xuất, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, quá trình hội nhập văn hóa nói chung và điện ảnh nói riêng, còn khiến cho vấn đề xâm lăng văn hóa trở nên nghiêm trọng, nhất là trong khâu phát hành.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Bằng chứng ở việc, chỉ trong chưa đầy một tuần trong tháng 7/2023, hai bộ phim của nước ngoài là: “Barbie” (phim Mỹ) bị cấm chiếu ở Việt Nam vì có hình ảnh phi pháp, hình ảnh phi pháp lặp lại nhiều lần; phim “Hướng gió mà đi” (Trung Quốc) phát hành tại Việt Nam xuất hiện hình ảnh, nội dung trong lời thoại về bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp. Trong quá khứ, hội đồng duyệt phim từng nhiều lần tuýt còi bộ phim cài cắm hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp như “Uncharted” có Tom Holland thủ vai. “Everest: Người tuyết bé nhỏ” từng khiến nhà phát hành Việt Nam nhận mức phạt 170 triệu đồng, buộc rút khỏi rạp chiếu sau hơn 1 tuần ra rạp.

Nhìn nhận thực tế này, ông Sơn khẳng định: “An ninh văn hóa cũng là an ninh quốc gia. Chúng ta phải luôn quan tâm đến vấn đề văn hóa và phải xem đây là những vấn đề quan trọng, không được phép lơ là. Phải hết sức cảnh giác với những văn hóa phẩm tuyên truyền sai lệch về chủ quyền quốc gia, các vấn đề chính trị khác.

Trong bối cảnh hội nhập, văn hóa phẩm phong phú đến từ nhiều nguồn khác nhau khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn với các cơ quan quản lý nhà nước. Vậy nên người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước cần nâng cao hơn nữa nhận thức và xây dựng thêm phương tiện để quản lý tốt hơn vấn đề này.

Đây là trách nhiệm của rất nhiều bên liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Việc khán giả phát hiện, thông báo về các thông tin sai lệch từ sớm giúp ích cho các cơ quan quản lý nhà nước. Bởi từ những cơ sở đó, các cơ quan quản lý nhanh chóng có cách xử lý phù hợp, bảo vệ được nền văn hóa, chủ quyền của mình”.

Bạch Dương

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/khi-dien-anh-viet-hoi-nhap-i701416/