Khi bóng đá châu Âu phải cầu cứu Trung Quốc

Không còn là hiện tượng nhất thời, giới nhà giàu Trung Quốc đang trở thành phao cứu sinh cho nhiều CLB danh tiếng gặp khó khăn về tài chính ở châu Âu. Inter là ví dụ điển hình.

Khi tập đoàn bán lẻ Suning Holdings của Trung Quốc hoàn tất thương vụ mua lại Inter vào tháng 6, họ nhận được sự hậu thuẫn lớn từ chính quyền Italy. Tại Anh, chính các nhà chức trách cũng nới lỏng các đạo luật nhằm khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào bóng đá.

Giám đốc điều hành Michael Bolingbroke của Inter tiết lộ “đã có sự khuyến khích đầu tư từ chính quyền các nước, và môi trường (cho các nhà đầu tư ngoại quốc) càng ngày càng thân thiện hơn”.

Sau Inter, sẽ có nhiều CLB nữa thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc? Ảnh: Getty Images.

Trên Yahoo Sports, cây viết Mitch Phillips tin các nhà đầu tư Trung Quốc là “những phần thưởng đặc biệt cho bóng đá châu Âu”. Tiền bạc đổ vào đội hình không phải vấn đề duy nhất, dù Suning Holdings đã chi tới gần 100 triệu bảng cho Inter ở kỳ chuyển nhượng mùa hè vừa qua.

Trước đây để chinh phục thị trường thế giới, nhiều CLB châu Âu bị giới hạn do nhiều yếu tố. Họ chỉ có thể tấn công các thị trường như Trung Quốc, Mỹ,... thông qua những trận giao hữu vô thưởng vô phạt hay các khoản tài trợ, bán áo đấu. Nhưng mọi chuyện bây giờ đang thay đổi.

“Bóng đá Trung Quốc đang chuyển mình mạnh mẽ và đó là cơ hội cho các CLB ở châu Âu”, Bolingbroke khẳng định trong hội nghị Leaders in Sport Business Summit diễn ra hôm thứ tư (5/10).

Giám đốc điều hành của Inter có lý. Tập đoàn Suning Holdings với doanh số bán lẻ lên tới 40 tỷ USD đủ khả năng để hiện thực hóa tham vọng của các cổ động viên Inter.

Có dân số lên tới 1,3 tỷ người, Trung Quốc trở thành thị trường bất cứ CLB nào cũng thèm muốn. Dù Premier League rất phổ biến tại Trung Quốc, song Bolingbroke và các CĐV Inter tin họ đang có lợi thế lớn tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Sau Inter, sẽ có thêm Palermo thuộc về người Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

Đội bóng thành Milan cũng vừa mở một trụ sở chính thức tại Nam Kinh, thành phố có dân số lên tới 8 triệu người và là nơi đặt trụ sở của tập đoàn Suning.

Theo đó, 12 nhân viên sẽ làm việc tại đây. Bản thân Bolingbroke đã từng làm việc cho Manchester United trong vai trò giám đốc phát triển thương hiệu tại châu Á. Nhưng ông rời Premier League để đến Inter vào năm 2014.

Inter đang cố gắng tạo ra cầu nối giữa CLB với khách hàng và các cổ động viên. Điều mà nhiều CLB hùng mạnh khác của châu Âu đang gặp khó khăn.

“Inter chỉ là CLB nổi tiếng thứ 4 tại Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi có một đối tác tại Chinese Super League, điều giúp CLB dễ dàng xâm nhập thị trường hơn”, ông Bolingbroke khẳng định.

Nhìn từ trường hợp Inter, có lẽ nhiều CLB lớn khác ở châu Âu nên cân nhắc nghiêm túc về những nhà đầu tư Trung Quốc.

Nguyên Trí (theo Reuters)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/khi-bong-da-chau-au-phai-cau-cuu-trung-quoc-post687410.html