Khi 'con trâu là đầu cơ nghiệp' của người Mông

Tà Cóm là bản sâu, xa đặc biệt khó khăn của xã Trung Lý (Mường Lát). Vì vậy, chuyện người Mông nuôi trâu, bò đạt hiệu quả kinh tế cao, giúp thoát nghèo và cải thiện cuộc sống là điều đáng được ghi nhận.

Nhờ tuân thủ các quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, đàn trâu, bò của gia đình Thào A Thái luôn khỏe mạnh, phát triển tốt.

Nhờ tuân thủ các quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, đàn trâu, bò của gia đình Thào A Thái luôn khỏe mạnh, phát triển tốt.

Thoát nghèo nhờ nuôi trâu, bò...

Mưa mấy ngày liên tục, sáng ra tạnh ráo, anh Thào A Thái ở bản Tà Cóm và cậu con trai lớn Thào A Tủa đi cách nhà 3 quả đồi để thăm đàn gia súc của gia đình. Trước khi đi, anh Thái dặn con trai chuẩn bị cơm nếp, nước uống đủ dùng cho cả ngày. Nơi đây nằm dọc sông Mã, được bao bọc bởi những quả đồi phủ đầy cỏ tranh, cỏ chỉ, lau lách... Gần trưa, hai bố con mới tiếp cận được đàn gia súc.

Trời nóng hừng hực, oi ả vì không có gió, anh Thái lấy bát muối trắng rải đều trên đám cỏ vừa cắt. Tôi tò mò, anh Thái giải thích “Đám gia súc nhiều ngày sống trên đồi rất thèm muối”.

Theo anh Thái, trước đây, trâu, bò chủ yếu được mang vào rừng thả rông, nguồn thức ăn chủ yếu từ tự nhiên nên về mùa đông trâu, bò thường thiếu thức ăn hay mắc bệnh và chết rét. Tuy nhiên, những năm gần đây nhờ sự tuyên truyền của chính quyền địa phương mà người dân đã thay đổi phương pháp sản xuất. Trâu, bò được người dân nuôi bằng hình thức bán chăn thả. “Chúng tôi vẫn chăn thả tự nhiên nhưng khoanh vùng chăn nuôi bằng cách rào giậu lại để dễ bề chăm sóc và quản lý bệnh dịch”, anh Thái nói.

Trang trại của gia đình anh Thái rộng hơn 20ha, chia làm nhiều khu nhỏ. Tại đây, anh xây chuồng trại và tận dụng những khoảnh đất ven đường, ven suối để trồng các loại cỏ voi, cỏ sữa, ngô... bổ sung nguồn thức ăn cho những con ốm, sinh đẻ và dự trữ cho mùa đông. Hiện tại, gia đình anh đang có 20 con trâu, hơn 30 con bò. Nhờ tuân thủ các quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, đàn trâu, bò của gia đình luôn khỏe mạnh, phát triển tốt. Hiện tại mỗi con trâu, bò của gia đình anh có giá trị từ 10 đến 40 triệu đồng, tổng giá trị đàn gia súc của gia đình anh lên đến 2 tỷ đồng. Anh Thái cho biết: “Từng trải qua cảnh đói nghèo, gian khó nên anh thấu hiểu cái khó, cái khổ rồi. Vì vậy, gia đình luôn nỗ lực làm kinh tế, nhất là chăn nuôi trâu, bò vì địa phương có nhiều thuận lợi để phát triển gia súc”.

Trước đó, vào cuối năm 2023, anh Thái quyết định bán gần 20 con trâu, bò lấy tiền mua xe tải cho con sử dụng. Hiện tại, ngoài trồng trọt, chăn nuôi, bố con anh Thái còn thu mua nông sản của người dân khu vực bên này sông Mã chở đến các huyện bán và ngược lại.

Được biết, anh Thái từng làm trưởng bản Tà Cóm 15 năm. Anh cũng là người đầu tiên của bản vào Đảng, năm 2008. Là trụ cột trong gia đình có 10 người (một mẹ già, hai vợ chồng và bảy đứa con còn nhỏ), anh Thái luôn trăn trở phải làm sao để gia đình có cơm no, áo ấm. Năm 2010, anh vay 15 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội để mua bò sinh sản và nhận thêm rừng trồng vầu, xoan. Ban đầu, việc làm ăn không mấy suôn sẻ, cây rừng chậm thu hoạch, vật nuôi liên tục chết khiến anh lâm cảnh nợ nần, đói kém. Quyết không nản lòng, nhận thấy nuôi trâu, bò bán chăn thả trên rừng núi có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Thái tiếp tục vay mượn đầu tư nuôi trâu, bò, dê. Năm 2015, anh vay thêm 30 triệu đồng để đào ao nuôi cá. Dần dần các con vật, cây trồng bắt đầu cho thu nhập, anh Thái trả hết nợ cho ngân hàng, lại có vốn quay vòng để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Năm 2017, nhận thấy gia đình mình không còn nghèo và để làm gương cho các hộ trong bản, anh Thái đã làm đơn lên xã xin được thoát nghèo và trở thành gia đình đầu tiên thoát nghèo của bản.

Ngoài trâu, bò, gia đình anh Thái còn có 1 xe tải trị giá hơn 300 triệu đồng, 10ha trồng sắn, 3ha trồng vầu làm nan thanh và ao nuôi cá. Tổng thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.

...đến bước chuyển mình của bản

Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, anh Thái còn giúp đỡ bà con trong bản phát triển kinh tế. Anh chủ động tặng giống trâu, bò, lợn, gà... làm “cần câu cơm” cho những gia đình khó khăn trong bản như gia đình anh Thào A Gia, Sùng A Tủa... Những trường hợp này, nay đã và đang từng bước thoát nghèo. “Để những hộ nghèo bỏ ra tiền triệu mua một con bò gây dựng cơ nghiệp thì rất khó trong khi gia đình tôi giờ đã no đủ, đàn trâu, bò cũng sinh sản đều nên tôi tặng bò giống cho những hộ nghèo nuôi để họ có cơ hội thoát nghèo”, anh Thái tâm sự.

Theo Trưởng bản Thào A Sự, bản Tà Cóm là nơi định cư của 111 hộ với 612 nhân khẩu, 100% đồng bào dân tộc Mông từ miền núi phía Bắc di cư vào từ những năm cuối thế kỷ XX. Thời gian đầu, họ vào tiểu khu giữa rừng sâu, phá rừng, đốt rẫy, nay đây mai đó..., nên 100% các hộ thuộc diện đói nghèo quanh năm; hệ thống chính trị cơ sở chưa được thiết lập, người dân trong bản hoàn toàn cách biệt với đời sống bên ngoài... Đến năm 1998, thực hiện Đề án “Ổn định dân di cư tự do” của tỉnh Thanh Hóa, người dân mới dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm và ổn định cuộc sống.

Năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết 11 về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó xác định đến năm 2030, Mường Lát thoát khỏi huyện nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng trở lên; mục tiêu đến năm 2045 kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân đầu người của huyện Mường Lát đạt mức bình quân các huyện miền núi của tỉnh. Hai năm trở lại đây, Tà Cóm dần có bước chuyển mình mạnh mẽ nhờ các chính sách cụ thể, đồng thời tuyên truyền, kết nạp thêm nhiều đảng viên mới, từ đó vận động bà con chủ động xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại cũng như xóa bỏ các hủ tục, tập quán canh tác cũ.

Đến nay, bản Tà Cóm có thể vẫn nghèo về đường đi lối lại, về cơ sở hạ tầng và các thiết chế kinh tế - xã hội khác nhưng dân bản không còn khổ như trước nữa. Bởi tháng 9/2023 đã có điện lưới kéo đến bản. Ở bản, hầu như gia đình nào cũng chăn nuôi. Hiện toàn bản có 120 con trâu và 150 con bò. Ngoài ra, bà con dân bản còn trồng lúa nương, trồng sắn, trồng vầu. Năm 2023, cả bản thu về khoảng 800 tấn sắn tươi, thu về khoảng 1,2 tỷ đồng.

Bà con người Mông bản Tà Cóm đang mong có cây cầu bắc qua sông Mã và con đường bê tông vào đến tận bản để bà con không phải vận chuyển nông sản qua sông để đi bán..

Bài và ảnh: Tăng Thúy

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/khi-con-trau-la-dau-co-nghiep-cua-nguoi-mong-31114.htm