Khi các đội bóng 'tuýt còi' trọng tài

Sau trận thua trên sân Hàng Đẫy ở vòng 14 trước Thép Xanh Nam Định, Hà Nội FC đã có công văn gửi tới Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam bày tỏ không hài lòng với nhiều quyết định của trọng tài chính Nguyễn Mạnh Hải trong trận đấu nói trên.

Theo đó, đội chủ sân Hàng Đẫy đưa ra 4 tình huống nổi bật mà trọng tài xử lý “không thuyết phục” và yêu cầu Ban tổ chức Giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam “không bố trí trọng tài Nguyễn Mạnh Hải làm nhiệm vụ trong các trận đấu của đội Hà Nội FC…”.

Rõ ràng, đây không phải lần đầu ở V-League cũng như nhiều giải đấu bóng đá trên thế giới xảy ra tình trạng “đội bóng tẩy chay trọng tài”. Mùa bóng 2016, Hoàng Anh Gia Lai có đơn khiếu nại lên Ban tổ chức giải và Ban kỷ luật Liên đoàn đòi “tẩy chay” trọng tài Phùng Đình Dũng sau trận đấu giữa đội bóng phố núi và SHB Đà Nẵng (1-2). Mặc dù sau đó, Ban trọng tài đã có giải thích từng tình huống khiếu nại, nhưng Ban lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai vẫn “giữ nguyên quan điểm không bố trí trọng tài Phùng Đình Dũng cầm còi trong những trận đấu có Hoàng Anh Gia Lai”.

Các cầu thủ Thép xanh Nam Định ăn mừng bàn thắng. Nguồn Hà Nội mới

Ở V-League, câu chuyện phản ứng công khai về từng trọng tài cụ thể không phải là chuyện hiếm. Sông Lam Nghệ An từng ngán ngẩm mỗi khi trọng tài Trần Văn Lập cầm còi. Các huấn luyện viên Vũ Tiến Thành (thời ở Thành phố Hồ Chí Minh hay hiện giờ ở Hoàng Anh Gia Lai), Văn Sĩ Sơn (Quảng Nam)… cũng không ít lần nói thẳng về chuyện trọng tài “đè ngửa” đội bóng để ra những quyết định bất lợi, ngang trái.

Nhìn ra thế giới, cũng không hiếm trường hợp đội bóng công khai tẩy chay trọng tài, như trường hợp Câu lạc bộ Nottingham ở Giải Ngoại hạng Anh tẩy chay trọng tài Rob Jones. Và mặc dầu người đứng đầu Ban trọng tài đã đưa ra lời xin lỗi nhưng đội bóng vẫn “yêu cầu không để Jones bắt một trận đấu nào có mặt họ nữa”.

Như vậy, câu chuyện “đội bóng tẩy chay trọng tài” không còn là chuyện của riêng một cá nhân, một đội bóng, mà trên thực tế đã là “chuyện thường ngày” là “một phần của bóng đá” chăng? Nhìn vào các dẫn chứng trên, có thể thấy các đội bóng nêu vấn đề đều từng bị các trọng tài xử ép, xử sai không chỉ một đôi lần. “Con giun xéo lắm cũng quằn” nên họ bắt buộc phải lên tiếng để bảo vệ sự thật, bảo vệ đội bóng và bảo vệ quyền được xem bóng đá với những quyết định công bằng, đúng đắn. Và trên thực tế, đó cũng là những đội bóng yếu thế, dễ bị bắt nạt (trường hợp Hà Nội FC là khá hy hữu bởi đây là một đội bóng mạnh, có truyền thống). Tất nhiên, bất cứ giải bóng đá nào cũng có điều lệ giải, có tổ chức, kỷ luật, có ban trọng tài…Khác chăng là như ở Giải Ngoại hạng Anh, mỗi sai sót, sai lầm của trọng tài, của VAR đều được công bố, kết luận mau lẹ, công khai nên mọi chuyện luôn đi đúng hướng, được tin cậy. Còn như ở V-League, chưa biết bao giờ câu chuyện nêu ra của Hà Nội FC được giải đáp kịp thời, công khai như mong mỏi? Rất nhiều sai sót, sai lầm của các trọng tài đều được xử lý kín (như không giao nhiệm vụ ở các trận tiếp theo, làm nhiệm vụ ở giải thấp hơn…). Vậy nên, chuyện càm ràm, mặt nặng mày nhẹ với trọng tài vẫn cứ tiếp tục diễn ra hết vòng đấu này tới vòng đấu khác.

Màn đụng độ giữa Hà Nội FC và Nam Định tạo nên trận cầu hấp dẫn nhất ở V-League mùa này. Ảnh: TTXVN

Một vị huấn luyện viên từng bị “bắt ép”, xử sai nhiều lần, từng công nhận rằng “trọng tài là một công việc khó khăn”, lại có người từng phải bảo ban học trò để họ cố gắng “chịu trận” rằng, “còn có báo chí, truyền thông, có người xem truyền hình” lên tiếng, giúp sức… Nhưng cuối cùng họ vẫn buộc phải lên tiếng gay gắt, trực diện bởi vì hiện thời trọng tài đã có “cánh tay nối dài” là VAR, đã có nhiều trường hợp trọng tài bị treo còi vĩnh viễn, mất nghề mà sao một số người vẫn không rút kinh nghiệm, vẫn để tình trạng “tiếng còi méo” chói tai vang lên đây đó?

Để thấy, bóng đá là một cuộc chơi lắm công phu, từng bước được hỗ trợ bởi công nghệ, được giám sát, theo dõi, đánh giá chặt chẽ nhưng “quả bóng tròn” và người cầm còi vẫn có thể ra những quyết định sai sót, sai lầm, thiếu công bằng một cách cố ý và kể cả không cố ý. Vậy nên, trong cuộc chơi này, đây đó vẫn vang lên những tiếng nói gay gắt “tẩy chay trọng tài”, đã biết rồi mà vẫn không thể không xảy ra, như các trường hợp nêu ở đầu bài và sẽ còn tiếp tục xảy ra bất cứ lúc nào? Để rồi, ai đó lại phân bua “đó là một phần của bóng đá”, hay “trọng tài cũng là con người” nghĩa là có lúc đúng, khi sai, đến máy móc, công nghệ còn không/chưa thể hoàn hảo nữa là…

Một điều đọng lại, là hy vọng sau mỗi lần các đội bóng lên tiếng mạnh mẽ, ban tổ chức giải, ban kỷ luật, ban trọng tài, các trọng tài, các đội bóng… đều biết cách xem xét, đánh giá lại chính mình, để làm việc tốt hơn, đúng đắn hơn. Tất cả đều hướng tới giảm thiểu mỗi sai sót, sai lầm trong từng tình huống, từng trận đấu căng thẳng, cam go, vì mục tiêu chung của một giải đấu, một nền bóng đá phát triển./.

Hoa Bùi

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/khi-cac-doi-bong-tuyt-coi-trong-tai-post287328.html