Khi chiếc bánh ngân sách bị co kéo

Nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng đòi hỏi công bằng trong phân bổ ngân sách nhà nước cho khu vực mình đại diện trong bối cảnh ngân sách đang rất khó khăn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, nhu cầu của các địa phương là rất cao. Ảnh: TL.

Nỗi niềm của Bộ trưởng Đầu tư

Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường ngày 1-11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận mâu thuẫn trong chi ngân sách hiện nay trong bối cảnh bộ này đang làm kế hoạch đầu tư trung hạn.

Ông nói: “Từ trước tới nay chúng ta vẫn đang tồn tại hai quan điểm mâu thuẫn nhau. Đó là cần tập trung đầu tư ưu tiên cho một số ngành, lĩnh vực và địa phương có tính động lực, có tính đầu tàu, có tính lan tỏa để thúc đẩy phát triển nhanh hơn và có đóng góp cho nguồn thu của ngân sách nhanh hơn”.

Mặt khác, theo ông Dũng, các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn cũng cần được quan tâm đầu tư để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương này với các địa phương trong cả nước.

“Đó là nhu cầu rất lớn nhưng khả năng chúng ta rất hạn hẹp”, ông Dũng thừa nhận khó khăn khi phải phân bổ chiếc bánh ngân sách ngày càng eo hẹp.

Nhận xét của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phản ánh rất rõ các luồng quan điểm của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận về nhu cầu đầu tư.

Vùng nghèo than khó

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, tỉnh Kiên Giang, phản ánh đồng bằng sông Cửu Long đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Dự báo đến năm 2050 có thể 2/3 diện tích của đồng bằng sông Cửu Long ngập sâu trong nước biển.

Tuy nhiên, đại biểu cho biết, trong 5 năm tới, kế hoạch của trung ương chỉ đầu tư một số công trình, dự án xây dựng cống, đập ngăn mặn, trong khi tại đồng bằng sông Cửu Long kênh, rạch chằng chịt. Các dự án ở vùng này, nếu không tập trung đầu tư đồng bộ sẽ khó đem lại hiệu quả.

Bà nói, đồng bằng sông Cửu Long được cả nước giao cho nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. “Nếu ta không sớm có kế hoạch đầu tư đồng bộ hạ tầng thủy lợi, đê bao, kiểm soát nguồn nước và quy hoạch lại vùng sản xuất cho đồng bằng sông Cửu Long sẽ khó hoàn thành được sứ mệnh này”, bà nói.

“Qua vụ mùa phải chịu hạn mặn vừa qua, đồng bằng sông Cửu Long có nhiều nơi có khoảng 80% thanh niên phải bỏ quê đi tìm kiếm công việc, kiếm sống ở nơi xa vì đất không còn sản xuất được”, bà nói.

Trong khi đó, vùng núi phía Bắc cũng đòi hỏi nhiều nguồn lực đầu tư, theo đại biểu Phan Văn Tường, tỉnh Thái Nguyên.

Ông Tường phản ánh, Ủy ban Kinh tế đánh giá an ninh trật tự miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, xuất hiện tình trạng cá nhân, tổ chức, hệ phái bên ngoài tăng cường hoạt động hỗ trợ kích động, lôi kéo bằng nhiều hình thức.

Ông nói, hiện nay nhân dân ở khu vực trên rất nghèo và lạc hậu. Mức sống chênh lệch với khu vực khác rất xa, hệ quả là rất lớn, di dân tự do đi về các đô thị lớn, vượt biên lao động trái phép và gia tăng tội phạm.

“Sâu thẳm hơn là mất đi niềm tin vào xã hội công bằng, dân chủ, làm giảm và mất đi cảm giác tuân thủ và chấp hành pháp luật, nguy cơ thách thức việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, đại biểu cảnh báo.

Ông dẫn chứng ở hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn có 67 xã, thị trấn biên giới đều là vùng núi và đều có trên 80% là đồng bào dân tộc. Ở tỉnh Cao Bằng năm 2014 toàn bộ nguồn thu của một xã, chỉ tiêu kế hoạch là 3 triệu đồng, thực hiện được hơn 4 triệu đồng. Năm 2015 chỉ tiêu thu của xã đó là 16 triệu đồng thực hiện hơn 20 triệu đồng.

Ông nói: “Nếu không kịp thời hỗ trợ về mọi mặt, khoảng cách sẽ ngày càng xa. Lĩnh vực quốc phòng, an ninh khó khăn, thế lực thù địch kích động và xâm nhập”.

Tỉnh giàu cũng than khổ

Trong khi đó, các tỉnh giàu có hơn cũng tỏ ra lo lắng về chiếc bánh ngân sách nhà nước bị cắt giảm.

Đại biểu Lưu Đức Long, tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết giai đoạn trước tỉnh Vĩnh Phúc được coi là một trong những địa phương có nguồn thu ngân sách lớn.

Tuy nhiên, nguồn thu ngân sách ngày nay đang chứa đựng nhiều rủi ro. Ví dụ năm 2011, tỉnh này hụt thu trên 500 tỉ đồng, và năm 2012 hụt thu khoảng hơn 5.000 tỉ đồng. Số thu ngân sách nhà nước Vĩnh Phúc chủ yếu trông chờ vào hai công ty lớn là Toyota và Honda, hai doanh nghiệp chiếm khoảng gần 93% tổng số thu nội địa của tỉnh.

Ông tỏ ra lo lắng khi cho rằng, thị trường xe máy đã bão hòa, công ty Honda Việt Nam đã chạy hết công suất, sản lượng, tiêu thụ mấy năm nay đang trên xu thế giảm. Bên cạnh đó, thuế suất nhập khẩu ô tô từ ASEAN và các nước khác vào năm 2018 sẽ trở về mức 0%. Do vậy, tình hình sản xuất, tiêu thụ xe ô tô sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Ông nói: “Đối với Vĩnh Phúc trong những năm tới chắc chắn nguồn thu cũng sẽ gặp nhiều khó khăn… Trong khi đó nhu cầu chi của Vĩnh Phúc cũng rất lớn, để phát triển hạ tầng khu đô thị, xây dựng nông thôn mới, các chính sách an sinh xã hội".

Đại biểu phàn nàn, tỷ lệ điều tiết cho ngân sách Vĩnh Phúc đang giảm dần qua các thời kỳ. Giai đoạn 2007-2010 là 67%, giai đoạn 2011-2016 là 60%, dự kiến giai đoạn 2017-2020 còn 53% giảm 7% tương đương với số tuyệt đối khoảng 2.000 tỉ đồng.

“Vậy mà trong năm 2017 dự kiến giao thu cho Vĩnh Phúc tăng rất cao”, ông nói, và bổ sung thêm, ông nhất trí phương án trình của Chính phủ trước Quốc hội là tỷ lệ điều tiết ngân sách giai đoạn 2017-2020 là 53% giảm 7% so với giai đoạn trước.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho biết, đối với tỉnh Quảng Ninh, trong giai đoạn năm năm tới tỷ lệ điều tiết là 65% giảm 5% so với giai đoạn trước. Giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ điều tiết của trung ương cho tỉnh là 70%, giảm 6% so với giai đoạn trước.

Bà phàn nàn: “Như vậy, tỷ lệ điều tiết hiện nay thấp hơn rất nhiều so với 5 năm trước và khó đáp ứng được nhu cầu của địa phương trong giai đoạn 2017- 2020”.

Nguồn thu của Quảng Ninh chưa ổn định, tỷ trọng thu từ than còn cao và hiện nay ngành than đang gặp rất nhiều khó khăn. “Trong khi đó, nhu cầu của địa phương là rất lớn. Chúng tôi có 10 huyện miền núi, biên giới, hải đảo…”, bà nói.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/153346/khi-chiec-banh-ngan-sach-bi-co-keo.html/