Khi di sản là nạn nhân của hỏa hoạn

Không chỉ lâu đài cổ Shuri, nhiều di sản văn hóa thế giới cũng bị hủy hoại dưới bàn tay của 'bà hỏa'.

Biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang, đô thị hóa… đã hủy hoại nhiều di sản thế giới. Và không thể không nhắc đến hỏa hoạn, “kẻ hủy diệt” của những di sản không chỉ là biểu tượng của một quốc gia mà còn là niềm tự hào của cả thế giới.

Lâu đài Shuri lụi tàn sau hỏa hoạn. (Nguồn: AP)

Lâu đài Shuri

Lâu đài Shuri là trung tâm chính trị và Hoàng cung của Vương quốc Ryukyu từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX. Tòa lâu đài được Nhật Bản công nhận là “Quốc bảo” (báu vật quốc gia) từ năm 1933. Công trình này cũng là biểu tượng trong cuộc đấu tranh và nỗ lực phục hồi sau Thế chiến II của Okinawa.

Khác với các lâu đài khác của Nhật Bản, Shuri chịu ảnh hưởng lớn từ kiến trúc Trung Quốc, với các chi tiết trang trí tương tự Tử Cấm Thành. Bao quanh lâu đài là những bức tường bằng đá trải dài, còn tòa nhà trung tâm là công trình kiến trúc bằng gỗ lớn nhất Okinawa.

Các cổng và các tòa nhà được sơn màu đỏ của sơn mài, tường và mái hiên được trang trí nhiều màu sắc, mái ngói làm bằng gạch Goryeo và gạch Ryukyuan đỏ. Trên các vật dụng của nhà vua được trang trí bằng hình ảnh những con rồng.

Theo các tài liệu, vào các năm 1453, 1660, 1709 và 1945, lâu đài này từng bị hủy hoại nhiều lần do chiến tranh. Năm 1992, công trình này được khôi phục và mở cửa trở lại với diện mạo mới là một công viên quốc gia. Nhờ sự phục chế tài tình, lâu đài cùng tổ hợp xung quanh và các địa điểm khác thời Vương triều Ryukyu được đưa vào danh sách Di sản thế giới vào năm 2000.

Tuy nhiên, ngày 31/10, Lâu đài Shuri bị tàn phá lần thứ năm. Theo chính quyền địa phương, 6 tòa nhà với diện tích tổng cộng gần 4.200 m2 đã bị lửa thiêu hủy. Hiện cơ quan chức năng đang khẩn trường làm rõ nguyên nhân gây nên đám cháy. Chính phủ Nhật Bản xem xét các khoản bổ sung để hỗ trợ công tác phục hồi trong khi UNESCO sẵn sàng vào cuộc tái thiết Shuri.

Nhà thờ Đức Bà Paris

Nhà thờ Đức Bà Paris chìm trong đám cháy. (Nguồn: Reuters)

Nhà thờ Đức Bà Paris là nơi chứa đựng những báu vật có giá trị tôn giáo, lịch sử, văn hóa cao như các tác phẩm điêu khắc, thánh tích (vương miện gai của Chúa Jesus và mảnh Thập giá Đích thực), chuông cổ, lễ phục nhà thờ...

Được khởi công từ giữa thế kỷ XII, quá trình xây dựng Nhà thờ Đức Bà Paris diễn ra liên tục trong khoảng 200 năm sau đó. Công trình này trở thành nguồn cảm hứng của rất nhiều tác phẩm văn học, trong đó có tuyệt phẩm Thằng gù Nhà thờ Đức Bà Paris của đại văn hào Victor Hugo.

Kiến trúc Nhà thờ Đức Bà Paris mang phong cách gothic nổi bật cùng những chi tiết mái vòm, cửa sổ hoa hồng, tòa tháp chuông, đèn chùm... được thiết kế công phu. Công trình được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1979. Mỗi năm, địa danh này thu hút 12-14 triệu lượt khách tham quan.

Trên thực tế, "biểu tượng văn hóa không thể thay thế của nước Pháp" đã bị phá hủy nhiều lần do nơi đây luôn là mục tiêu tấn công trong chiến tranh hay các vụ khủng bố. Ngày 15/4 vừa qua, hỏa hoạn đã thiêu đốt công trình tôn giáo hơn 850 tuổi, phần lớn cấu trúc bị phá vỡ song nhiều cổ vật đã thoát được ngọn lửa dữ.

Ngay sau đó, chính quyền Pháp tuyên bố sẽ xây dựng lại so với nguyên trạng nhà thờ và hàng trăm triệu USD đã được quyên góp để khôi phục di sản văn hóa thế giới này. Hiện nay, công tác tu sửa Nhà thờ vẫn đang được tiến hành.

Bảo tàng Quốc gia Brazil

Vụ hỏa hoạn đã hủy hoại nhiều hiện vật có giá trị lịch sử tại Bảo tàng Quốc gia Brazil. (Nguồn: Reuters)

Một trong những viện bảo tàng lịch sử tự nhiên và nhân chủng học lớn nhất ở châu Mỹ, Bảo tàng Quốc gia Brazil lưu giữ khoảng hơn 20 triệu hiện vật thuộc nhiều bộ sưu tập có niên đại tới 11.000 năm, từ nhân chủng học, sinh học, khảo cổ học, dân tộc học, địa chất cho đến động vật học. Đặc biệt, trong số đó, có các hiện vật của người Ai Cập cổ đại.

Từ năm 2014, do ngân sách để bảo trì bị cắt giảm liên tục, tòa nhà Bảo tàng đã không được bảo trì hệ thống chữa cháy và có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Ngày 2/9/2018, “kho báu” lịch sử và văn hóa 200 năm tuổi này đã bị thiêu rụi gần như hoàn toàn do hỏa hoạn.

Tính đến tháng 3/2019, Ban quản lý Bảo tàng đã huy động được hơn 30 triệu USD để khôi phục những mẫu vật bị hư hại. Sau hơn 1 năm xảy ra sự cố, 44% bộ sưu tập của Bảo tàng đã được phục hồi.

Tu viện Novodevichy

Lính cứu hỏa đang cố gắng dập lửa đám cháy tại Tháp chuông Tu viện Novodevichy (Nga). (Nguồn: EPA)

Tu viện Novodevichy được thành lập từ năm 1524 và được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2004, đến nay vẫn là tu viện lâu đời và nổi tiếng nhất Moscow nói riêng và nước Nga nói chung.

Với kiến trúc đặc trưng, các bức tranh bích họa cùng những chi tiết trang trí tinh xảo, nơi đây được UNESCO đánh giá là biểu tượng của phong cách nghệ thuật "Moscow Baroque", gắn liền với tôn giáo và chính trị của Nga vào thế kỷ XVI-XVII.

Nghĩa trang của tu viện là nơi yên nghỉ của nhiều nhân vật nổi tiếng như nhà văn Anton Chekhov, Nikolai Gogol, nhà soạn nhạc Sergei Prokofiev, Dmitri Shostakovich, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev và cựu Tổng thống Boris Yeltsin...

Ngày 15/3/2015, một ngọn lửa đã nhấn chìm tháp chuông cao nhất của tu viện 500 năm tuổi này. May mắn là tòa tháp chỉ bị hư hại bên ngoài còn mọi thứ bên trong hầu như còn nguyên vẹn.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khi-di-san-la-nan-nhan-cua-hoa-hoan-104145.html