Khi cấp ủy 'khéo' lãnh đạo

Nậm Giải là một trong 4 xã biên giới của huyện Quế Phong (Nghệ An). Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, bằng việc xác định rõ những thuận lợi và khó khăn của xã trong phát triển kinh tế-xã hội, Đảng ủy xã Nậm Giải đã dồn sức lãnh đạo, tập trung nguồn lực để phát huy lợi thế sẵn có và lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền, nhân dân hoàn thành nhiều chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIII đề ra.

Đón chúng tôi tại trụ sở làm việc, đồng chí Sầm Văn Thành, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Giải phấn khởi nói: "Mặc dù xã còn nhiều khó khăn, nhưng đến hết năm 2023, cấp ủy, chính quyền xã lãnh đạo nhân dân hoàn thành và vượt một số chỉ tiêu đã xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025, nhiều chỉ tiêu bước đầu tiệm cận và dự kiến cũng sẽ đạt được vào cuối nhiệm kỳ".

Theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy, UBND xã tổ chức nhiều cuộc họp, xác định thế mạnh của địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và huy động nguồn lực. Trên cơ sở đó, Đảng ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát triển loại cá mát là nguồn thủy sản cá suối đặc sản trên toàn xã và 5/5 thôn, bản đã khoanh vùng, cắm mốc, biển, bảng bảo tồn. Xã Nậm Giải hiện có một hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và một hợp tác xã chăn nuôi gà với gần 20 hộ thành viên... Ngoài ra, có nhiều hộ tổ chức chăn nuôi gia súc quy mô vài chục con. Các mô hình phát triển kinh tế trong xã đều đang phát huy hiệu quả rõ nét.

Ban CHQS huyện Quế Phong giúp nhân dân xã Nậm Giải xây dựng đường liên thôn. Ảnh: NGUYỄN VIỆT

Về Nậm Giải dịp này, điểm nhấn trong mỗi thôn, xóm, cụm dân cư của đồng bào Thái là những nếp nhà sạch đẹp, phong quang, bà con phấn khởi xây dựng nếp sống mới. Trong tổ chức việc tang, bà con tổ chức thủ tục không còn rườm rà, giết mổ nhiều trâu, bò, ăn uống linh đình tốn kém như trước. Đó là kết quả đáng ghi nhận sau hơn 3 năm tập trung xóa bỏ tập tục lạc hậu theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ này.

Để cụ thể hóa nghị quyết, các chi bộ ra nghị quyết lãnh đạo và tổ chức họp, tuyên truyền đến toàn dân. Tiếp đó, chi bộ giao nhiệm vụ, cứ hai đảng viên theo dõi, giúp đỡ một hộ dân; các hộ dân là đảng viên phát huy tinh thần gương mẫu thực hiện trước để bà con làm theo. Bên cạnh tuyên truyền, vận động còn có hình thức khen thưởng, hộ nào làm được nhà vệ sinh thì sẽ hỗ trợ 1 triệu đồng từ nguồn kinh phí của chương trình "Dân vận khéo". Các đồng chí lãnh đạo xã được phân công theo dõi địa bàn sẽ phối hợp với lực lượng kiểm lâm, các đơn vị Quân đội trên địa bàn cùng tuyên truyền, vận động và cắt cử lực lượng hỗ trợ bà con.

Nhờ đó, việc xóa bỏ các tập tục lạc hậu có nhiều chuyển biến khởi sắc. Như bản Piêng Lâng, sau khi thực hiện nghị quyết chi bộ, 100% hộ có nhà vệ sinh riêng. Sau khi triển khai mẫu ở bản Piêng Lâng, đồng bào các bản khác thấy rõ lợi ích nên tích cực làm theo.

TRẦN MINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/khi-cap-uy-kheo-lanh-dao-767705