Khi con người bị dồn vào ranh giới sự sống - cái chết

'Escape from Mogadishu' - phim thắng giải Grand Prize tại Baeksang 2022 - gây chú ý nhờ pha trộn chất liệu lịch sử trên nền kịch bản nhân văn.

Chất liệu phim lấy cảm hứng từ cuộc nội chiến có thật năm 1991 ở Mogadishu - thủ đô Somalia, châu Phi. Theo dự tính ban đầu, Escape from Mogadishu sẽ quay ở Somalia, song do tình hình chính trị của nước này vẫn đang rối ren, nên đoàn phim quyết định đặt máy tại Morocco.

Han Shin Sung (Kim Yun Seok đóng) là đại sứ Hàn Quốc ở Mogadishu. Ông cùng vợ và đồng nghiệp là Tham tán Kang Dae Jin (Jo In Sung) sang công tác với mục đích đàm phán với tổng thống, nhằm giúp Hàn Quốc gia nhập Liên Hợp Quốc - do vào năm 1991, châu Phi chiếm số phiếu bầu cao nhất.

Trong khi đó, Rim Yong Su (Heo Joon So đóng) là đại sứ quán Triều Tiên - người đang cạnh tranh với ông Han Shin Sung ở Mogadishu. Từ vị trí hai đối thủ cạnh khóe nhau, họ buộc phải bắt tay làm hòa, cùng nhau sinh tồn khi cuộc nội chiến Somalia nổ ra.

Escape From Mogadishu do Ryoo Seung Wan - nhà làm phim chuyên trị các tác phẩm hành động - chính trị như The Battleship Island, Veteran, The Berlin File... cầm trịch. Với bề dày kinh nghiệm, Ryoo Seung Wan khắc họa rõ nét hình ảnh tàn khốc của chiến tranh và sự bất ổn trong bộ máy chính trị ở Somalia, đồng thời gói gọn xung đột trong những câu thoại trào phúng.

Escape from Mogadishu lấy cảm hứng từ cuộc nội chiến có thật năm 1991 tại Somalia.

Khi ra mắt tại Hàn Quốc năm 2021, phim nhận nhiều lời khen từ giới phê bình. Tại Liên hoan phim (LHP) Baeksang lần thứ 58, tác phẩm giành giải Grand Prize - giải cao quý nhất của LHP. Ngoài ra, Escape from Mogadishu cũng đoạt giải Phim điện ảnh xuất sắc tại LHP Rồng xanh và LHP Buil (do báo Busan Ilbo tổ chức).

Hiện thực chiến tranh tàn khốc

Phim có nhiều câu thoại gây cười, nhằm giảm sự ngột ngạt khi máy quay lia về hướng vùng chiến sự. Đạo diễn kết hợp các cảnh quay ngắn và góc quay chính diện để tạo hiệu ứng thị giác mạnh. Cuộc sống khốn khổ của người dân Châu Phi tái hiện bằng những cảnh quay tại khu ổ chuột. Hình ảnh xác người la liệt dưới chân những biệt thự đổ nát mang đến cảm giác cái chết luôn chực chờ.

Những thước phim tạo hiệu ứng thị giác mạnh liên tục xuất hiện.

Bên cạnh hình ảnh, âm thanh cũng phần nào thể hiện sự khắc nghiệt của chiến tranh. Ngay từ đầu, tiếng va đập của kim loại kết hợp với tiếng hò hét của người dân đã cho người xem cảm nhận được điều bất ổn. Đến tiếng cười của trẻ nhỏ cũng nhuốm màu tang tóc. Nhịp điệu dồn dập, tăng dần trong những pha hành động đã hoàn hảo đẩy cảm xúc của người xem lên cao trào.

Các chi tiết đối lập liên tục được sử dụng trong phim, từ âm thanh, ánh sáng đến lối kể chuyện. Phim mở đầu bằng cuộc chiến ngôn từ nhưng kết thúc bằng súng đạn. Những cặp màu vàng - đỏ, xanh - đỏ bao trùm tác phẩm, đầy tương phản như chính mối quan hệ giữa bộ máy chính trị ở Somalia và người dân. Trước cái chết, phiến quân lại chọn tiếng cười và sự hò reo thay vì lời than oán.

Tông đỏ - đại diện cho chiến tranh và mất mát - xuất hiện thường xuyên trên phim.

Tinh thần đoàn kết

Tác phẩm có cấu tứ và tuyến nhân vật giống phim No Man's Land (2001) - Danis Tanović đạo diễn. Bị dồn vào ranh giới của sự sống và cái chết, con người lựa chọn gạt bỏ những định kiến và cái tôi. Hàn Quốc và Triều Tiên lúc này cần đoàn kết. Hai vị bắt tay nhau để mở đường trở về quê mẹ là chi tiết đắt giá trong phim. Tuy nhiên, sự hoài nghi và những mâu thuẫn chính trị giữa hai nước vẫn được Escape From Mogadishu khai thác.

Ý nghĩa nhân đạo được nhà làm phim lồng ghép phía sau những cảnh quay hành động kịch tính. Đó là đức hy sinh, bảo vệ đồng đội trong cuộc chiến sinh tồn. Vốn đang cạnh tranh quyền lợi quốc gia, nhưng phân cảnh hai con người đại diện Triều Tiên và Hàn Quốc gọi nhau là “đồng hương” cũng phần nào lột tả quá khứ khắc nghiệt của hai nước. Nhà làm phim cũng muốn gửi gắm hy vọng thống nhất Nam - Bắc Hàn vào một ngày không xa.

Hoàn cảnh khiến hai ngài đại sứ bị mắc kẹt giữa lợi ích cá nhân và trách nhiệm bảo vệ nhân dân. Kim Yoon Seok và Heo Joon Ho lột tả được nội tâm phức tạp của nhân vật, đồng thời giữ được sự điềm tĩnh bên ngoài và vẻ uy nghiêm trong từng câu nói. Từ đối thủ thành đồng đội, chuyển biến tâm lý và sự tung hứng cảm xúc trong từng phân cảnh được hai nam diễn viên thể hiện tròn trịa, lôi cuốn.

Hai cặp nhân vật đối trọng là điểm nhấn của tác phẩm.

Bên cạnh đó, tính cách đối lập của hai tham tán, do Jo In Sung và Koo Kyo Hwan thể hiện, tăng kịch tính cho phim. Jo In Sung xuất hiện trong vẻ lãng tử, hơi bất cần nhưng quyết đoán trong từng hành động. Đối ngược là Koo Kyo Hwan - nhân vật có sự bốc đồng, thiếu kiên nhẫn. Độ nổi tiếng của hai tài tử cũng chính là điểm sáng giúp tăng sức nóng của phim.

Ngay từ khi ra mắt vào tháng 7/2021, Escape From Mogadishu bán được 2 triệu vé sau 17 ngày công chiếu, lập kỷ lục phòng vé tại Hàn Quốc. Trên nhiều diễn đàn điện ảnh, khán giả bình luận đây là tác phẩm chính trị - lịch sử nhưng không "khó nuốt", nội dung giàu cảm xúc, không những thế còn đậm tính giải trí nhờ những cảnh hành động, cháy nổ.

Linh Chi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khi-con-nguoi-bi-don-vao-ranh-gioi-su-song-cai-chet-post1336549.html