Khi dĩa cơm tấm bằng 6 ký gà

SGTT.VN - Còn hai tuần nữa là tết Giáp Ngọ. Giữa lúc ai ai cũng tất bật với công việc cuối năm, chuẩn bị dành thời gian mua sắm, vui tươi đón tết, thì vẫn có nhiều nông dân ngày đêm mất ăn mất ngủ với sản phẩm làm ra không bán được, giá rẻ bèo.

Sổ tay

Câu chuyện của ông Nguyễn Văn Ngọc, làm nghề chăn nuôi gà công nghiệp ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai mà chúng tôi muốn nói đến sau đây, sẽ phần nào phản ánh tâm trạng của nông dân lúc năm cùng tết đến này.

Mỗi ký gà bán ra tại trại chỉ còn 18.000 đồng và còn có thể xuống nữa trong những ngày tới.

Chuyện là, cuối tuần trước, anh Ngọc có nhắn tin kể rằng: “Hôm nay mình lên thành phố khám bệnh, vào quán ăn một dĩa cơm tấm Thuận Kiều hết 102.000 đồng, giá này bằng 6kg gà công nghiệp. Uống thêm một ly càphê đá G7 hết 54.000 đồng, bằng 3kg gà”. Sau đó, anh Ngọc kêu than: “Sản phẩm của nông dân làm ra giá chi mà bèo bọt quá?”

Ai đó có theo dõi lĩnh vực nông nghiệp, nhất là thị trường thực phẩm, trong đó có mặt hàng thịt gà công nghiệp dịp cuối năm này, mới đồng cảm được lời than oán của ông Nguyễn Văn Ngọc. Ngày 16.1, mỗi ký gà bán ra tại trại chỉ còn 18.000 đồng và còn có thể xuống nữa trong những ngày tới vì… không có người ăn. Để nuôi ra được lứa gà mà thị trường chỉ đang định giá như mớ rau như hiện nay, nông dân phải bỏ ra tiền tỉ đầu tư xây dựng chuồng trại, con giống, thức ăn. Tốn thời gian thêm 4 – 5 tuần chăm sóc, đồng thời sống trong nỗi lo lắng về dịch bệnh, đầu ra để có thể hy vọng gặt hái lợi nhuận. Cuối cùng thì kết quả thật là cay đắng. Với giá bán này, nông dân lỗ mỗi ký gà công nghiệp 10.000 đồng. Gà có trọng lượng càng lớn, khoản thua lỗ càng cao.

Hẳn sẽ có người cho rằng đem giá cơm tấm, càphê ở Sài Gòn so sánh với giá gà công nghiệp tận dưới tỉnh lẻ như ông Ngọc thì đâu còn là kinh tế thị trường. Ở đây giá bán của sản phẩm được cấu thành bởi rất nhiều yếu tố, bên cạnh thước đo về chất lượng, chi phí, còn có giá trị thương hiệu và các dịch vụ đi kèm. Ngay cả chuyện hơn kém nhau ở lợi thế điểm bán, trung tâm hay không trung tâm, mặt tiền hay không mặt tiền… cũng có sự khác biệt về giá. Nên việc nông dân ở quê có bán ba, sáu, thậm chí 10kg đi nữa để đổi lấy một dĩa cơm, tô phở, ly càphê… thị thành cũng là điều bình thường.

Thế nhưng, những người nông dân như ông Ngọc nói rằng, họ vẫn cảm thấy cay cay nỗi lòng. Cay ở chỗ, giá cả sản phẩm nông nghiệp mà họ tần tảo một nắng hai sương chưa phản ánh đúng, phản ánh đủ chi phí, công sức bỏ ra… Ở chỗ, trong lúc nông dân phải bán sản phẩm rẻ mạt, lỗ lã nhưng lại phải trả tiền cho các dịch vụ khác quá đắt. Họ thiệt đơn, thiệt kép. Họ chưa được bảo vệ bằng các chính sách bảo trợ giá, thuế, lãi vay… để có thể yên tâm duy trì sản xuất, tạo ra sản phẩm cung cấp cho nhu cầu xã hội.

Ông Ngọc cho biết, ngay cả những thông tin như tổng đàn, cung cầu thị trường, kế hoạch nhập khẩu thực phẩm của nhà nước thì người chăn nuôi cũng ít khi biết được. “Chúng tôi chỉ biết nuôi gà, may rủi phó mặc thị trường”, ông chua chát.

Hoàng Bảy

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/kinh-te/186948/khi-dia-com-tam-bang-6-ky-ga.html