Khi dân bản viết đơn xin thoát khỏi hộ nghèo

Dần thoát cái đói, cái nghèo dai dẳng, số người dân bản đã tự nguyện viết đơn xin thoát hộ nghèo để có thêm tự tin phát triển kinh tế, nhường lại sự giúp đỡ cho những đồng bào khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Hữu Tâm, Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết, mới đây có 2 hộ đồng bào Mã Liềng (thuộc dân tộc Chứt) sống ở bản Cà Xen vừa viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo gửi chính quyền.

Người dân đồng bào dân tộc tại Quảng Bình tự nguyện viết đơn xin thoát hộ nghèo.

Thanh Hóa là xã biên giới còn nhiều khó khăn, của huyện Tuyên Hóa. Địa phương này hiện có 90 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, riêng bản Cà Xen là 57 hộ. Đời sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất lúa, hoa màu, chăn nuôi, bảo vệ rừng…

Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến thực hiện chính sách dân tộc, chăm lo đời sống, sản xuất cho đồng bào. Địa phương cũng phối hợp với các đơn vị, tổ chức tuyên truyền hướng nghiệp, tìm kiếm việc làm cho người dân.

Những năm qua, các công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống đập, kênh mương thủy lợi, đường giao thông… được quan tâm đầu tư, từng bước làm thay đổi diện mạo bản Cà Xen và đời sống đồng bào.

Bà con đồng bào thoát tư tưởng trông chờ vào nhà nước, nỗ lực sản xuất, nâng cao đời sống.

Theo ông Tâm, cuối năm 2022, bản Cà Xen có 96,49% hộ nghèo, khi hộ ông Hồ Chí Thành và Hồ Bợt tự nguyện làm đơn thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của bản Cà Xen là 92,98%. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhưng bà con dần có ý thức để vươn lên trong sản xuất, đời sống.

"Tôi vừa viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo vì không muốn ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước mà muốn tự lực vươn lên. Gia đình tôi hiện đang làm 5 sào ruộng, hằng ngày vào rừng lấy mây, mật ong, măng về bán cũng cho thu nhập khá, cuộc sống không còn bấp bênh, khó khăn nữa", ông Hồ Bợt (55 tuổi, dân tộc Chứt) trú bản Cà Xen, xã Thanh Hóa cho biết.

Một hộ đồng báo khác tại bản Cà Xen cũng viết đơn xin thoát nghèo là hộ ông Hồ Chí Thành. Từ cuộc sống cơ cực, hiện gia đình ông đã có cuộc sống ổn định nhờ lao động và biết áp dụng nhiều phương thức sản xuất được chính quyền hướng dẫn. Cùng với đó là vinh dự và trách nhiệm nêu gương của một đảng viên, Bí thư chi bộ của bản.

Ông Hồ Bợt (trái) và ông Hồ Chí Thành (phải) là 2 hộ vừa viết đơn xin thoát nghèo (ảnh: NVCC).

"Tôi đang làm Bí thư Chi bộ bản Cà Xen. Gia đình tôi chưa dư giả gì nhưng so với các hộ khác trong bản thì cuộc sống ổn định hơn. Hơn nữa, tôi là Đảng viên nên phải gương mẫu, đi đầu nên tôi đã viết đơn xin thoát khỏi diện hộ nghèo, nhường lại hỗ trợ cho hộ khó khăn hơn. Hiện tôi đang làm 8 sào ruộng, 4 ha rừng keo và nuôi 8 con trâu, 4 con bò, kinh tế gia đình ngày càng đi lên", ông Hồ Chí Thành chia sẻ.

Bên cạnh đó, Bí thư Chi bộ Hồ Chí Thành còn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào tại bản, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, vận động người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

"Hộ ông Hồ Bợt và hộ ông Hồ Chí Thành vừa viết đơn xin thoát nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, 2 hộ này có ý chí vươn lên thoát nghèo, chủ động lao động sản xuất, con cái học hành cơ bản. Việc làm này của 2 hộ này rất đáng hoan nghênh, làm gương để các hộ dân trong bản noi theo", Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa Nguyễn Hữu Tâm cho biết.

Ông Hồ Phình (SN 1976, người Mã Liềng thuộc dân tộc Chứt) trú bản Kè, xã Lâm Hóa cũng tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.

Trước đó, tại huyện Tuyên Hóa, ông Hồ Phình (SN 1976, người Mã Liềng thuộc dân tộc Chứt) trú bản Kè, xã Lâm Hóa cũng tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Ông Phình là người đầu tiên ở xã Lâm Hóa thực hiện việc làm ý nghĩa này.

Đan Thanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khi-dan-ban-viet-don-xin-thoat-khoi-ho-ngheo-169240226142027899.htm