Khi đại học 'bán hàng'

Sản phẩm mà Đại học Quốc gia Hà Nội muốn 'bán' cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư không chỉ là những thứ hiện hữu mà bao gồm cả tài năng hay chuyển giao công nghệ.

Ngày 4/11, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2023.

Đây là hội nghị lần thứ hai (kể từ lần đầu tổ chức vào ngày 10/12/2022) và là hoạt động thường niên do ĐHQGHN tổ chức.

ĐH Quốc gia Hà Nội có gì để bán?

Tại Hội nghị lần thứ nhất, về hợp tác chuyển giao khoa học và công nghệ (KH&CN), nhiều hiệp hội và doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã quan tâm tới các sản phẩm KH&CN của ĐHQGHN.

Thông qua Hội nghị Xúc tiến đầu tư, có 14 sản phẩm KH&CN của ĐHQGHN đã được doanh nghiệp tiếp nhận đề xuất hoặc lựa chọn sản xuất thử nghiệm (thuộc lĩnh vực sức khỏe, môi trường, nông nghiệp). Bên cạnh đó, ĐHQGHN được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn quan tâm, ký kết hợp tác đầu tư trong thương mại hóa và chuyển giao sản phẩm KH&CN.

Các hợp tác nghiên cứu, đào tạo giữa ĐHQGHN với các doanh nghiệp, đối tác; Về hợp tác công - tư, xây dựng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư xây dựng khác tại Khu đô thị ĐHQGHN cũng đang nhận được sự quan tâm hợp tác từ phía các nhà đầu tư và đã có các hoạt động triển khai đạt kết quả bước đầu như: dự án trường liên cấp chất lượng cao, dự án bệnh viện quốc.

Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2023 bao gồm 1 phiên toàn thể, 6 hội nghị chuyên đề song song với các nội dung như Xúc tiến đầu tư vào Khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Các nội dung ĐH này kêu gọi doanh nghiệp đầu tư gồm: đầu tư cho giáo dục, đào tạo tài năng và chất lượng cao; thu hút đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản; phát triển công nghệ bán dẫn…

Tại các chuyên đề, các nhà khoa học, đối tác doanh nghiệp đã trao đổi, thảo luận các cơ hội hợp tác, đầu tư vào dự án ĐHQGHN tại Hòa Lạc; cơ chế đầu tư theo phương thức đối tác công tư và vấn đề PPP trong giáo dục ở Việt Nam; giải pháp thực thi hóa danh mục xúc tiến đầu tư của ĐHQGHN đối với cộng đồng doanh nghiệp; cơ chế hợp tác đầu tư chuyển giao KH&CN…

Các ý kiến trao đổi là tiền đề để ĐHQGHN tiếp tục phát triển các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực với các đối tác chiến lược. Bên cạnh các báo cáo đề dẫn, các chuyên đề tập trung vào phiên thảo luận bàn tròn giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, các quỹ đầu tư về nhu cầu hợp tác cũng như các khó khăn, vướng mắc về mô hình hợp tác.

Phát biểu tại phiên toàn thể, GS. TS Lê Quân, Giám đốc ĐHQGHN, cho biết nhiệm vụ cốt lõi và sứ mệnh là đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, thực hiện sứ mệnh cộng đồng.

Trong đào tạo chú trọng bồi dưỡng nhân tài, đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như đẩy mạnh hoạt động KH-CN phục vụ đời sống phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện những nhiệm vụ đó, ĐHQGHN rất cần sự đồng hành của các doanh nghiệp, tổ chức.

ĐHQGHN là cơ quan đào tạo có nhiều năng lực và tiềm năng, với gần 5.000 cán bộ, gần 3.000 nhà khoa học (trong đó có 600 phó giáo sư, giáo sư; hơn 2.000 tiến sĩ), được Nhà nước đầu tư nhiều về điều kiện nghiên cứu và đào tạo.

Đây không chỉ là nơi cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, mà còn là nơi kết nối các doanh nghiệp, địa phương với các đơn vị đào tạo, nghiên cứu.

Thành lập trung tâm nghiên cứu chung với Đại học RMIT

GS Lê Quân cũng cho biết, trong khuôn khổ chương trình hội nghị, ĐHQGHN đã khai trương Trung tâm Nghiên cứu hợp tác giữa ĐH này với ĐH RMIT của Úc (Trung tâm VNU - RMIT Innovation Hub).

Trong mối quan hệ hợp tác này, ĐHQGHN đáp ứng nguồn nhân lực và hạ tầng cơ sở vật chất (với diện tích gần 1.000 m2 mặt sàn bao gồm các khu văn phòng cùng cơ sở vật chất mang phong cách hiện đại). RMIT đầu tư 10 triệu đô la Úc để đầu tư trang thiết bị và cùng nghiên cứu.

Trung tâm VNU - RMIT Innovation Hub được thành lập với mục đích phục vụ giáo dục sau ĐH, đào tạo nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ hợp tác giữa ĐHQGHN, RMIT với các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, không chỉ trong lĩnh vực công nghệ số mà còn góp phần giải quyết các bài toán KH&CN của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực thiết yếu của đời sống, kinh tế - xã hội như: vật liệu mới, công nghệ bán dẫn, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo...

Thời gian tới, Trung tâm VNU - RMIT Innovation Hub sẽ phục vụ đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao bậc tiến sĩ, sau tiến sĩ; là nơi để ĐHQGHN và ĐH RMIT, cùng các doanh nghiệp của Việt Nam và Úc phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, các hoạt động trao đổi học thuật chuyên sâu…

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khi-dai-hoc-ban-hang-post1584387.tpo